Hiện nay, những địa phương có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế tập trung (gọi chung là KCN) đều có kế hoạch đầu tư phát triển nhà ở công nhân và đạt được một số kết quả bước đầu.

Tuy các địa phương có KCN đã hết sức cố gắng đầu tư phát triển nhà ở công nhân, nhưng thực tế chỉ mới giải quyết được khoảng 2-7% nhu cầu. Do đó để có chỗ ở tạm thời, phần đông NLĐ nhập cư phải ra ngoài xã hội thuê nhà ở, với giá thuê nhà cao, diện tích ở chật hẹp, tiện nghi sinh hoạt thiếu thốn, môi trường cư trú kém vệ sinh, trật tự an ninh không bảo đảm, hằng ngày phải đi làm việc xa.


Vì vậy, việc bảo đảm “Có đủ chỗ ở” cho NLĐ trở thành yêu cầu cấp bách của chính quyền các địa phương có KCN. Để làm được điều này, Nhà nước cần thay đổi quan điểm chỉ đạo cấp vốn đầu tư; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc có ảnh hưởng trực tiếp đến các dự án đầu tư phát triển nhà ở công nhân KCN. Bài viết này xin đề xuất tháo gỡ hai vấn đề. Cụ thể, như sau:


1- Cần thay đổi quan điểm cấp vốn đầu tư phát triển nhà ở công nhân KCN theo phương châm “thực tế”, “linh hoạt”, “không cầu toàn”.


Từ trước đến nay, việc cấp vốn đầu tư dự án phát triển nhà ở công nhân KCN chưa coi trọng mục tiêu “có đủ chỗ ở ” cho NLĐ, mà coi trọng mục tiêu “nhà ở có chất lượng” theo tiêu chuẩn nhà ở đô thị (họ sợ bị lạc hậu). Vì thế hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư chưa đạt “mục đích đầu tư” đề ra. Chẳng hạn, TPHCM hiện có khoảng 25 vạn NLĐ nhập cư cần giải quyết nhà ở; nhưng, sau 5 năm thực hiện các dự án phát triển nhà ở công nhân KCN, đến nay chỉ mới giải quyết được khoảng 6.000 người lao động nhập cư, đạt 2,4% tổng số nhu cầu giải quyết nhà ở. Nếu tiếp tục giữ quan điểm cấp vốn đầu tư chay theo “nhà ở có chất lượng” như hiện nay thì yêu cầu “có đủ chỗ ở” cho NLĐ nhập cư làm việc tại TPHCM đến bao giờ giải quyết được?


Để bảo đảm các dự án đầu tư phát triển nhà ở công nhân KCN đạt được mục đích “có đủ chỗ ở ” cho NLĐ nhập cư, cần thay đổi phương thức cấp vốn đầu tư theo mục tiêu “nhà ở có chất lượng” hiện nay, bằng phương thức cấp vốn đầu tư theo “khả năng huy động vốn”. Đối với địa phương có khả năng huy động nguồn vốn đầu tư thấp, nên áp dụng hình thức cấp vốn đầu tư dự án là các loại nhà ở có chất lượng thấp, giá rẻ (nhà tạm hoặc nhà cấp 4, tiêu chuẩn diện tích ở vừa phải, tiêu chuẩn tiện nghi sinh hoạt tối thiểu). Những địa phương có khả năng huy động nguồn vốn đầu tư cao, nên áp dụng hình thức cấp vốn đầu tư dự án là các loại “nhà ở có chất lượng” (nhà chất lượng tốt, cao tầng, tiêu chuẩn tiện nghi sinh hoạt đầy đủ). Những địa phương có khả năng huy động nguồn vốn đầu tư khá, nhưng không ổn định, nên áp dụng hình thức cấp vốn đầu tư linh hoạt bằng cách lựa chọn cả 2 hình thức đầu tư nêu trên.


2- Đổi mới quan điểm huy động nguồn lực đầu tư phát triển nhà ở công nhân KCN theo phương thức xã hội hoá.


Tuy nhiên, để có thể đáp ứng được nhu cầu nhà ở cho NLĐ thì các địa phương cần thực hiện chính sách xã hội hóa nguồn lực đầu tư phát triển nhà ở công nhân KCN. Cụ thể, Nhà nước cần hỗ trợ, tạo điều kiện về những nguồn lực then chốt phát triển nhà ở công nhân KCN, như dành đất cho các DN, dự án thuê dài hạn để xây dựng nhà ở công nhân. Ưu tiên DN vay vốn đầu tư xây dựng, cải tạo nhà ở và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ đời sống công nhân. Khi đó DN có trách nhiệm trích lợi nhuận kinh doanh hằng năm hoàn trả lại vốn vay cho nhà nước theo tỉ lệ chiết khấu quy định. Khuyến khích các NĐT thuộc các thành phần kinh tế huy động các nguồn lực tự có tham gia phát triển thị trường nhà ở công nhân bán hoặc cho thuê, theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Lựa chọn những mẫu thiết kế nhà ở công nhân thích hợp điều kiện xây dựng để khuyến cáo các nhà đầu tư đưa vào xây dựng nhà ở công nhân KCN.


Đặc biệt, Nhà nước cần có quy định DN có trách nhiệm bảo đảm điều kiện nhà ở cho công nhân làm việc tại nhà máy, xí nghiệp. DN có nghĩa vụ đầu tư kinh phí thực hiện các dự án xây dựng, cải tạo nhà ở công nhân, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phúc lợi công cộng phục vụ đời sống công nhân KCN theo quy hoạch, kế hoạch và mức vốn đóng góp do Nhà nước phân bổ. Khuyến khích các NĐT trong xã hội huy động các nguồn lực tham gia thực hiện các dự án phát triển nhà ở giá rẻ để bán hoặc cho công nhân thuê theo các hình thức: Đối với những NĐT lớn, có khả năng tham gia dự án phát triển nhà ở và để bán thì Nhà nước sẽ cho thuê đất thực hiện dự án kinh doanh. Giá cho thuê đất và thời hạn thuê đất do Nhà nước quy định. Nếu xây dựng nhà ở để cho thuê, Nhà nước sẽ có chính sách miễn, giảm tiền cho thuê đất theo chế độ ưu đãi do Nhà nước quy định.


Đối với những NĐT nhỏ lẻ, có quỹ đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của gia đình hoặc quỹ đất được mua, thuê lại của chủ sử dụng đất hợp pháp khác thì được quyền thực hiện các dự án phát triển nhà ở nhỏ, lẻ để bán hoặc cho thuê và sẽ được Nhà nước cho hưởng các chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế theo chế độ do Nhà nước quyết định.


TS TRẦN CÔNG THANH

Theo Lao Động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.