Chiều 30/5, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội (đoàn số 2) đã có buổi làm việc với Công ty CP TASCO - Chủ đầu tư Dự án Khu nhà ở sinh thái tại phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm.
Khó khăn chồng chất
Dự án Khu nhà ở sinh thái tại phường Xuân Phương có quy mô sử dụng đất 38,1ha. Dự án được thực hiện để hoàn vốn cho dự án xây dựng tuyến đường nối từ đường Lê Đức Thọ đến đường 70 theo hình thức BT. Từ năm 2009 - 2010, chủ đầu tư đã thực hiện công tác GPMB được 96% (26,6/38,1ha). Hiện vẫn còn 72 hộ thuộc khu tập thể Xí nghiệp lò gạch Xuân Phương chưa GPMB. Ông Vũ Quang Lâm - Tổng Giám đốc Công ty CP TASCO cho biết, mặc dù các hộ dân ở lâu năm, nhưng không có giấy tờ nhà đất, nên gặp rắc rối về pháp lý trong khâu đền bù. Thậm chí, có những nhà dân, một nửa đất thuộc dự án nhà ở, một nửa đất nằm trên đường 70 mở rộng, nên về thủ tục pháp lý rất khó thực hiện đền bù, GPMB.
Dự án Khu nhà ở sinh thái tại phường Xuân Phương vẫn chưa hoàn thành GPMB. Ảnh: Nguyên Hà |
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp đang gặp phải khi triển khai dự án là vướng quy hoạch. Năm 2010, do quy hoạch chung thay đổi, dự án nằm trong vành đai xanh, Thủ tướng Chính phủ có thông báo về việc xử lý các dự án nằm trong vành đai xanh sông Nhuệ khiến Công ty phải dừng triển khai dự án để đợi quy hoạch phân khu. Ngày 31/12/2010, TP Hà Nội đã chấp thuận chủ trương cho phép điều chỉnh quy hoạch dự án "Đơn vị ở 3" và "phần còn lại của đơn vị ở 2" của Khu đô thị mới Xuân Phương theo hướng công trình thấp tầng, giảm mật độ xây dựng. Ngày 25/3/2014, UBND TP đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 Khu nhà ở sinh thái Xuân Phương để phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
"Năm 2008, doanh nghiệp bỏ ra 600 tỷ đồng đầu tư vào dự án nhà ở, chưa kể lãi suất ngân hàng phải trả hàng năm, tính đến nay lên tới gần 1.000 tỷ đồng. Nhìn dự án "đắp chiếu" nhiều năm vì vướng quy hoạch, doanh nghiệp rất xót xa, trong khi thị trường bất động sản trầm lắng. Cũng có vài đoàn đến thanh, kiểm tra dự án nhưng kết luận xong lại để đấy. Hiện, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn - ông Lâm chia sẻ.
Phải “cứu” doanh nghiệp
Theo kế hoạch, tháng 12/2014, Công ty CP TASCO sẽ trình UBND TP chấp thuận đầu tư dự án, đồng thời khởi công xây dựng hạ tầng, nhà ở ngay trong tháng 12. Liên quan đến 72 hộ chưa thực hiện GPMB, đại diện Sở TN&MT Hà Nội đề nghị chủ đầu tư phải làm việc với quận Nam Từ Liêm để xác định nguồn gốc sử dụng đất, có cơ sở thực hiện công tác GPMB.Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt - Trưởng Đoàn giám sát đánh giá cao chủ đầu tư đã chủ động thực hiện dự án, nghiêm chỉnh chấp hành các chỉ đạo của cơ quan chức năng. "Đây là dự án đặc thù - dự án nhà ở nằm trong loại hình BT nên có những khó khăn riêng. Nằm trong các dự án rà soát phải dừng, doanh nghiệp phải bươn chải khó khăn nhưng vẫn nỗ lực hết mình, nghiêm túc chấp hành pháp luật".
Ủng hộ và chia sẻ với doanh nghiệp, Phó Chủ tịch HĐND TP đề nghị chủ đầu tư rà soát dự án, xây dựng kế hoạch, nắm rõ nội dung, trình tự phải thực hiện các bước tiếp theo. Đồng thời, đề nghị doanh nghiệp liên hệ với quận Nam Từ Liêm và Sở TN&MT để sớm thực hiện GPMB đối với 72 hộ còn lại.Trước những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải, Phó Chủ tịch HĐND TP đề nghị các sở, ban, ngành, các cơ quan chức năng phải làm rõ trình tự các thủ tục doanh nghiệp phải thực hiện; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để "cứu" doanh nghiệp. Đối với quận Nam Từ Liêm, có trách nhiệm cùng chủ đầu tư thực hiện công tác GPMB; Sở QH - KT phải làm nhanh tổng quy hoạch mặt bằng; Sở TN&MT rà soát việc giao đất cho chủ đầu tư; Sở Tài chính nghiên cứu đề xuất, xây dựng phương án xác định giá trị sử dụng đất. "Chúng ta phải "cứu" doanh nghiệp, phải coi những đồng tiền doanh nghiệp bỏ ra như tiền của chính bản thân mình…" - Phó Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh.
Sáng cùng ngày, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP đã có buổi làm việc với Tổng Công ty Viglacera về tình hình thực hiện Khu đô thị mới Đặng Xá. Vấn đề vướng mắc hiện nay tại khu đô thị là việc cung cấp nước sạch. Theo phương án thỏa thuận giữa Viglacera và Công ty Nước sạch số 2 là cấp theo đồng hồ tổng và giá tính theo giá kinh doanh. Mặc dù người dân đã vào ở rất đông nhưng việc cấp nước vẫn theo đồng hồ tổng mà chưa trực tiếp đến từng hộ dân. Hiện chủ đầu tư vẫn phải bù lỗ chênh lệch giá cho phần nước sạch người dân sử dụng. Tại buổi giám sát, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh đã chỉ đạo Sở Xây dựng phải sớm chỉ đạo Công ty Nước sạch số 2 giải quyết vấn đề này. (Minh Thu) |