Gói 30.000 tỉ đồng giải ngân quá chậm do quy định quá rối rắm, khắt khe - Ảnh: Đình Sơn
Quá khó vay
Tại TP.HCM, sau gần 1 năm triển khai Nghị quyết 02 về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường…, đến nay TP đã ký được 358 hợp đồng tín dụng (357 cá nhân và 1 doanh nghiệp), với tổng giá trị 738,63 tỉ đồng và đã giải ngân được 93,74 tỉ đồng cho 271 cá nhân.
Trên cả nước, các ngân hàng đã cam kết cho 1.256 khách hàng vay (trong đó có 1.246 khách hàng cá nhân và 10 doanh nghiệp), với tổng số tiền 1.562 tỉ đồng. Tuy nhiên đến nay mới giải ngân được gần 650 tỉ đồng, đạt gần 2% gói tín dụng.
Chủ đầu tư một dự án bất động sản ở Q.Bình Tân, TP.HCM có hơn 500 căn hộ, trong đó đa số là diện tích nhỏ từ 45 - 60 m2, giá bán khoảng 600 triệu đồng/căn, cho biết sản phẩm của mình thỏa điều kiện của gói tín dụng 30.000 tỉ đồng (căn hộ diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2). Tuy nhiên, đến nay dù bán được gần một nửa nhưng không có một khách hàng nào vay được tiền từ gói tín dụng trên.
Theo công ty này, nguyên nhân khách hàng vay không được do vướng nhiều thứ, khó khăn nhất là thu nhập. Theo quy định, khách hàng mua căn hộ thu nhập thấp muốn vay được thì thu nhập phải dưới 9 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, khi xét hồ sơ, ngân hàng lại không dám cho vay vì với khoản thu nhập này, sau khi trừ đi chi phí sinh hoạt, phần còn lại của khách hàng không đủ trả nợ gốc và lãi.
“Nghịch lý đang nằm ở chỗ gói tín dụng chỉ hỗ trợ cho người thu nhập thấp, nhưng khi xét hồ sơ ngân hàng lại không mặn mà với những trường hợp này vì không đảm bảo trả nợ. Khách hàng mua căn hộ muốn vay được, chủ đầu tư phải ký cam kết bảo lãnh cho khách hàng. Điều này thì nhiều chủ đầu tư không dám vì họ cũng sợ trách nhiệm”, vị đại diện công ty này cho hay.
Không chỉ người dân, mà ngay cả doanh nghiệp cũng rất khó tiếp cận gói tín dụng. Đến nay TP.HCM có 8 dự án được phép chuyển đổi từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội, nhưng mới có 1 dự án được giải ngân từ gói tín dụng 30.000 tỉ đồng.
Lãnh đạo một ngân hàng thừa nhận, việc giảm lãi suất gói 30.000 tỉ đồng từ 6%/năm xuống còn 5%/năm là một tin vui cho người mua nhà, doanh nghiệp và cả thị trường. Tuy nhiên điều cần hơn là tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục. Chẳng hạn việc xác nhận chưa có nhà ở từ phía chính quyền địa phương hiện cũng đang bị kẹt.
Ưu tiên cho những dự án dở dang
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Horea, kết quả giải ngân gói 30.000 tỉ đồng quá thấp và không đạt được như kỳ vọng. Ông Châu kiến nghị ưu tiên giải ngân cho người vay mua nhà. Những dự án nhà ở xã hội đang xây dựng dở dang cũng cần được ưu tiên để nhanh chóng cung ứng sản phẩm cho thị trường. “Như dự án dở dang của Công ty 584 ở đường Trịnh Đình Trọng (Q.Tân Phú) đã xây dựng được 85%, nếu bơm thêm một ít tiền thì 6 tháng sau sẽ có ngay sản phẩm phù hợp tung ra ngoài thị trường”, ông Châu dẫn chứng.
Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cũng nhận định cơ chế phối hợp giữa bộ ngành để ra một chính sách còn rườm rà. Khi chính sách ra rồi còn rất rối rắm, phức tạp, dẫn đến khó thực hiện. Gói 30.000 tỉ giải ngân chậm là do thủ tục đối với người mua nhà còn rối rắm. Các quy định hiện hành cũng khiến khó xác định đúng đối tượng cho vay.
Hơn 10.000 doanh nghiệp ngành xây dựng phá sản Hôm qua 6.1, Bộ Xây dựng cho biết năm 2013 có 10.077 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc giải thể trong tổng số gần 70.000 doanh nghiệp của ngành xây dựng. Tuy nhiên vẫn có thêm 10.635 doanh nghiệp được thành lập mới. Giá trị hàng tồn kho bất động sản tính đến giữa tháng 12.2013 còn 94.458 tỉ đồng, giảm 26,5% so với đầu năm, chủ yếu ở phân khúc căn hộ vừa và nhỏ, đặc biệt là những căn hộ diện tích dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 tại các đô thị lớn. Cụ thể, tồn kho đất nền: 10,800 triệu m2 tương đương 34.890 tỉ đồng; đất nền thương mại: 2,002 triệu m2 tương ứng 6.199 tỉ đồng... Hai địa phương có lượng tồn kho lớn nhất là Hà Nội (tồn kho 6.580 căn chung cư và thấp tầng tương đương 12.900 tỉ đồng) và TP.HCM (tồn kho 7.830 căn chung cư; 0,26 triệu m2 đất nền tương ứng 17.480 tỉ đồng). Lê Quân |