26/09/2011 6:10 AM
Quy hoạch chung phát triển đô thị TPHCM đến năm 2025 cho phép TP phát triển ra cả 4 hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc. Tuy nhiên, từ nhiều năm qua, trên thực tế sự phát triển ở các hướng có mức độ rất khác nhau. Sôi động nhất là hướng Nam và Đông Nam bao gồm các quận 7, 9, huyện Nhà Bè…, cho dù nơi đây cơ bản là vùng đất yếu và thấp nhất TP. Khá “âm thầm” là hướng Tây Bắc ra huyện Hóc Môn, Củ Chi… dù đất ở đây tương đối cao và tốt.

Vùng đất cao, địa chất tốt: Đã hấp dẫn hơn với nhà đầu tư

Hóc Môn sầm uất và thông thoáng hơn hẳn trước đây. Ảnh: Thanh Tâm


Tín hiệu phấn khởi


Lâu ngày không tới Hóc Môn, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự thay đổi của cả một khu vực rộng lớn nằm dọc đường song hành với đường Xuyên Á (còn gọi là quốc lộ 22). Đường được làm lại, rộng rãi và ngăn nắp, cây xanh trồng đều đặn, nhà cửa đa phần xây đúng lộ giới… thật khác xa với những ngổn ngang trước kia của Hóc Môn.


Tất nhiên, làm quy hoạch, xây đường, trồng cây… đa phần đều do bàn tay “Nhà nước” thực hiện. Thế nhưng, như ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho biết, sự tìm kiếm cơ hội đầu tư ở khu vực này của nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng là một động lực quan trọng tạo nên sự thay đổi ở Hóc Môn. Hiện nay, ngay gần cầu An Hạ, khu vực tiếp giáp giữa Hóc Môn và Củ Chi, Công ty cổ phần An Phú đang triển khai xây dựng một đô thị rộng khoảng 650ha. Đi sâu vào huyện Củ Chi, một tập đoàn của Malaysia đang xây dựng đô thị đại học rộng khoảng 900ha. Dự án đang trong quá trình giải phóng mặt bằng. Ngoài ra còn có khá nhiều dự án địa ốc đơn lẻ khác cũng đang được triển khai ở khu vực huyện Hóc Môn và Củ Chi.


Tại sao các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản lại bắt đầu chú ý hơn tới huyện Củ Chi và Hóc Môn? Ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, một trong những doanh nghiệp có khá nhiều dự án căn hộ ở khu vực Hóc Môn, cho biết, xây dựng nhà cửa ở đây tiết giảm đến khoảng 20%-30% chi phí so với các vùng đất yếu. Phần san lấp gần như không phải lo mua vật liệu từ nơi khác về làm vì đất đã cao sẵn. Thậm chí, khi phải đào đất để xây hầm, phần đất phát sinh còn có thể bán lấy tiền. Công tác xây dựng hạ tầng cũng tương tự. Đường cơ bản chỉ phải gia cố nhẹ, sau đó đổ đất, đá lên rồi lu lèn là ổn. Hơn nữa, giao thông từ nội thành ra cũng đã thuận tiện hơn. Ngoài đường Xuyên Á, còn có đường mới là đường song hành với đường Xuyên Á kết nối các quận Gò Vấp, Phú Nhuận… ra đây.


Hướng Nam vẫn là hướng đầu tư sôi động vì có sức hút của một đô thị Phú Mỹ Hưng hiện đại. Tuy nhiên, giá đất ở đây đang giảm rất mạnh. Có sự ảm đạm của thị trường bất động sản tác động đến tình trạng này song nền đất yếu của khu vực cũng đã bắt đầu làm nản lòng nhà đầu tư. Người viết bài có người bạn có một biệt thự nằm ngay trong đô thị Phú Mỹ Hưng. Lúc cao điểm, ngôi biệt thự ấy được kêu giá tới 17-18 tỷ đồng. Thế nhưng, vừa rồi, tìm kiếm mãi, người bạn mới bán được ngôi biệt thự với giá hơn 11 tỷ đồng. Còn nhớ, cách đây chưa lâu, ông Hoàng Minh Trí, Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, cho biết, ngôi biệt thự trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng của bạn ông liên tục bị lún. Phần nhà không ảnh hưởng nhiều nhưng phần sân lún nhanh đến mức “giựt” gãy cả đường ống cấp, thoát nước. Người đi sau nhìn người đi trước nên hướng Nam đang dần mất sức hấp dẫn đứng đầu so với các hướng phát triển đô thị khác của TP.


Sự chuyển động tích cực


Theo ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, đô thị Tây Bắc TP - đô thị lớn nhất mà TPHCM dự định xây dựng ở huyện Củ Chi đang trong quá trình làm quy hoạch chi tiết 1/2000. Bên cạnh các khu đô thị mới, TPHCM cũng đang tiến hành xây dựng 58 xã theo tiêu chí nông thôn mới cho huyện Củ Chi phù hợp yêu cầu của phát triển.
Đánh giá về tín hiệu mới này, tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, cho rằng, đây là sự chuyển động tích cực. Đa phần nền đất ở hướng Tây Bắc là nền đất cứng, do đó phát triển đô thị theo hướng này không những không lo lún sụt mà lâu dài còn giúp TP thích ứng rất tốt với biến đổi khí hậu. Hướng Tây Bắc là hướng có địa hình cao nhất TP nên gần như không phải lo bị ngập do nước biển dâng. Chưa hết, với giá thành xây dựng rẻ, không những doanh nghiệp mà TP cũng có cơ hội tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ trong phát triển đô thị. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh ngân sách TP khá eo hẹp. Hơn nữa, phát triển theo hướng Tây Bắc, TPHCM có cơ hội mở rộng hợp tác với Campuchia và Thái Lan. Không phải ngẫu nhiên mà có con đường mang tên Xuyên Á, kết nối TPHCM với tỉnh Tây Ninh và kéo dài đến thẳng biên giới Việt Nam - Campuchia.


Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, để sự chuyển biến tích cực này rõ nét hơn, tác động tốt đối với quá trình đô thị hóa TP, TP cần có những cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư cụ thể hơn. Ông Lê Hoàng Châu đề nghị, đẩy nhanh và ưu tiên đầu tư hệ thống metro cùng nhiều loại hình vận tải hành khách công cộng đến với vùng đất này. Và quan trọng hơn cả, TPHCM cần đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính trong thu hút đầu tư, có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đền bù giải phóng mặt bằng theo hướng đảm bảo quyền lợi người dân, Nhà nước và cả doanh nghiệp
Theo Nguyên Khôi (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.