Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, kế hoạch chỉnh trang đô thị hiện rất bài bản, và việc vừa làm xong lại đào bới lên là không thể chấp nhận được.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục. Ảnh: Trường Phong
Phát biểu trước hội nghị giao ban Thường trực Thành ủy Hà Nội với các quận, huyện, thị xã sáng 28/9, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, Sở sẽ đảm bảo cho thành phố sáng, xanh, sạch, đẹp.
“Hệ thống chiếu sáng, vệ sinh môi trường của thành phố cần được cải thiện hơn nữa. Từ nay cho đến quý IV/2016 sẽ làm xong công tác đấu thầu và các quận huyện sẽ triển khai đảm bảo cho quận huyện của mình sạch sẽ hơn. Cái này thành phố đã chỉ đạo rất sát sao”, ông Dục nói.
Theo ông Dục, về nội dung chăm sóc cây xanh, vườn hoa, chiếu sáng thì cần tập trung hơn nữa với tiêu chí phải sạch đẹp, hiệu quả và không tốn kém. “Đây là bài toán khó nhưng phải làm. Điều này, Chủ tịch UBND Thành phố đã chỉ đạo chặt chẽ”, ông Dục nói.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, hiện còn rất nhiều việc phải làm. “Cái gì trên mặt phố thì phải chỉnh trang hết. Song song với hạ ngầm các đường dây rác thải trên không thì giao cho các quận huyện làm đồng bộ chỉnh trang mặt phố, hè phố. Chúng tôi đã gửi kế hoạch chỉnh trang đô thị cho tất cả các quận, huyện, chứ xong công trình rồi chúng ta tiếp tục đào bới thì không thể chấp nhận được. Chỉnh trang đô thị có một kế hoạch rất bài bản”, ông Dục nói.
Trước đó, từ ngày 1/7, Hà Nội đã yêu cầu tạm dừng cắt tỉa, chăm sóc vườn hoa, thảm cỏ trên địa bàn thành phố để tính toán lại đơn giá, kinh phí sao cho tiết kiệm, hiệu quả nhất. Mới đây, trong cuộc làm việc với Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, sẽ nối lại việc chăm sóc, cắt tỉa vườn hoa, thảm cỏ ở Hà Nội.
“Chúng tôi chấn chỉnh, tính toán lại đơn giá, quyết định giảm mức chi từ 886 tỷ đồng năm trước, còn 178 tỷ cho năm 2016 này”, ông Chung nói.
Theo ông Chung, Hà Nội sẽ đổi mới mạnh mẽ cảnh quan đường phố bằng hệ thống cây xanh kết hợp vườn hoa, thảm thực vật. Hiện chính quyền đang mời các nhà khoa học nghiên cứu, thiết kế hệ thống cây xanh đường phố theo cấu trúc ba tầng: tầng trên là cây lâu năm, tầng giữa là hoa cây cảnh và dưới cùng là thảm cỏ, thực vật giữ ẩm. Trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả, việc trồng hoa, thảm cỏ, cắt tỉa chỉ áp dụng với những nơi cần thiết, trong trung tâm các đô thị, cụm dân cư, khu vực công sở...
Song song với việc này, Hà Nội cũng ra văn bản yêu cầu lát vỉa hè bằng vật liệu tự nhiên có tuổi thọ 50 - 70 năm trên 936 tuyến phố ở các 12 quận nội thành theo tuyến đường kiểu mẫu Lê Trọng Tấn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và người dân lo ngại, Hà Nội sẽ trở thành đại công trường, lặp lại điệp khúc lát xong rồi bóc, bóc xong lại lát, đào lên để ngầm hóa đường dây.
Một vài chuyên gia cũng cho rằng, việc lát đá tự nhiên sẽ tốn kém, gây lãng phí và không hiệu quả khi đá tự nhiên dễ mòn, vỡ, gây trơn trượt nguy hiểm cho người đi bộ.
Mới đây, UBND quận Hoàn Kiếm có văn bản gửi UBND thành phố đề xuất phương án lát gạch giả đá như tuyến đường Bà Triệu đã thực hiện trong thời gian vừa qua.
Trường Phong (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.