Mất cơ hội tiếp cận
Mặc dù hàng tháng phải chắt chiu dành dụm để trả ngân hàng gần 5 triệu đồng cả tiền lãi lẫn tiền gốc, nhưng đối với vợ chồng anh chị Hải, Mai - khu nhà TNT CT1 Ngô Thì Nhậm Hà Đông - vẫn là một điều may mắn. Bởi theo anh Hải, nếu không có khoản tiền hơn 200 triệu được vay từ ngân hàng HDBank vợ chồng anh không thể mua được căn hộ hơn 60m2 tại khu nhà này. Anh Hải cho biết: Căn hộ có giá trị 600 triệu đồng, vợ chồng dành dụm nhiều năm có hơn 200 triệu, vay anh em bạn bè được hơn 100 triệu đồng, còn lại được vay thương mại của ngân hàng HDBank trả chậm trong vòng 10 năm. Dù phải trả nợ nhưng với vợ chồng anh, có được căn nhà, mọi việc trở nên đơn giản…
Dự án CT1 Ngô Thì Nhậm là dự án nhà TNT đầu tiên của Hà Nội, hầu hết người mua được nhà tại thời điểm giữa năm 2010 đều tiếp cận được vốn vay thương mại của các ngân hàng do chính sách tín dụng chưa thắt chặt như hiện nay. Còn thời điểm này có thể nói các ngân hàng đã đóng chặt cửa đối với các hồ sơ mua nhà TNT, người dân đang mất đi cơ hội được tiếp cận quỹ nhà mà đáng ra được ưu đãi để mua nhà.
Dự án nhà TNT Kiến Hưng, Hà Đông theo kế hoạch sẽ bàn giao nhà cho người dân vào tháng 9, tháng 10 tới, theo tiến độ đến thời điểm này, người dân phải đóng 70% tiền nhà, khi nhận nhà mới phải đóng tiếp 30% còn lại. Khi mua nhà phải qua vòng loại hồ sơ, rồi bốc thăm quyền được mua với tỷ lệ 1 chọi 3, chọi 4, vậy mà nhiều người dân đóng được 50%, thậm chí 70% tiền nhà đành phải ngậm ngùi trả lại nhà do không thể lo đâu số tiền còn lại. Anh Hòa, Q.Hà Đông là một trong trên 30 trường hợp vừa phải trả lại nhà nuối tiếc: Cứ nghĩ là may mắn khi bốc thăm mua được căn hộ gần 70m2, tích cóp bao nhiêu năm, anh em hỗ trợ đã đóng được 50% tiền nhà, nếu cố vay mượn hết chỗ cũng chỉ đủ 70%, nhưng nhà thì sắp bàn giao không thể lo nốt được. Đã mang hồ sơ đi hết các ngân hàng để hỏi vay nhưng không đâu chấp nhận, họ đòi phải có thế chấp hoặc chứng minh thu nhập. Nếu đáp ứng được các điều kiện ấy thì chúng tôi đâu cần phải chờ mua nhà TNT.
Cô giáo Hà, Q.Đống Đa dù chưa phải trả lại nhà Kiến Hưng, nhưng tỏ ra lo lắng: Vợ chồng mình đã đóng được 70% tiền nhà, còn 30% sắp nhận nhà phải đóng nhưng vẫn chưa nhìn đâu ra. Nếu các ngân hàng cho thế chấp bằng chính cái nhà mình được mua thì tốt biết mấy, chắc chắn sẽ không phải tính nước trả lại nhà…
Cần nới rộng cho vay
Chia sẻ với người dân trong thời điểm khó khăn này, chủ đầu tư dự án là Cty CP VINACONEX Xuân Mai đã thực hiện gia hạn đóng tiền đợt 3 (dự án đã bước sang giai đoạn hoàn thiện để bàn giao nhà), tuy nhiên rất nhiều trường hợp mua nhà mặc dù đã quá thời hạn đóng tiền vẫn chưa đến đóng. Những người mua được nhà đang phải chạy đôn chạy đáo lo nốt khoản tiền đóng trước khi nhận nhà, trong đó nhiều người phải tính nước trả lại nhà nếu không vay được tiền.
Dự án nhà TNT Kiến Hưng là dự án nhà ở TNT thứ 4 Cty đã triển khai, sau các dự án tại Vĩnh Phúc, Xuân Mai và Ngô Thì Nhậm Hà Đông. Để triển khai các dự án chủ đầu tư phải đi vay vốn thương mại của các ngân hàng. Cho đến thời điểm này, VINACONEX Xuân Mai cũng như các chủ đầu tư dự án nhà TNT khác vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển theo quy định. Đại diện Cty VINACONEX Xuân Mai cho biết: Hồ sơ vay vốn của Ngân hàng phát triển có mục chủ đầu tư dự án phải thế chấp tài sản bảo đảm tiền vay bằng tài sản khác, hầu hết các chủ đầu tư sẽ khó đáp ứng điều kiện này bởi tài sản đã phải thế chấp để triển khai các dự án trước. Triển khai được dự án nhà TNT Kiến Hưng Cty đã vay vốn thương mại của ngân hàng VietinBank trên 300 tỷ đồng. Chính vì vậy nếu người dân chậm đến nhận nhà Cty sẽ phải chịu kéo dài khoản nợ…
Theo các chuyên gia kinh tế, cùng với thực hiện nghiêm chính sách tiền tệ để bảo đảm kiềm chế lạm phát nhưng hệ thống ngân hàng cần điều chỉnh linh hoạt tỷ trọng cho vay đối với từng khoản tín dụng BĐS, cũng như các dự án BĐS. Đặc biệt là tiếp tục thực hiện và đẩy mạnh chương trình nhà ở xã hội cho sinh viên, CNLĐ tại các KCN, người TNT để giải quyết khó khăn nhà ở cho người dân, cần nới rộng cho vay mua nhà chung cư bình dân và nhà xã hội cho dân nghèo đô thị.
Trong thời điểm thị trường nhà đất đóng băng như hiện nay, để hỗ trợ cho cầu nhà ở chính sách nhà ở cần có ưu đãi cụ thể cho người TNT dưới dạng tiếp cận các khoản vay dài hạn và chi phí hạ tầng thấp, phát triển các giải pháp ngân hàng như cho vay dài hạn, thị trường nợ thế chấp, các khoản vay tài chính vi mô cho các nhóm TNT, đặc biệt là việc áp dụng cơ chế đứng tên tài sản hợp lý với thủ tục đơn giản hóa giúp cho đăng ký thế chấp dễ dàng… Trên cơ sở đó người TNT mới có điều kiện tiếp cận với nhà ở.