15/02/2012 10:07 AM
Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng thì năm 2012 phải giải quyết được vấn đề vốn cho các doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) để tiếp tục thực hiện dự án, lấy lại lòng tin của người dân. Tuy nhiên, đây đang là bài toán khó khi ngân hàng sẽ kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực này.

Cánh cửa vốn từ ngân hàng vẫn khép

Dự án bị đình trệ, thậm chí “đắp chiếu” đang khiến cho thị trường BĐS bị mất đi niềm tin với người dân. Nguyên nhân cốt lõi chính từ việc thiếu vốn. Giải quyết bài toán vốn của các DN BĐS không phải là chuyện một sớm một chiều, đang khiến nhiều DN bế tắc, thậm chí có DN còn có thể phá sản.

Trước động thái tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực phi sản xuất và lĩnh vực không khuyến khích, trong đó, có đầu tư kinh doanh BĐS của Ngân hàng Nhà nước (NHNN); chủ yếu tập trung vào kiểm soát cho vay đầu tư BĐS để thị trường BĐS phục vụ nhu cầu thực chất của người dân dường như cánh cửa vốn từ ngân hàng vẫn sẽ chặt với các DN BĐS.

Vốn cho bất động sản: Con đường mờ mịt

Cánh cửa vốn từ ngân hàng tiếp tục khép chặt khiến nhiều DN BĐS càng khó khăn hơn trên con đường tìm vốn của mình.

Theo Phó thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến, mặt bằng giá BĐS hiện nay quá cao so với khả năng của số đông người dân và so với giá trị thực của BĐS do bị làm giá, mua đi bán lại quá nhiều trong giai đoạn trước. Do vậy, nếu tiếp thêm nguồn tài chính cho thị trường cần phải hết sức thận trọng. Bởi lẽ, nếu cho DN vay để hình thành BĐS, tăng cung trên thị trường thì làm tăng tình trạng mất cân đối đặc biệt là đối với các phân khúc nhà ở đang ở tình trạng thanh khoản kém. Nếu cho vay mua BĐS sẽ làm giá cả tăng lên, giá tăng lên khiến cho các đối tượng cần hỗ trợ nhà ở sẽ rất khó khăn, nhà nước sẽ tốn kém hơn khi hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng.

Năm nay, NHNN tiếp tục điều hành chính sách theo hướng đảm bảo các mục tiêu của Chính phủ và quốc hội đề ra trong đó kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức 15-17%. Trong khi vốn của các DN BĐS từ trước đến nay chủ yếu phụ thuộc vào ngân hàng thì mỗi khi xảy ra khủng hoảng, lạm phát, tín dụng bị thắt chặt chắc chắn BĐS sẽ bị ảnh hưởng. Vẫn biết đây giải quyết bài toán vốn là khó, thế nhưng không phải là không có cách.

DN BĐS tự xoay sở thế nào?


Chủ động trên con đường tìm vốn cho mình, vị lãnh đạo Xí nghiệp Xây dựng Tư nhân số 1 Lai Châu đã chia sẻ: quan điểm của ông vốn ngân hàng chỉ là giải pháp cuối cùng. 3 nguồn vốn chính mà Xí nghiệp này sử dụng đó là vốn tự có, vốn huy động từ người mua, nguồn vốn của các nhà cung cấp vật liệu xây dựng.

"Đã kinh doanh thì không ai nói là thừa vốn cả nhưng huy động vốn thì không phải nhất nhất là ngân hàng. Anh nào nhắm ngân hàng là anh chết vì đó là một chiếc cối ngốn tiền. Một số DN cần tiền là đi vay, dựa vào vốn ngân hàng, chi tiêu vô tư, thậm chí mua vật tư, thiết bị, thuê nhân công thường ký khống giá thành. Đó mới là khâu thất thoát, lãng phí lớn”, vị lãnh đạo này nói thẳng.

Bên cạnh đó, không chỉ tiết kiệm chi phí điều hành quản lý, mà tiết kiệm thời gian, sử dụng vật liệu, công nghệ xây dựng mới cũng là một trong những cách hữu hiệu chống lãng phí, nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm trong bối cảnh bão giá cũng là cách để tiết kiệm nguồn vốn của lãnh đạo Xí nghiệp này.

Còn theo ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Cty CP đầu tư BĐS Việt Nam (Vinaland) thì để có vốn thực hiện dự án, mỗi DN sẽ phải tự xoay xở theo cách riêng của mình, trong đó có thể sử dụng quỹ đất của mình sang nhượng cho đối tác khác.

Ông Hoàng cho rằng, đây là xu hướng đã xuất hiện lâu nay dưới hình thức các DN ký hợp tác đầu tư chiến lược, nhưng thực chất là bán lại một phần hoặc toàn bộ dự án cho đối tác khác. Theo dự đoán, xu hướng chuyển nhượng dự án sẽ tiếp tục diễn ra trong năm nay. Tuy nhiên, không phải dự án đang xây dở dang nào cũng có thể tìm được người mua trong tình hình hiện nay, ngoại trừ dự án chưa xây gì, đang còn là khu đất trống có thể liên doanh với các DN khác.

Một vài ý kiến khác lại cho rằng, người dân chính là nguồn vốn lớn có thể khai thác. Bởi, lấy được vốn trong dân chính là bán được sản phẩm BĐS, cũng chính là tăng tính thanh khoản cho thị trường. Bằng cách đây, lợi nhuận của các chủ đầu tư BĐS có thể giảm nhưng nếu làm được thì đây vẫn là cách mang lại thành công lớn.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, nguồn tiền trong dân còn rất lớn, thị trường chững do tâm lý nhiều hơn do thiếu vốn.

Mặt khác, việc các chủ đầu tư tạo ra các sản phẩm BĐS hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu của người dân chính là một cách tạo nguồn vốn hiệu quả, một giải pháp sáng giá trong bối cảnh hiện nay.

Theo Nguyễn Lê (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.