Quy định 7, “đẻ” thêm 3
Như VnMedia đã đưa tin, anh Nguyễn Hữu Mạnh, một người dân xã An Khánh, làm việc với bộ phận địa chính của xã được yêu cầu đóng góp “tự nguyện” 5 triệu đồng. Không đồng tình với yêu cầu bất hợp lý và thực tế tại nhiều huyện khác ở Hà Nội không có quy định này nên anh tới thẳng Bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ hành chính huyện Hoài Đức (thường gọi là Bộ phận 1 cửa) để nộp hồ sơ.
Các phòng ban chức năng của UBND huyện Hoài Đức như Phòng Tài nguyên và Môi trường, Bộ phận 1 cửa đang trực tiếp, gián tiếp gây khó khăn, thiệt hại cho người dân thông qua việc "đẻ" ra hàng loạt thủ tục, quy định trái với quy định công khai của UBND huyện.
Theo đúng quy định của UBND huyện Hoài Đức được niêm yết công khai tại Bộ phận 1 cửa, hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất của anh Mạnh chỉ bao gồm 07 loại giấy tờ, gồm đơn đăng ký biến động, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng chuyển nhượng, chứng minh thư và hộ khẩu của bên nhận chuyển nhượng, tờ khai nộp lệ phí trước bạ, tờ khai nộp thuế thu nhập cá nhân, giấy ủy quyền. Ngoài ra anh Mạnh còn nộp cả trích lục thửa đất trước và sau chuyển nhượng, có xác nhận, đóng dấu của đơn vị địa chính có thẩm quyền.
Tuy nhiên, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức) đã yêu cầu anh Mạnh bổ sung thêm 03 loại giấy tờ, gồm Biên bản bớt ngõ đi chung do xã xác nhận; đơn xin cấp giấy chứng nhận, trích lục có xã xác nhận; hộ khẩu, chứng minh thư của bên chuyển nhượng.
Thủ tục hành chính về chuyển nhượng đất chỉ quy định 07 loại giấy tờ
Điều đáng nói ở chỗ, đây là yêu cầu bắt buộc từ trước tới nay được áp dụng với tất cả các trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại huyện Hoài Đức nên người dân buộc phải tới UBND cấp xã để xin chữ ký của cán bộ địa chính, lãnh đạo UBND cấp xã và xin tới 03 dấu đỏ.
Nhưng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện vẫn yêu cầu người dân nộp thêm 03 loại giấy tờ không có trong quy định. Đây là quy định bất thành văn được Phòng Tài nguyên và Môi trường áp dụng với tất cả các hồ sơ từ trước tới nay.
Tuy nhiên, sự việc không chỉ dừng lại ở đó, theo tìm hiểu của phóng viên VnMedia, không chỉ có hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hàng loạt các hồ sơ liên quan đến đất đai khác như đính chính chi tiết trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp lại giấy chứng nhận bị thất lạc, …cũng đều được Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức yêu cầu phải có xác nhận của xã, dù quy định công khai không yêu cầu. Chính điều này đã tạo điều kiện cho UBND cấp xã đòi hỏi các khoản đóng góp phi lý hàng chục triệu đồng như VnMedia đã phản ánh, người dân bị thiệt hại nặng về chi phí tiền bạc, chi phí thời gian và áp lực tinh thần của một người đi “xin” ở cấp xã.
Ác mộng “1 tháng”
Việc qua được cửa xã đầy gian nan nhưng khi tới cấp huyện, người dân vẫn tiếp tục bị "hành". Đơn cử như ngoài việc “đẻ” ra hàng loạt các thủ tục không có trong quy định của UBND huyện Hoài Đức, làm tiền đề cho sự nhũng nhiễu và phát sinh tiêu cực, thì việc ấn định thời gian trả kết quả 1 tháng tại Bộ phận 1 cửa cũng khiến người dân khóc dở mếu dở.
Theo phản ánh của chị Minh Thủy (xã Kim Chung) đầu tháng 1/2013, chị nộp hồ sơ tại Bộ phận 1 cửa của UBND huyện Hoài Đức và nhận được giấy hẹn 1 tháng trả kết quả, dù theo quy định công khai của UBND huyện Hoài Đức ngay tại Bộ phận này, thời gian trả kết quả “không quá 15 ngày”. Đúng 1 tháng sau, chị được hướng dẫn nhận lại hồ sơ để đi nộp lệ phí trước bạ và khi hoàn thành việc nộp phí, quay trở lại nộp hồ sơ ở Bộ phận 1 cửa thì lại tiếp tục nhận được phiếu hẹn 1 tháng trả kết quả nhưng tới nay đã quá thời gian mà vẫn chưa có thông tin nào.
Người dân huyện Hoài Đức luôn chịu áp lực thời gian 1 tháng cho bất kỳ một sự điều chỉnh, thay đổi hồ sơ nào, nâng tổng thời gian hoàn thiện toàn bộ hồ sơ lên nhiều tháng, trong khi Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Hồ Trung Nghĩa thừa nhận theo quy định, tổng thời gian để hoàn thiện 1 hồ sơ chỉ là 28 ngày.
Trường hợp anh Nam ở xã Vân Canh (qua UBND xã) đã nộp đầy đủ hồ sơ cho cán bộ tên H. ở Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Hoài Đức từ tháng 2/2013 tới nay nhưng chưa được giải quyết và điệp khúc “10 ngày nữa” được vị cán bộ liên tục nhắc lại.
Trên thực tế con số 1 tháng không chỉ là ác mộng với chị Thủy, anh Nam mà còn đối với rất nhiều người dân huyện Hoài Đức, bởi thời gian này dài hơn quy định không quá 15 ngày của UBND huyện và đặc biệt, mỗi lần hẹn mới, Bộ phận 1 cửa lại hẹn 1 tháng, nâng tổng thời gian giải quyết một hồ sơ lên nhiều tháng. Cùng với đó, những lần hẹn cuối cùng để trả kết quả thường không đúng hẹn, buộc những người dân có nhu cầu giải quyết nhanh vụ việc phải tìm cách nhờ vả các mối quan hệ và mất thêm chi phí không chính thống không phải nhỏ…
Anh Đức, một người chuyên làm dịch vụ nhà đất ở huyện Hoài Đức cho biết, anh rất bức xúc về đòi hỏi những giấy tờ thủ tục vô lý của Bộ phận 1 cửa, của Phòng Tài nguyên và Môi trường. Mới đây, anh nộp hồ sơ chuyển nhượng cho 1 trường hợp ở Kim Chung thì cán bộ Bộ phận 1 cửa tên là Tuyết yêu cầu anh nộp tới 4 bộ hợp đồng chuyển nhượng (trong khi quy định là 2 bộ). Chỉ có trong tay 2 bộ dành cho cơ quan thuế và cơ quan địa chính, anh Đức đành chấp nhận thủ tục “làm nhanh” với chi phí hơn 10 triệu đồng. Cũng theo anh Đức, để “ra sổ” trong vòng 1 tháng, chi phí ngoài cho mỗi trường hợp chuyển nhượng đất có khi lên tới 25 triệu đồng.
“Khi cán bộ yêu cầu thì chúng tôi phải thực hiện, nếu không họ không nhận hồ sơ. Chúng tôi cảm thấy vô cùng vất vả, vừa chịu áp lực về tinh thần, vừa tốn kém cả thời gian và tiền bạc với các yêu cầu của cơ quan địa chính từ xã tới huyện” – anh Đức than thở.
-
Hà Nội: Dân bán đất, xã “đòi” hoa hồng 10 triệu
Cứ mỗi trường hợp làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại nhiều xã thuộc huyện Hoài Đức (Hà Nội), người dân lại bị ép nộp các khoản tiền trái quy định từ 5-10 triệu đồng.