Yêu cầu được biết thông tin quy hoạch đô thị là nhu cầu chính đáng của người dân, chủ đầu tư. Hình minh hoạ.
Đến
thư viện, ngoài việc tra cứu thông tin, người dân còn được tham quan
trực tiếp các dự án đã được quy hoạch, được triển lãm tại đây. Nếu trước
đây, nhiều chủ đầu tư phải đem quy hoạch dự án của mình ra nước ngoài
triển lãm, thì nay sẽ được triển lãm tại trong nước. Điều này sẽ giảm
bớt chi phí cho các chủ đầu tư, nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả cần truyền
thông.
Ông
Nguyễn Mai Toại, Mỹ Đình (Hà Nội) chia sẻ: “Việc công khai toàn bộ để
dân biết, đó là điều làm cho dân tin tưởng vào Nhà nước, tin tưởng vào
Đảng”.
Trước
đây, để có thông tin, người dân và nhiều chủ đầu tư phải mua thông tin.
Tuy nhiên với việc mua tin chui như vậy thì độ chính xác của thông tin
sẽ không cao. Hiện nay, với việc công khai minh bạch các dự án, đã tạo
cho người dân tiếp cận thông tin dễ dàng hơn. Tuy nhiên, để đọc đúng các
thông số trên bản vẽ là việc vô cùng khó khăn đối với người dân và các
chủ đầu tư.
Quy
hoạch đô thị là dành cho cả cộng đồng tham gia xây dựng, thế nhưng các
con số trên sa bàn, với người dân bình thường rất khó khăn để hiểu đúng ý
nghĩa của nó. Khi người dân chưa được trang bị trình độ để đọc và hiểu
đúng bản vẽ thì phần nào sẽ làm giảm đi hiệu quả của việc Chính phủ muốn
công khai thông tin quy hoạch đến toàn dân. Ông Ngô Trung Hải, Viện
trưởng Viện kiến trúc quy hoạch đô thị và nông thôn cũng thừa nhận việc
này.
“Đầu tiên là chúng tôi phải truyền tải thông tin 1 cách dễ hiểu nhất. Các bản vẽ cũng đã có chú thích. Đúng là đọc bản vẽ cũng phải có trình độ nhất định, chúng tôi sẽ cố gắng tìm hiểu thêm làm thế nào để người dân tự hiểu được”. Ông Ngô Trung Hải nói.
Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài việc cung cấp thông tin, thì Thư viện thông tin quy hoạch đô thị sẽ còn thêm nhiệm vụ nữa là nâng cao nhận thức cộng đồng về lĩnh vực quy hoạch đô thị. Muốn có thông tin chính xác phục vụ cho nhu cầu của cuộc sống, thì không còn cách nào khác là người dân phải tự trang bị kiến thức cho mình về lĩnh vực này bằng cách học hỏi.