Ngay sau khi UBND TPHCM quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư dự án Công viên phần mềm (CVPM) Thủ Thiêm (tổng mức đầu tư hơn 1,2 tỷ USD), đại diện chủ đầu tư đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp xem xét tính pháp lý của việc rút giấy phép.

Dự án “khủng”... trên giấy


Ngày 11-6-2008, UBND TPHCM cấp giấy chứng nhận đầu tư cho phép CTCP Viễn thông Sài Gòn (thuộc Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn) liên doanh với Công ty TA Asscociates International, Singapore (SaigonTel - thuộc Tập đoàn Teco - Đài Loan) thành lập Công ty TNHH TA Asscociates (TA Việt Nam) có vốn điều lệ 180 triệu USD (phía Việt Nam góp 20%, nước ngoài góp 80% vốn) để thực hiện dự án CVPM Thủ Thiêm tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.


Dự án có quy mô 15,9ha với mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng, cao ốc văn phòng thương mại cho thuê và nhà cho chuyên gia thuê; sản xuất, phát triển và gia công sản xuất phần mềm, thiết kế vi mạch và chip, đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực…, dự kiến đi vào hoạt động năm 2012.


Đây được xem là dự án phần mềm lớn nhất Đông Nam Á, có tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 1,2 tỷ USD, dự án thuê đất trong vòng 50 năm với giá thuê 1.100USD/m2 (tổng số tiền thuê đất hơn 85,2 triệu USD).


Nhà đầu tư và TPHCM đã thống nhất phương án chuyển tiền thuê đất như: 50% tiền thuê đất sẽ được thanh toán trong vòng 60 ngày sau khi nhà đầu tư được UBND TPHCM cấp giấy chứng nhận đầu tư; 50% tiền thuê đất còn lại được thanh toán trong vòng 30 ngày sau khi toàn bộ khu đất được giao cho nhà đầu tư; nhà đầu tư cam kết chịu phạt 0,05%/ngày tính trên số tiền thuê đất chậm nộp…


Vì sao dự án “tỷ đô” bị thu hồi?
Một góc bán đảo Thủ Thiêm. Ảnh: LÃ ANH

Sau khi UBND quận 2 hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, ngày 30-6-2008 Ban Quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm cùng các cơ quan chức năng bàn giao cọc mốc thực địa cho Công ty TA Việt Nam. Ngày 19-7-2008, chủ đầu tư đã rầm rộ tổ chức lễ động thổ, nhưng sau đó không tiến hành thực hiện dự án mà đưa ra một số kiến nghị với UBND TPHCM.


Theo đó, chủ đầu tư yêu cầu kéo giãn tiến độ thành nhiều giai đoạn, giai đoạn 1 thực hiện 25% dự án, chỉ đóng 25% tiền thuê đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 25% đất; điều chỉnh nâng tỷ lệ diện tích sàn xây dựng nhà ở từ 10% lên 25% và được bán rộng rãi chứ không phải cho chuyên gia thuê như cam kết ban đầu, hoặc giảm tiền thuê đất còn

850USD/m2; tăng thời gian thuê đất từ 50 năm lên 70 năm…


Để tháo gỡ vướng mắc và giải quyết các kiến nghị của TA Việt Nam, UBND TPHCM đã thành lập tổ công tác thực hiện dự án do Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư làm tổ trưởng. Nhưng suốt thời gian này TA Việt Nam lại viện lý do gặp khó khăn do khủng hoảng tài chính, tiếp tục đưa ra nhiều kiến nghị.


Để hỗ trợ nhà đầu tư, UBND TPHCM đã có công văn gửi Chủ tịch Tập đoàn Teco và Công ty TA Việt Nam, nêu rõ: “UBND TP có thể xem xét giải quyết nếu Công ty TA Việt Nam có kiến nghị xin thuê 100% diện tích đất, trả đợt đầu 60% tổng số tiền, 40% trả dần trong 3 năm và cam kết thực hiện nghiêm túc những điều kiện ràng buộc đối với dự án”.


Tuy nhiên, mọi việc sau đó đi vào bế tắc, Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã đề nghị TA Việt Nam họp bàn giải quyết vướng mắc nhưng không được phản hồi.


Nhùng nhằng mặc cả?


Sau khi dự án bị thu hồi, Tổng giám đốc SaigonTel Hoàng Sĩ Hóa đã gửi văn bản lên Bộ Tư pháp đề nghị xem xét tính pháp lý của quyết định rút giấy phép dự án, trong đó nêu vấn đề: "Việc Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm khăng khăng bắt doanh nghiệp nộp tiền phạt có đúng pháp luật? Và trong khi chủ đầu tư vẫn đang đề nghị miễn tiền phạt thì UBND TPHCM và Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm yêu cầu làm việc để bàn giá thuê mới có hợp pháp?".


Ông Hoàng Sĩ Hóa cho rằng từ lúc khởi công CVPM Thủ Thiêm đến lúc dự án bị thu hồi, SaigonTel không có lỗi và chịu nhiều tổn thất. Cụ thể, lúc đầu đối tác nước ngoài chưa muốn khởi công vì chưa được ký hợp đồng thuê đất, chưa được bàn giao đất, chưa có giấy phép xây dựng...


Tuy nhiên, vì Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm đề xuất cần làm lễ khởi công để quảng bá dự án nên SaigonTel đã ứng trước toàn bộ chi phí 2 tỷ đồng cho hoạt động này. Sau đó, từ năm 2009-2010, liên doanh xin miễn tiền phạt do chậm đóng tiền thuê đất vì khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng không được UBND TPHCM chấp thuận.


Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Lê Dũng, Phó Trưởng Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cho biết từ khi dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chủ đầu tư chưa giải ngân đồng nào, chưa thực hiện bất cứ công trình gì tại dự án, trong khi lại luôn kiến nghị thay đổi điều kiện đầu tư theo hướng có lợi cho mình. Tiền sử dụng đất của các dự án liền kề như dự án Đại Quang Minh TP thu 3.300USD/m2, trong khi đó TA Việt Nam được thuê với giá 1.100 USD/m2.


Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm không hề “ép” chủ đầu tư làm lễ khởi công, còn số tiền 2 tỷ đồng nói trên do chủ đầu tư tự nguyện đóng góp cho Quỹ Người nghèo quận 2 tại lễ động thổ. Về việc thẩm định năng lực chủ đầu tư, ông Dũng cho biết các sở, ngành TPHCM đã ra nước ngoài để tìm hiểu hoạt động kinh doanh của họ.

Theo Đỗ Trà Giang (SGĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.