Dự kiến giữa tháng Tư tới, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất (LS) 6%/năm sẽ được triển khai. Đây thực sự là thông tin tốt đối với thị trường. tuy nhiên, nhiều người có thu nhập ở mức trung bình trở xuống vẫn băn khoăn: liệu LS có được cố định cho toàn bộ khoản vay hay chỉ trong ba năm đầu?

Ảnh minh họa: VTC

Người thu nhập thấp khó với tới

Theo dự thảo cho vay mua nhà của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) theo Nghị quyết 02 của Chính phủ, Chính phủ sẽ dành gói tín dụng 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho vay mua nhà đối với những người thuộc đối tượng cán bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang... với mức LS 6%/năm. Thời hạn vay được quy định 10 năm đối với cá nhân và 5 năm với doanh nghiệp (DN). Mức LS này được giữ ổn định trong ba năm đầu (từ 15/4/2013 đến 15/4/2016) đối với người mua nhà lần đầu. Sau ba năm, NH sẽ công bố mức LS phù hợp. Như vậy, người mua nhà chỉ có thể chắc chắn trong ba năm đầu mức LS được ổn định ở mức 6%/năm, còn sau đó vẫn phải phập phồng chờ quyết định của NH! Đây chính là mối lo lớn nhất của người mua nhà, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. Từ năm thứ tư trở đi, liệu NH có giữ được mức này hay lại thả nổi theo thị trường như cách mà các NH thương mại vẫn áp dụng từ trước đến nay? Anh Phan Thạch, quê Quảng Ngãi băn khoăn: “Nếu không thống nhất mức LS cho toàn bộ khoản vay thì người mua nhà sẽ bị động. Thực tế, đã có thời điểm LS thả nổi lên tới 20%/năm. Đó là chưa kể việc để được xét duyệt, người mua nhà phải chi nhiều khoản phí không tên khác”.

Ngoài ra, một trở ngại khác đối với những người có thu nhập thấp là chứng minh khả năng trả nợ. Đối với những người làm công ăn lương, thu nhập thường xuyên chủ yếu là lương, trong khi khoản này thường là không đủ đáp ứng yêu cầu của NH. Theo anh Thạch, ngay khi biết thông tin về việc hỗ trợ LS cho công nhân viên vay tiền mua nhà, anh đã dò hỏi một vài NH để vay 500 triệu đồng, tuy nhiên với mức lương khoảng bảy triệu đồng mỗi tháng, anh không có khả năng trả nợ. Theo tính toán của NH, nếu anh Thạch vay 500 triệu đồng trong vòng 10 năm với LS 6%/năm, mỗi tháng anh phải trả cả gốc lẫn lãi tổng cộng hơn 6,5 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí sinh hoạt hàng tháng của một gia đình ba người, anh Thạch cho biết hai vợ chồng anh chỉ còn dư khoảng ba triệu đồng. “Đành phải tích góp tiếp để khi nào đủ tiền sẽ mua thôi”, anh Thạch than.

Đối tượng cần thì không được hỗ trợ?

Thực tế sẽ dễ thở hơn đối với những người có thu nhập thấp nếu dự thảo thông tư cho vay mua nhà của NHNN không loại đối tượng mua nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp ra khỏi danh sách vay. Theo dự thảo quy định, mục đích cho vay có hỗ trợ chỉ là để thuê, thuê mua nhà ở xã hội, hoặc mua nhà ở thương mại, không có nội dung người thu nhập thấp được vay để mua nhà ở xã hội. Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, quy định này là không hợp lý bởi thông tư cho phép hỗ trợ LS với nhà ở thương mại dưới 70m2 và giá không quá 15 triệu đồng/m2, thì cũng nên áp dụng với nhà ở xã hội. Với giá nhà khoảng một tỷ đồng, người mua nhà phải vay 50 - 70% thì khó có khả năng trả nợ. Tuy nhiên, nếu mua nhà xã hội, khả năng trả nợ của người thu nhập thấp sẽ cao hơn vì giá nhà xã hội thấp hơn nhà thương mại. Theo Luật Nhà ở và Nghị định 71 của Chính phủ, các loại hình nhà ở xã hội bao gồm cả nhà ở để thuê, thuê mua và nhà để bán. Như vậy, dự thảo của NHNN về cho vay có hỗ trợ LS đã bỏ sót đối tượng là người vay để mua nhà ở xã hội. Nếu những đối tượng mua nhà ở xã hội không được hỗ trợ LS, có nghĩa là chính những người cần hỗ trợ nhất lại bị bỏ rơi!?

Nhiều DN cũng đồng tình, việc NHNN cho vay cố định LS trong vòng ba năm là hợp lý, tuy nhiên cần phải quy định về tỷ lệ biến động LS sau ba năm để người mua nhà có thể hình dung được khả năng trả nợ của mình. Như vậy, những người thu nhập thấp mới yên tâm và chủ động hơn trong phương án trả nợ vay.

  • “Đừng bi kịch hóa thị trường bất động sản!”

    “Đừng bi kịch hóa thị trường bất động sản!”

    “Nợ xấu từ thị trường bất động sản không phải là xấu nhất so với một số ngành khác và không phải là nếu không được Nhà nước cứu thì doanh nghiệp bất động sản sẽ đồng loạt chết, kéo theo nền kinh tế lao đao! Đừng “bi kịch hóa” thị trường này!”, TS. Mai Xuân Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nêu quan điểm. <br/br>

  • Cơ hội cho căn hộ bình dân

    Cơ hội cho căn hộ bình dân

    Doanh nghiệp cần định hình lại các dòng sản phẩm hướng đến nhu cầu thật của người tiêu dùng và nhà đầu tư. <br/br>

Ca Hảo (Báo Phụ nữ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.