Một điểm mới quan trọng là việc Nhà nước sẽ chỉ thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội quy mô lớn, quan trọng của đất nước. Đối với các dự án sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thì hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng được chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất với nhà đầu tư để thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Trường hợp nhà đầu tư đã thỏa thuận được với từ 70 đến 80% số người sử dụng đất trong dự án mà số người sử dụng đất còn lại không đồng ý thì Nhà nước cần có cơ chế để xử lý.
Theo dự thảo báo cáo giải trình, việc thỏa thuận để chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất giữa hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất với nhà đầu tư chỉ thực hiện đối với những dự án không thuộc trường hợp Nhà nước trực tiếp thu hồi đất (thường là những dự án nhỏ, lẻ). Đây là thỏa thuận mang tính dân sự theo nguyên tắc bình đẳng trên cơ sở các quyền hợp pháp của người sử dụng đất, vì vậy không nên quy định cơ chế can thiệp bằng biện pháp hành chính của Nhà nước.
Một nội dung đáng lưu ý khác là khi Nhà nước thu hồi đất ở mà hộ gia đình, cá nhân không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không có nhu cầu bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở thì được bồi thường bằng tiền. Với trường hợp không đủ điều kiện được bồi thường về đất, nếu không có chỗ ở nào khác thì được Nhà nước bán, cho thuê nhà ở hoặc giao đất ở có thu tiền sử dụng đất.
Liên quan đến giá đất, một số quy định cũng đã được điều chỉnh. Theo đó, việc xác định giá đất phải theo mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá; theo thời hạn sử dụng đất; phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng hoặc thu nhập từ việc sử dụng đất hoặc giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với những nơi có đấu giá quyền sử dụng đất; cùng một thời điểm các thửa đất liền kề nhau có cùng mục đích sử dụng, khả năng sinh lợi, thu nhập từ việc sử dụng đất tương tự như nhau thì có mức giá như nhau.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần giữ lại quy định Chính phủ ban hành khung giá đất, vì đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, Nhà nước có quyền quyết định giá đất nên quy định Chính phủ ban hành khung giá đất là cần thiết.
Theo chương trình nghị sự của kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được thông qua.