Thời gian gần đây vấn đề sửa chữa và xây mới các chung cư cũ tại các đô thị vẫn là vấn đề nóng được nhiều người quan tâm. Tại Hà Nội vấn đề này một lần nữa được hâm nóng bởi Công văn số 10557/UBND-XD do Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi ký yêu cầu kiểm định chất lượng hiện trạng các chung cư cũ gửi UBND các quận: Thanh Xuân, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông.

Nhà B6 và A9 KTT Thanh Xuân Bắc, Q.Thanh Xuân đang xuống cấp nghiêm trọng.


Việc cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội hiện đang rơi vào thế khó càng thêm khó. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này có yếu tố rất lớn từ cơ chế chính sách, và diễn biến của tình hình thị trường BĐS hiện nay. Ngoài ra cũng có nguyên nhân từ ý thức của những "cư dân tập thể", nhiều người không chịu di dời chỉ vì những tham vọng về việc sở hữu riêng và coi căn nhà là tài sản “đời người”.


Theo các số liệu thống kê, chỉ riêng tại TP Hà Nội và TP.HCM đã có hơn 2.200 lô chung cư, tương đương với 6 triệu m2 sàn xây dựng dành cho khoảng 500 nghìn người sinh sống. Ngoài việc tận dụng một số công trình của chế độ cũ làm chung cư, các công trình chung cư được xây dựng trong giai đoạn này chủ yếu được lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước. Các công trình này có quy mô phổ biến từ 2 - 5 tầng (cá biệt có một số ít các công trình cao 6 tầng hoặc hơn). Hệ thống nền móng chủ yếu là dạng móng nông, phần thân là khung bê tông cốt thép, lắp ghép tấm lớn, tường gạch chịu lực với kết cấu sàn panel lắp ghép, mái ngói...


Qua các số liệu báo cáo, tại TP Hà Nội và TP.HCM có trên 90% lô chung cư được đánh giá hư hỏng, xuống cấp trong đó có gần 25% lô chung cư ở tình trạng hư hỏng, nguy hiểm. Sau nhiều lần hô hào, mời gọi các đơn vị tổ chức đứng ra xây dựng mới các chung cư theo nhiều hình thức, nhưng đến nay dự án này vẫn chưa thể coi là miếng bánh ngon với các nhà đầu tư. Cũng bởi lý do này, mới đây Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã ký Công văn số 10557/UBND-XD yêu cầu kiểm định chất lượng hiện trạng chung cư cũ gửi UBND các quận: Thanh Xuân, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông.


Công văn nhấn mạnh đến 10 công trình phải kiểm định trên địa bàn Q.Thanh Xuân gồm: Nhà F3 tập thể Cao su Sao Vàng, P.Thượng Đình; Nhà E3 tập thể cơ khí Hà Nội, P.Thượng Đình; Nhà B tập thể thuốc lá Thăng Long, P.Thượng Đình; Nhà G2 tập thể Bóng đèn phích nước Rạng Đông, P.Thanh Xuân Trung; Nhà G1 Cao su Sao Vàng - Dụng cụ cắt gọt, P.Thanh Xuân Trung; Nhà B4 tập thể Cơ khí Hà Nội, P.Thượng Đình; Nhà A4 tập thể Cơ khí Hà Nội, P.Thượng Đình; Nhà G1, Nhà G2 Trung cấp cảnh sát nhân dân, P.Thanh Xuân Bắc, Nhà 5 tầng tập thể Bóng đèn phích nước Rạng Đông, P.Thanh Xuân Trung.


Cũng về vấn đề này, ngày 20/10/2011 Bộ Xây dựng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực trạng các công trình chung cư cũ trên cả nước và đề xuất triển khai thực hiện Đề án “Tổng kiểm tra, khảo sát, đánh giá chất lượng các chung cư cũ trên cả nước và đề xuất giải pháp xử lý phục vụ chỉnh trang đô thị và cải thiện không gian sống cho người dân”. Trên cơ sở các ý kiến góp ý của Bộ KH&ĐT tại Công văn số 7799/BKHĐT-KCHTĐT ngày 11/11/2011, Bộ Tài chính tại Công văn số 15807/BTC-HCSN ngày 21/11/2011 phúc đáp Công văn số 7537/VPCP ngày 26/10/2011 của Văn phòng Chính phủ về đề án.


Trong quá trình xây dựng Nghị định, Bộ Xây dựng đã tham khảo các số liệu đánh giá thực trạng về chất lượng các chung cư cũ tại các địa phương trên cơ sở các nhận xét, đánh giá chất lượng hàng năm của từng địa phương. Tuy nhiên, hầu hết các số liệu đánh giá do địa phương thực hiện đều là định tính, căn cứ vào các biểu hiện bên ngoài của kết cấu (nứt, vỡ, nghiêng, lún, rỉ rêu mốc...) và công năng, điều kiện sử dụng của công trình. Các số liệu này chỉ phù hợp cho việc đánh giá tổng thể thực trạng về chất lượng các chung cư cũ trên cả nước làm cơ sở xây dựng Nghị định, không là căn cứ đánh giá chất lượng cho từng chung cư.


Khi được hỏi về việc đánh giá để sửa chữa các khu chung cư cũ hiện nay, bà Nguyễn Thị Lan, KTT Cơ khí Hà Nội nói: Khu nhà của chúng tôi đã xuống cấp rất nghiêm trọng, hầu hết người dân muốn xây dựng mới KTT, chứ nếu sửa chữa thì không biết đến bao giờ người dân mới được ở trong ngôi nhà mới. Và nỗi lo sập nhà vẫn rình rập toàn khu dân cư.


Ông Trần Công, nhà A9 KTT Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: Lắm hôm trời mưa to, nhiều nhà bị nước ngấm loang lổ cả bức tường, muốn lên đảo mái ngói cũng không dám. Lên đấy, chỉ cần động mạnh là cả mái nhà đổ sập, tháo được một mảng ngói thì cả mái nhà cũng tụt luôn, đành phải để vậy. Tôi nghĩ những khu nhà này chỉ còn cách phá hoàn toàn đi xây mới chứ chắp vá làm sao chịu được.


Theo lãnh đạo TP Hà Nội, đây là nhiệm vụ quan trọng cần sớm được triển khai, để trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch và phương án cải tạo sửa chữa các chung cư bị hư hỏng xuống cấp nhằm đảm bảo an toàn trong sử dụng công trình, UBND TP yêu cầu UBND các quận có tên chỉ đạo UBND phường trực thuộc, các tổ dân phố nơi có công trình phối hợp, tạo điều kiện để Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế xây dựng Hà Nội (đơn vị được Sở Xây dựng giao kiểm định) thực hiện nhiệm vụ được giao.


Vẫn chuyện chung cư cũ tại Hà Nội: Chưa xây được thì sửa!
Ông Nguyễn Kim Đức - Trưởng phòng Giám định 2, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - Bộ Xây dựng: Tôi nghĩ việc UBND TP Hà Nội ra công văn yêu cầu giám định các chung cư cũ làm tiền đề phục vụ công tác cải tạo, xây dựng mới các chung cư cũ của Hà Nội. Nhưng để triển khai cần sự đồng bộ của TP và sự thống nhất về cơ chế. Ngoài ra việc cải tạo chung cư còn kéo theo các vấn đề tái định cư, đất đai và kinh phí để tổ chức xây dựng. Theo tôi được biết thì Trung Quốc cũng là quốc gia đã từng tổ chức cải tạo nhiều chung cư cũ, nhưng lại dùng phương pháp tổ chức tái định cư tại chỗ. Phương pháp này rất tốn kém và không kêu gọi được nhà đầu tư, vậy chúng ta nên rút kinh nghiệm từ phương pháp này.

Hiện Bộ Xây dựng đang soạn thảo Nghị định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ theo quy hoạch và dự kiến ban hành trong quý I/2012. Trong đó có quy định về trình tự, thủ tục dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ; các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các dự án cải tạo, xây dựng lại; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại khu vực đô thị. Các quy định trong Dự thảo Nghị định nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai cải tạo, xây dựng chung cư cũ, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản, góp phần nâng cao điều kiện sống của nhân dân, khai thác, sử dụng đất đai có hiệu quả theo quy hoạch và kế hoạch phát triển đô thị do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.


Theo Thành Nam (Báo Xây Dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.