Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam.
Những loại BĐS nào sẽ được Nhà nước mua? Hôm qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, trả lời báo chí quanh vấn đề này.
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết: Hiện Ngân hàng Nhà
nước (NHNN) chưa đặt vấn đề chính thức với Bộ Xây dựng, nhưng chắc chắn
phía NHNN sẽ làm việc với Bộ Xây dựng để cho ra những tiêu chí cụ thể.
Chính sách mới được thông qua thì chậm nhất đến quý 3-2012 sẽ thực hiện.
Nhà giá rẻ mới mua
Những dự án như thế nào thì được Nhà nước xem xét mua lại, thưa ông?
Trong Đề án 254 đã nói rõ mua lại nhằm mục đích an sinh
xã hội và phục vụ cơ quan Nhà nước. Trước hết phục vụ cơ quan Nhà nước
thì chỉ bao gồm làm trụ sở và nhà ở công vụ. Thứ 2, an sinh xã hội là để
những người không có khả năng mua nhà thì thuê nhà, để phục vụ công tác
tái định cư khi giải phóng mặt bằng...
Ở đây phải xác định đối tượng cần giúp đỡ là đối tượng
nghèo nên Nhà nước không thể mua nhà đắt tiền, sang trọng, rộng rãi mà
chỉ mua nhà có giá trung bình trở xuống và nằm ở vị trí xa trung tâm.
Giá rơi vào tầm 15 - 17 triệu đồng/m2. Ở đây không phải mua để cứu doanh
nghiệp BĐS cụ thể nào. Trong điều kiện kinh tế bình thường, DN không
gặp khó khăn thì Nhà nước vẫn có thể mua, nhưng mua vào thời điểm này
thì có lợi vì giá rẻ. Giá đưa ra mang tính thỏa thuận, Nhà nước mua theo
nhu cầu, nếu DN không bán thì Nhà nước cũng không ép DN.
Vậy vai trò của Nhà nước trong việc đứng ra mua lại các dự án BĐS như thế nào?
Bản thân Nhà nước phải bỏ tiền ra từ nguồn này nguồn
kia để mua các dự án, tạo lập quỹ nhà ở. Mua các dự án thì chắc chắn
chất lượng sản phẩm tốt hơn là Nhà nước bỏ tiền ra làm. Thực tế, chúng
ta có nhiều bài học khi Nhà nước tự làm nhà tái định cư, chất lượng kém,
rất phản cảm. Và quan trọng là mua vào thời điểm nào. Nếu mua vào thời
điểm thị trường trầm lắng thì giá thấp, Nhà nước sẽ có lợi, vì kiểu gì
thì trung và dài hạn, BĐS chỉ có đi lên.
Nhà nước mua lại các dự án nhà ở, rồi cho người nghèo thuê thì vừa giải quyết được vấn đề nhà ở xã hội, vừa có nguồn thu. Tất nhiên bây giờ cho thuê phải theo cơ chế mới chứ không phân phối như ngày xưa, có hợp đồng thuê, và người thuê không ký với cơ quan quản lý nhà nước mà ký với DN. Nếu sau một khoảng thời gian độ 10 năm mà người thuê nhà có đủ tài chính thì Nhà nước bán lại. Vấn đề hiện nay là Nhà nước dự kiến sẽ bỏ ra bao nhiêu tiền mua, trên cơ sở đó Bộ Xây dựng mới thống kê những người có nhu cầu và những dự án nào có thể mua lại được.
Bản chất là giải cứu ngân hàng
Đây có thể coi là một hình thức giải cứu BĐS vào thời điểm này không, thưa ông?
Trong Đề án 254 đã nói rõ Chính phủ sẽ mua lại một số
công trình, BĐS đang là tài sản thế chấp ngân hàng sắp hoàn thành hoặc
đã hoàn thành nhưng chưa bán được, nhằm phục vụ mục đích an sinh xã hội
và hoạt động của các cơ quan nhà nước. Nếu Nhà nước mua thời điểm này,
bản chất có lợi cho ngân hàng, vì khi đó DN thu hồi được vốn, trả được
nợ và nợ xấu ngân hàng sẽ giảm đi. Đây chính là giải cứu ngân hàng chứ
không phải giải cứu BĐS.
Chỉ những dự án BĐS ở phân khúc trung bình, giá rẻ mới được Nhà nước mua lại.
Dư luận quy kết BĐS có tội nhưng ngược lại BĐS là nạn nhân của tổ chức tín dụng. Con số chính thức của Ngân hàng Nhà nước đưa ra là dư nợ tín dụng BĐS nói chung tính cả khu CN, đền bù giải phóng mặt bằng, nhà ở... trên 8% - không phải số lớn. Con số tuyệt đối 270 nghìn tỷ đồng nợ BĐS năm 2011, nay còn 203 nghìn tỷ đồng và con số nợ xấu BĐS tương ứng với con số trung bình các nền kinh tế khác. Hơn 90% dư nợ và nợ xấu kia nằm ở khối khác, không liên quan đến BĐS. Các ngành sản xuất khác như: công nghiệp, xi măng, sắt thép xuất khẩu... không trả nợ được chứ đâu riêng BĐS.
Chỉ một số ngân hàng nhỏ của các đại gia BĐS cho vay
nội bộ, kiểu “tay phải cho tay trái vay” không theo chuẩn, tỷ lệ dư nợ
BĐS của các ngân hàng này lên tới 30% chứ không phải 8%. Đây là cá biệt,
là lỗi của ngân hàng. Hiện tượng này chúng tôi đã báo động từ lâu. Rõ
ràng Nhà nước không quản lý tốt.
Cảm ơn ông.