Còn nhiều nơi có thể đặt ga tàu điện ngầm
Theo Thạc sĩ - Kiến trúc sư Nguyễn Tuấn Hải, giảng viên Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, người đã có nhiều năm nghiên cứu về khai thác không gian dịch vụ công cộng ngầm, trước kia không gian ngầm chỉ dành cho xây dựng hạ tầng kỹ thuật như điện, cấp, thoát nước, nhưng giờ thì chuyển sang giao thông, khai thác cho sinh hoạt của con người như văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, giải trí và nhất là dịch vụ và thương mại.
Không gian công cộng ngầm thường liên kết với giao thông ngầm, mặt đất và với các không gian công cộng khác, chúng giữ vai trò quan trọng trong phát triển đô thị một cách bền vững bởi ngoài việc tiết kiệm đất còn giúp cải thiện cấu trúc quy hoạch, kiến trúc tổng thể thành phố. Góp phần giảm tải cho vùng đô thị hiện có, bảo tồn hình thức không gian đô thị vốn có, khuyến khích và tăng sự hấp dẫn của giao thông bộ hành đô thị, giúp hình thành các khu phố đi bộ…
Thực tế hiện nay quỹ đất nội đô đã cạn kiệt trong khi hệ thống dịch vụ công cộng hiện có đã quá tải. Nhưng nhiều không gian dưới quảng trường, công viên có thể khai thác cho hoạt động công cộng mà không ảnh hưởng gì nhiều đến cảnh quan lịch sử chung lại chưa được khai thác.
Vì vậy theo ông Hải, việc định làm một ga tàu điện ngầm ở khu vực hồ Gươm là gợi ý tốt và cần thiết, vấn đề là xây dựng như thế nào cho phù hợp, có cần ga lớn không hay là chỉ ga xép thì nó sẽ không gây ảnh hưởng gì nhiều. Tuy nhiên, không nhất thiết là phải đặt ga tàu điện ngầm ở sát hồ Gươm mà có thể di chuyển sang một vài địa điểm khác gần đó như dưới quảng trường tượng đài Lý Thái Tổ, dưới Quảng trường Nhà hát Lớn, thậm chí bên dưới Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza.
…hoặc dưới quảng trường tượng đài Lý Thái Tổ. |
Cần xây dựng đồng bộ hệ thống dịch vụ công cộng ngầm
Theo KTS Nguyễn Tuấn Hải, để giải quyết được vấn đề giao thông và dịch vụ cho khu vực hồ Gươm và cả khu phố cổ thì cần phải xây dựng đồng bộ cả hệ thống dịch vụ công cộng như chợ dân sinh, phố buôn bán, thậm chí cả bảo tàng ở dưới không gian ngầm chứ không thể chỉ có duy nhất cái ga tàu điện ngầm. Bởi đặc điểm của khai thác không gian ngầm là khi đã làm rồi thì không làm lại được.
Nếu trên mặt đất làm một cái nhà có thể nâng tầng, thậm chí phá đi làm lại nhưng khai thác không gian ngầm phải có tầm nhìn rất xa, làm hết một lần vì không thể khai thác lại lần nữa, đã phá là nó ảnh hưởng tới toàn bộ. Do đó đã làm là làm một lần, làm từng điểm hoàn chỉnh, nếu không thì để sau này hãy làm.
Thực tế hiện nay thói quen di chuyển bằng xe máy dù quãng đường ngắn hay dài và kinh doanh trên vỉa hè của người dân đã gây nhiều hậu quả xấu cho đô thị. Vấn nạn này có thể giải quyết được bằng kết hợp tổ chức không gian ngầm gồm gara - đường đi bộ - dịch vụ. Người dân có thể gửi xe ở một chỗ, đi bộ đến các nơi một cách an toàn và việc mua sắm trên đường theo thói quen sẽ không bị ngắt quãng thì số người tham gia và cự ly sẽ tăng lên đáng kể, "nạn xe máy" sẽ giảm bớt.
Đưa ra quan điểm này, ông Hải cho rằng nếu xây dựng được đồng bộ một hệ thống như vậy thì không lo việc gây thêm áp lực cho khu vực hồ Gươm và khu vực phố cổ.
Thực tế hiện nay khu vực hồ Gươm và phố cổ luôn bị quá tải về quy mô dân số, giao thông và dịch vụ. Để bảo tồn khu phố cổ, thành phố Hà Nội ngoài việc tổ chức phố đi bộ còn có một chương trình di dân phố cổ ra bên ngoài để giảm áp lực dân số nhưng nhiều người không muốn đi dù phải sinh sống trong cảnh chật chội, bởi lẽ với nhiều người, một mét vuông vỉa hè phố cổ có thể là nơi mưu sinh nuôi sống cả gia đình.
Để giải quyết được vấn đề này, trả lại cho phố cổ một không gian phát triển du lịch thì cách tốt nhất là đưa tất cả các dịch vụ ấy xuống dưới ngầm.
Thay vì đặt ga C9 sát hồ Gươm, có ý kiến cho rằng có thể đặt ở dưới quảng trường nhà hát Lớn… |
Theo KTS Nguyễn Tuấn Hải, phát triển không gian công cộng ngầm sẽ không phải phá bất cứ công trình nào bên trên, cảnh quan giữ nguyên, nghĩa là cảnh quan của khu vực hồ Gươm và khu phố cổ vẫn được giữ nguyên. Làm ga xe điện và các công trình công cộng ngầm thì thay vì đi xe máy, ôtô vào phố cổ người ta đi xe điện ngầm vào rồi từ đó đi bộ vào phố cổ.
Khi đã tổ chức được một không gian dịch vụ công cộng ngầm thì ngoài ga tàu điện, còn có các cửa hàng dịch vụ ăn uống, chợ dân sinh, trung tâm thương mại được kiểm soát về giá cả, chất lượng; thậm chí có thể mở cả bảo tàng về phố cổ Hà Nội ngay bên dưới khu phố cổ mà ở đó tái hiện được không gian phổ cổ sẽ hấp dẫn khách du lịch rất nhiều bởi muốn tìm hiểu lịch sử của từng con phố thì xuống bảo tàng, sau đó lại có thể lên để đối chiếu lịch sử và hiện tại chứ hiện nay người nước ngoài đến khu phố cổ sẽ không thấy hấp dẫn khi không biết lịch sử của nó.
Khi tổ chức được không gian dịch vụ công cộng ngầm thì sẽ kích thích đi bộ. Nếu có không gian ngầm và kết nối được với nhiều trung tâm thương mại thì người ta có thể đi từ hồ Gươm ra chợ Đồng Xuân, vào các trung tâm thương mại… cái đó gọi là khai thác ngầm đa năng chứ không phải chỉ có mỗi cái đường đi không thì không ai đi.
Theo ông Hải, việc kết nối và đa năng hóa công trình ngầm một cách khéo léo sẽ mang lại nhiều lợi ích. Đưa dịch vụ xuống ngầm tuy làm tăng kinh phí đầu tư ban đầu nhưng dễ hoàn vốn nhờ triết lý kinh doanh "mang dịch vụ tiếp cận người dùng". Ban đầu Nhà nước sẽ phải đầu tư, nhưng lợi nhuận do lượng khách từ không gian dịch vụ công cộng ngầm thông qua công trình mang lại sẽ khiến chủ đầu tư các công trình thương mại mong muốn được đặt các lối lên xuống ngầm trong công trình của mình và khi đó họ sẽ phải bỏ tiền ra để đầu tư xây dựng công trình.
"Quan trọng nhất hiện nay là cùng với quy hoạch đồng bộ thì Nhà nước cần có chính sách phù hợp để thu hút các nhà đầu tư cùng tham gia vào khai thác không gian dịch vụ công cộng ngầm"