Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đến thăm khu nhà trọ của chị Nguyễn Thị Thuý (xóm An Bình, huyện Phổ Yên).
Qua lời ông Bộ trưởng nói chuyện thì xem ra Bộ Xây dựng đang muốn xoá đi khái niệm “nhà trọ” - mang hàm ý tạm bợ, không quy củ để chuyển sang khái niệm mới là “nhà ở xã hội” với chủ thể thực hiện chính là những cá nhân, hộ gia đình ở khắp cả nước này.
Và cảnh báo của ông Dũng đối với doanh nghiệp xây dựng không phải là “nói cho vui” khi Bộ này đang xây dựng nhiều quy định hỗ trợ cá nhân, hộ gia đình tham gia phát triển nhà ở xã hội trong dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi).
Theo ông Trịnh Đình Dũng, với số lượng lớn công nhân và học sinh, sinh viên như hiện nay và sẽ còn tăng hơn nữa thì việc phát triển nhà ở xã hội phục vụ các đối tượng này không chỉ là công việc của các nhà đầu tư, doanh nghiệp xây dựng mà còn là của cả người dân.
Theo Bộ Xây dựng, hiện cả nước có trên 2,2 triệu công nhân làm việc trực tiếp trong các khu công nghiệp và tới năm 2020 thì con số này sẽ tăng lên 7,2 triệu người. Trong số này, có 4,2 triệu người có nhu cầu nhà ở, tương đương với 33,6 triệu m2 nhà ở. Đó còn chưa nói tới một số lượng lớn sinh viên đang theo học xa nhà ở các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Đến nay, trên cả nước đã có 64 dự án nhà ở xã hội cho công nhân hoàn thành việc xây dựng với quy mô xây dựng khoảng 20.277 căn hộ; đang tiếp tục triển khai 59 dự án nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp với quy mô xây dựng khoảng 66.753 căn hộ. Tuy nhiên, con số này chưa “thấm” vào đâu với số lượng công nhân của cả nước. Còn về điều kiện sống, khoảng 80% tổng số công nhân hiện nay đang phải ở trọ trong điều kiện không được đảm bảo.
“Doanh nghiệp không thể làm nổi đủ nhà ở cho công nhân, học sinh mà phải có sự tham gia của cả cá nhân, hộ gia đình vào công việc này”, ông Dũng nói và cam kết Nhà nước có chính sách hỗ trợ các hộ gia đình thực hiện công việc này.
Trong buổi trao đổi với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên hôm ấy, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng “bật mí” sáng kiến này của mình khi ông tham dự khởi công khu nhà ở xã hội Đặng Xá (Hà Nội). “Trong lúc phát biểu khởi công, một suy nghĩ loé lên trong đầu tôi rằng, cần phải huy động cả người dân tham gia vào làm nhà ở xã hội và từ đó chúng tôi đã theo đuổi ý tưởng này để hiện thực hoá nó”, ông Dũng bày tỏ.
Một cuộc khảo sát trước đó tại khu vực xung quanh khu công nghiệp Yên Bình (tỉnh Thái Nguyên) về “chủ đề” này càng khẳng định thêm quyết tâm của ông Dũng.
Tại khu nhà trọ của chị Nguyễn Thị Thuý (xóm An Bình, huyện Phổ Yên), Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng bất ngờ với quy mô và chất lượng xây dựng của gia chủ. 42 phòng trọ khép kín, mỗi phòng trọ rộng 15 mét vuông vừa đủ cho 3 công nhân sinh sống là một nỗ lực của gia đình chị Thuý và cũng là nhu cầu của rất nhiều công nhân làm việc trong nhà máy Samsung Thái Nguyên.
Chu Thị Loan (22 tuổi, quê ở Tuyên Quang) là một công nhân trong nhà máy này chia sẻ với ông Trịnh Đình Dũng rằng cô và 2 người bạn là những người may mắn khi sớm thuê được căn phòng trọ này. “Mỗi người 350 nghìn đồng/tháng tiền thuê nhà, thêm thắt tiền điện nước, sinh hoạt… thì cũng để ra được vài triệu gửi về quê cũng tốt rồi”, Loan nói.
Mặc dù vui khi thấy hộ gia đình như chị Thuý mạnh dạn đầu tư khu nhà ở khang trang cho công nhân nhưng ông Dũng vẫn thấy tiếc khi chị Thuý không biết mà vay vốn ưu đãi từ Nhà nước để đầu tư, giảm gánh nặng lãi của gia chủ mà cũng là giảm thêm chi phí cho người thuê nhà.
Nhân tiện đó, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng tranh thủ “truyền thông” chính sách với chị Thuý: Nhà nước đang có chương trình cho vay lãi suất thấp, thời hạn dài cho những hộ gia đình như chị Thuý để xây dựng, nâng cấp nhà ở xã hội, nhà cho công nhân, học sinh thuê. Không chỉ làm “phòng trọ”, mà người dân cần phát triển cả “căn hộ” để cho thuê, thậm chí bán cho công nhân và gia đình của họ khi có nhu cầu…
Trước băn khoăn của một số cán bộ địa phương về quy hoạch kiến trúc đối với những khu dân cư này, ông Dũng đề xuất rằng chính quyền sẽ hỗ trợ miễn phí cho người dân làm thiết kế kiến trúc để tránh tình trạng “lộn xộn, mỗi nơi một kiểu”.
Cũng ngay tại khu công nghiệp Yên Bình, nơi mà chỉ cuối sang năm, số lượng công nhân tới làm việc tại nhà máy Samsung Thái Nguyên (tăng hơn gấp đối hiện nay để đạt 58.000 lao động) sẽ vượt quá khả năng đáp ứng nhà ở của doanh nghiệp và các hộ gia đình ở các huyện xung quanh, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Xây dựng và tỉnh Thái Nguyên cùng phối hợp xây dựng một khu công nghiệp-đô thị kiểu mẫu ở đây với sự tham gia của cả doanh nghiệp, các hộ gia đình.
Ông Trịnh Đình Dũng cho biết để xây dựng một khu công nghiệp sẽ phải lấy đi đất nông nghiệp của nông dân nhưng phải tính toán để cả hai bên đều có lợi và người nông dân vẫn sống ổn trên mảnh đất của mình. “Liên minh công-nông phải là nông dân nuôi công nhân, công nhân nuôi nông dân”, ông Dũng tâm đắc khi nhắc lại lời trò chuyện của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười với ông từ hơn 10 năm trước mà ông đã thực hiện khi còn là lãnh đạo địa phương và tiếp tục bây giờ khi trên cương vị Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Điều 10, Luật Xây dựng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua vào tháng 4/2014 quy định Nhà nước “tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân xây dựng nhà ở xã hội” và tới Kỳ họp thứ 8 này, dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) đã phát triển nội dung trên cụ thể hơn. Theo đó, Điều 53 dự thảo Luật quy định: “Hộ gia đình, cá nhân bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên diện tích đất ở hợp pháp của mình để cho thuê, cho thuê mua, để bán nhưng có sự ưu đãi của Nhà nước…”. Đáp ứng yêu cầu trên, cá nhân, hộ gia đình sẽ được hưởng các ưu đãi như: Miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; miễn, giảm thuế VAT, thuế thu nhập. Nếu làm nhà cho thuê thì được giảm thuế VAT, thuế thu nhập nhiều hơn so với trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mua hoặc để bán. Cũng theo dự thảo Luật, cá nhân, hộ gia đình còn được vay vốn ưu đãi từ Quỹ phát triển nhà ở xã hội, tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam; trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được vay vốn với lãi suất thấp hơn và thời gian vay dài hơn so với trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mua hoặc để bán... |