Một khu phố cổ đặc trưng của Hội An. Ảnh: KINH LUÂN.
Kinh tế
không phải là yếu tố quan trọng nhất trong vấn đề bản sắc đô thị nhưng
nhiều nhà đầu tư tại Việt Nam quan tâm nhiều hơn đến vị trí và diện tích
mét vuông cao nhất có thể xây dựng, và sẵn sàng đập bỏ không thương
tiếc các công trình có giá trị để xây cao ốc, nhằm phục vụ mục đích lợi
ích ngắn hạn.
Các nhà quản lý thì thường có xu hướng thỏa hiệp,
vì tưởng rằng nếu không chiều theo, thì các nhà đầu tư sẽ bỏ đi chỗ
khác. Tại các hội thảo và hội nghị, trong khi các nhà chuyên môn và trí
thức bàn cãi rất sôi nổi với nhau, thì hiếm khi có các nhà lãnh đạo
trong giới đầu tư và quản lý tới nghe. Và như thế, công trình di sản văn
hóa lịch sử cứ dần dần biến mất và bị thay thế bởi những công trình
được xây dựng vì lợi nhuận nhưng không có bản sắc.
Tư duy nhiều mét vuông và tư duy giá trị sống
Lợi ích địa ốc cao nhất không phải lúc nào cũng chỉ đạt được nhờ vào
tư duy mét vuông (thiên về số lượng mét vuông) như người ta thường lầm
tưởng, mà còn có thể nhờ vào tư duy giá trị sống (thiên về “chất lượng”
mét vuông).
Với tư duy mét vuông, nhà đầu tư thường hy sinh bớt các chỉ tiêu về
chất lượng sống, như thu hẹp diện tích cây xanh, xây dựng quá dày đặc
làm giảm sự riêng tư vì căn hộ thường bị các căn hộ khác nhìn thẳng vào
và giảm sự yên tĩnh do tác nhân ồn và sự chung đụng với các hộ lân cận
gia tăng. Người ta thường không thấy rằng công trình thấp tầng và mật độ
xây dựng thấp mới là cao cấp nhất, chứ không phải công trình cao tầng.
Thật vậy, một công trình cổ 2-3 tầng có thể có giá trị địa ốc tương
đương với một công trình mười tầng (mà người ta sẽ đập công trình cổ để
xây dựng mới). Hơn nữa, nếu khéo tận dụng lợi thế cao cấp của nó với
chức năng và chiến lược phù hợp thì thu nhập từ các công trình cổ 2-3
tầng không hề kém công trình cao ốc hàng chục tầng mà người ta dự định
sẽ xây mới thay vào đó.
Bảo vệ cảnh quan thiên nhiên Bản sắc đô thị không phải luôn luôn được tạo ra bởi những công trình,
mà có khi chỉ cần bảo vệ cảnh quan thiên nhiên tốt thì bản sắc của nó
đã được giữ gìn không nhỏ. Hãy thử hình dung một thành phố Đà Lạt không còn sương mù và không
khí mát mẻ, một Nha Trang không còn gió biển trong lành và bãi biển
sạch, một Huế không còn nhiều cây xanh và không còn tạo được cảm giác
khác biệt khi đứng trong khu vực di tích vì xung quanh nó đã bị đan xen
bởi các công trình mới thiếu bản sắc hoặc không phù hợp… Lúc đó các thành phố này không những mất đi bản sắc vốn có, mà còn chết dần đi vì mất đi sự thu hút với khách du lịch - nguồn thu nhập quan trọng của các thành phố này hiện nay. |
Đây là một kinh nghiệm thực tế khi chúng tôi tư vấn cho nhà cầm quyền Thượng Hải cải tạo khu vực Xintiandi, trong đó khu vực nhà cổ có giá trị được đề xuất giữ lại thay vì san phẳng toàn bộ để xây cao ốc và trở thành một trong những nơi hấp dẫn nhất và đem lại thu nhập cao nhất Thượng Hải.
Việc đầu tư cải tạo, bảo tồn khu vực nhà cổ theo tiêu
chuẩn cao cấp phục vụ cho du lịch và cho cộng đồng (là khu vui chơi giải
trí và du lịch văn hóa) đã đem lại lợi ích lớn lao hơn nhiều cho doanh
nghiệp (kinh doanh phục vụ du lịch), cho thành phố (thu nhập cao từ thuế
doanh nghiệp dịch vụ thương mại), cho quy hoạch chung (tạo được sự cân
bằng giữa không gian ở và làm việc nén cao tầng và không gian thư giãn
xanh và thấp tầng).
Khu trung tâm lịch sử
Khi các thành phố lớn trên thế giới trải qua một giai đoạn bùng nổ
phát triển trung tâm đô thị, thì hầu hết các đô thị thường chọn giải
pháp khoanh vùng một hay nhiều khu vực trung tâm lịch sử để bảo tồn nâng
cấp và bảo vệ di sản trước áp lực của làn sóng nhà cao tầng. Khi áp lực
này quá lớn, người ta thường tạo nên một khu trung tâm cao tầng mới cho
thành phố.
Đất nước ta có lịch sử phát triển 4.000 năm và có không ít đô thị có
giá trị lịch sử hàng ngàn năm (Hà Nội 1.000 năm) hoặc hàng trăm năm
(TPHCM trên 300 năm, Đà Lạt trên 100 năm…). Việc các nhà quản lý cho tới
nay vẫn chưa khoanh vùng được ranh giới cụ thể khu trung tâm lịch sử
của các đô thị này là điều khó hiểu, và rất đáng tiếc.
Việc khoanh vùng khu trung tâm lịch sử không chỉ dừng ở mức độ bảo
tồn, mà cần được nâng cấp thành khu vực văn hóa, lịch sử, giao lưu quốc
tế, sinh hoạt cộng đồng, và đồng thời là không gian xanh cho khu cao
tầng khác của trung tâm thành phố. Các tuyến đường đi bộ di sản trong
khu vực cũng sẽ trở thành các tuyến dịch vụ du lịch thương mại, thu hút
khách du lịch và người sử dụng.
Khi làm được như vậy, khu trung
tâm lịch sử không những phục vụ cho nhu cầu tinh thần, mà còn đem lại
lợi ích vật chất rất lớn cho doanh nghiệp trong khu vực cũng như cho
ngân sách thành phố. Ngoài dự án Xintiandi nói trên, chúng ta có thể
tham khảo kinh nghiệm của các trung tâm lịch sử tại Paris, San
Francisco, Boston, Toronto và Seattle.
Các khu văn hóa giao lưu cộng đồng
Trong quá trình hội nhập quốc tế, các khu vực giao lưu quốc tế đang
dần hình thành, làm cho cuộc sống đô thị trở nên phong phú hơn.
Tại TPHCM ngày nay, người ta có thể nhận biết các khu phố Nhật ở đường Lê Thánh Tôn và Thái Văn Lung; khu phố Hàn gần sân bay Tân Sơn Nhất, Phú Mỹ Hưng và chợ Ông Tạ; khu phố Tây tại đường Phạm Ngũ Lão; và khu Chợ Lớn đang dần phát triển trở lại…
Nếu được quan tâm hỗ trợ về mặt kinh tế - xã hội cũng như được hướng
dẫn về quy hoạch, kiến trúc và quản lý phù hợp, các khu giao lưu quốc tế
này có thể trở thành những khu vực năng động, giàu bản sắc, là nơi trao
đổi kinh nghiệm giao tiếp quốc tế cho giới trẻ và là khu giao dịch văn
hóa - thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam với các nước trong thời
kỳ toàn cầu hóa hiện nay.
Tại khu vực 36 phố phường của Hà Nội, ngoài việc bảo tồn những công trình đặc trưng - có hướng dẫn việc bảo tồn và phát triển mới sao cho phù hợp - chúng ta cần quan tâm phát triển sinh hoạt cộng đồng làng nghề cũ trong các khu phố, đồng thời tạo điều kiện phát triển các ngõ phố làng nghề thủ công mỹ nghệ mới.
Việc phát huy các ngành nghề thủ
công mỹ nghệ trong thời đại công nghiệp hóa và toàn cầu hóa vẫn có ý
nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao bản sắc đô thị và tạo sức thu
hút lớn cho phát triển du lịch. Khu phố cổ Montréal nổi tiếng thế giới
là một điển cứu rất quan trọng cần tham khảo khi nghiên cứu quy hoạch
cho khu vực 36 phố phường.
Xây dựng và bảo tồn bản sắc đô thị từ những điều bình thường Thông thường khi nói đến bản sắc đô thị, người ta hay nói đến những điều lớn lao. Tuy nhiên, nếu có dịp đi nhiều nơi trên thế giới mới thấy có những điều rất bình thường với chúng ta, lại là những yếu tố quan trọng trong việc xây dựng và gìn giữ bản sắc như: các quán cà phê theo phong cách đa dạng đặc trưng của Việt Nam, các công trình chợ quan trọng và có lịch sử lâu năm, các không gian xanh nơi người dân tập thể dục mỗi sáng và là nơi trẻ con chơi đùa cùng gia đình. Bản sắc không chỉ là những giá trị vật thể, mà trọng tâm của nó phải bao gồm con người, nếp nghĩ, nếp sống, và sinh hoạt của họ. Việc xóa bỏ những nơi chốn như café Brodard hoặc quán kem Givral (TPHCM) có thể được lý giải là nhằm phù hợp với tương lai phát triển. Nhưng thật ra, luôn luôn có những cách ứng xử phù hợp hơn với truyền thống nhớ đến tiền nhân và kính trọng lịch sử của người Việt Nam, giúp cho nhà đầu tư dành được sự thiện cảm và sự ủng hộ của người dân hơn. Ví dụ như trong
công trình mới người ta có thể dành ra không gian cho một quán Givral
mới, nhưng lại có phục vụ những thức ăn uống nổi tiếng lâu đời, và trang
trí nó bằng các mẫu vật thu thập được khi tháo dỡ công trình cũ và các
hình ảnh xưa của Givral. Điều đó sẽ tạo nên cảm xúc đặc biệt cho khách
thăm và đồng thời cũng giúp cho việc thu hút khách du lịch. |