Phiên đầu tiên điều chỉnh thời gian giao dịch (13/9), thị trường chứng khoán tiếp tục đà giảm điểm từ cuối tuần trước. Đồng thời, khối lượng giao dịch cũng giảm xuống mặc dù thời gian khớp lệnh liên tục được kéo dài thêm 30 phút. Điều này phản ánh sự thận trọng và tâm lý chờ đợi của giới đầu tư về quyết định chính thức của Ngân hàng Nhà nước với Thông tư 13.

Phiên giao dịch 13/9 phản ánh sự thận trọng và tâm lý chờ đợi của giới đầu tư về quyết định chính thức của NHNN với Thông tư 13

Theo thông tin từ Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, hiện nay có khoảng khoảng 50% ngân hàng thương mại trong hệ thống đã tương đối sẵn sàng với quy chuẩn an toàn mới, chỉ khoảng 5 – 7 tổ chức tín dụng có thể gặp khó khăn trong thực hiện thông tư 13, các đơn vị còn lại rơi vào trường hợp: có thể triển khai, song cần được tạo điều kiện, hỗ trợ.

Như vậy, khả năng Thông tư 13 sẽ khó có thể thùi thời hạn triển khai, không hạ chuẩn an toàn, như một số kiến nghị trước đó. Một lý do quan trọng có thể khiến NHNN thực hiện Thông tư 13 là Ủy ban Basel vừa dự thảo Basel III với quy định hệ số an toàn vốn sẽ phải nâng từ 8% hiện nay lên 16%. Do đó, mức 9% của Việt Nam sẽ trở nên rất thấp so với chuẩn quốc tế mới này.

Mặc dù vậy, có nhiều ý kiến cho rằng nên xem xét lại quy định không tính tiền gửi không kỳ hạn vào cơ cấu vốn huy động, bởi nó sẽ khiến dòng vốn đổ vào nền kinh tế càng co lại. Đồng thời cũng phải xét đến từng đối tượng cụ thể, nếu NHNN ép bằng được, cả về thời gian, liều lượng như quy định trong thông tư 13, sẽ dễ dẫn tới tình trạng: một số ngân hàng hoặc không thực hiện nổi; hoặc vi phạm hợp đồng cho vay với khách hàng, hoặc báo cáo không trung thực.

Những quan ngại trên đã được phản ánh vào thị trường chứng khoán trong các phiên gần đây. Sự giảm điểm này được cho là không quá bất ngờ sau chuỗi tăng điểm khá mạnh trước đó và sự lo lắng về khả năng dòng tiền cũ bị rút ra khỏi thị trường, trong khi dòng tiền mới (đặc biệt là từ các dịch vụ tài chính của Ngân hàng và Công ty chứng khoán) sẽ bị hạn chế tham gia.

Đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần, cả hai chỉ số trên hai sàn đều giảm điểm mạnh với nhiều mã giảm sàn (48/HO và 105/HA), trong khi khối lượng giao dịch phiên nay giảm xuống khoảng 15% so với phiên cuối tuần trước, điều này phản ánh tâm lý dò đáy đã trùng xuống so với phiên trước. Trong các phiên tới, VN-Index đang đứng trước một mốc quan trọng là 440 điểm.
Ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài đã đẩy mạnh mua ròng trong phiên giao dịch hôm nay. Trên HO, khối ngoại mua vào 120,07 tỷ trong khi bán ra 49,68 tỷ đồng, như vậy họ đã mua ròng tới 70,39 tỷ đồng, con số này bên HA khiêm tốn hơn với 2,47 tỷ đồng. Những mã được tập trung mua ròng mạnh thuộc nhóm bất động sản như TDH, DIG,… và các mã GMD, DPM, PVF.
Trong bối cảnh hiện nay, giới đầu tư sẽ tiếp tục duy trì tâm lý thận trọng, do vậy khả năng lực cầu dò đáy sẽ không tăng mạnh nếu như chưa có các thông tin rõ ràng về sửa đổi Thông tư 13. Tuy nhiên, kịch bản giảm điểm sâu như đợt trước sẽ ít có khả năng xảy ra bởi các nhà đầu tư giá trị đánh giá thị trường đang ở mức khá hợp lý đáng để đầu tư trung và dài hạn. Dựa trên phân tích kỹ thuật, VN-Index được hỗ trợ tại vùng 440-445 điểm và đang chịu ngưỡng kháng cự tại 460-465 điểm. Với các nhà đầu tư ngắn hạn lướt sóng nên giữ nguyên tắc đầu tư theo xu hướng thị trường và tránh mạo hiểm dùng đòn bẩy tài chính để dò đáy.

Cafeland.vn - Theo Phòng Phân tích CTCK Phố Wall
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland