15/07/2012 8:25 AM
Một số tiêu chí quy hoạch chung Hà Nội có thể diễn đạt dễ hiểu, là bảo tồn phố cổ, chỉnh trang phố cũ theo hướng giảm tải nội đô, quy hoạch sử dụng đất có kế hoạch, tiết kiệm và hiệu quả, xây dựng phố mới hiện đại, đồng bộ…

Thế nhưng, nếu nhìn vào phương án "xử lý" các khu đất là trụ sở cũ của các Bộ, cơ quan ngang bộ… đưa ra, cộng với thực trạng cấp phép xây dựng nhà cao tầng những năm gần đây tại Hà Nội, sẽ thấy mục tiêu giảm tải nội đô còn rất xa tiêu chí quy hoạch chung Thủ đô, nếu không có một giải pháp quyết liệt, thống nhất…

Chất tải thật, mục tiêu giảm tải… xa!

Sở dĩ cần đề cập tới thực trạng gia tăng các công trình cao tầng trong nội đô, gây quá tải hạ tầng đô thị, dẫn đến căn bệnh trầm kha là ách tắc giao thông chưa có lời giải khả dĩ, là bởi vì nó có liên quan trực tiếp đến đường hướng xử lý hàng chục "khu đất vàng" là trụ sở các Bộ, ngành để lại sau khi di dời.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, thành viên Ban chỉ đạo quy hoạch Hà Nội Trần Ngọc Chính cho biết: Quy hoạch Thủ đô lần này luôn coi phố cổ, phố cũ là hạt nhân văn hóa, nét riêng có của Hà Nội. Bởi thế, Thủ tướng chỉ đạo quản lý rất khắt khe đối với việc xây dựng các công trình mới trên phố cũ, báo cáo đầy đủ tình hình biệt thự, nhà vườn, toàn bộ kiến trúc cũ có giá trị để bảo tồn. Đặt ra yêu cầu phải xây dựng quy chế quản lý phố cũ, trên cơ sở đánh giá lại toàn bộ quỹ công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, cơ sở giáo dục, bệnh viện trong nội đô… để di dời, chỉnh trang theo hướng giảm tải, với mục tiêu cao nhất là không chất tải công trình vào phố cũ. Thế nhưng, con số thực tế không thuận theo điều đó.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội đưa ra con số trên 244 dự án nhà cao tầng đã và đang đe dọa chất tải các tuyến phố cũ của Thủ đô. Chất vấn các thành viên UBND thành phố, ông Nam thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng này, là không ít đơn vị vừa di dời đã được lấp đầy công trình cao tầng, như Nhà máy Dệt 8-3 nay trở thành khu đô thị quy mô lớn; nhà máy công cụ số 1 (gần cầu vượt Ngã Tư Sở) nay thành tổ hợp nhà ở, khu vui chơi giải trí, siêu thị… tương đương với hàng ngàn hộ dân…

Đặc biệt, khu vực đã có mật độ dân cư đông, thường xuyên ách tắc giao thông như tuyến phố Lò Đúc, vậy mà vẫn cấp phép xây dự án chung cư cao 30 tầng (một trong những toà cao nhất Hà Nội) khiến nạn quá tải hạ tầng, ách tắc giao thông càng trở nên trầm trọng. Khu vực nhạy cảm cần bảo vệ như quanh hồ Gươm, không gian nơi đây cũng suýt bị xâm lấn bởi hai công trình cao tầng là khách sạn Hà Nội vàng (số 8 Lê Thái Tổ) và Trung tâm thương mại điện lực (69 Đinh Tiên Hoàng), nếu báo chí không vào cuộc ngăn chặn.

Về nguyên nhân gia tăng các tòa nhà cao tầng như thế, trước các đại biểu HĐND thành phố, ông Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi lý giải: Bởi sau khi di dời các nhà máy, trường học… ra khỏi nội đô, phải tính tới phương án tạo nguồn vốn cho chủ cơ sở đó có điều kiện xây dựng trụ sở mới. Việc xử lý trách nhiệm đối với chung cư cao tầng ở nội đô là theo quy hoạch và cơ chế tạo vốn cho chủ đầu tư xây dựng cơ sở mới. Lạ thay, quy hoạch Thủ đô từ năm 1998 chúng ta luôn quán triệt mục tiêu giảm tải nội đô chứ không phải đến nay yêu cầu này mới đặt ra. Khi chúng ta chủ trương kiềm chế dân số trong nội thành ở mức 0,8 triệu người, thì thực tế đã tăng lên 1,2 triệu người và chưa dừng lại.

Trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa yêu cầu giảm tải các công trình nội đô với nhu cầu về vốn để xây trụ sở mới, thường là nhà quản lý nghiêng về hướng khai thác triệt để quỹ đất để lấy tiền đầu tư. Vì quỹ đất có hạn, muốn tạo nguồn lực đầu tư lớn thì dễ nhất là chất cao công trình trong nội đô. Bài học không thành công trong quản lý quy hoạch phố cũ đó, chắc chắn có ý nghĩa sâu sắc đối với các nhà quản lý khi xử lý "quỹ đất vàng" là trụ sở các Bộ, ngành để lại hiện nay!

Ngôi nhà kiến trúc đẹp hơn 100 tuổi nằm trong khuôn viên trụ sở Bộ Giao thông vận tải mà nhiều ý kiến nêu nên xem xét giữ lại.

Tạo nguồn lực đầu tư, không thể tiếp tục để nội đô quá tải!

Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc phải được quán triệt trong suốt quá trình hiện thực hóa bản quy hoạch Thủ đô đã được phê duyệt. Tuy vậy, nhìn vào phương án tạo nguồn lực xây dựng trụ sở mới do một số Bộ, cơ quan ngang bộ đưa ra dựa chủ yếu vào việc khai thác giá trị đất đai tại các trụ sở cũ thì dư luận không khỏi lo ngại khu phố cũ tiếp tục bị chất tải.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án xây dựng trụ sở Lê Mạnh Hùng cho biết: Để có nguồn lực đầu tư xây dựng trụ sở mới dự kiến khoảng 12.000 tỷ đồng, Bộ Giao thông vận tải đã trình phương án, được phép mua trụ sở làm việc và bán chỉ định tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất do Bộ đang quản lý tại 80 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) theo giá thị trường, đúng quy định của pháp luật để lấy kinh phí đầu tư trụ sở mới trên cơ sở quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp và phải đảm bảo nguyên tắc giá trị mua trụ sở mới không lớn hơn giá trị bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất do Bộ Giao thông vận tải quản lý tại địa chỉ trên.

Theo lô-gic này, để có số tiền 12.000 tỷ đồng xây trụ sở mới, thì đương nhiên phải tạo nguồn lực lớn hơn mức đó đúng như trả lời của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trước Quốc hội, kinh phí chủ yếu lấy từ nguồn tự huy động. Huy động ở đâu được nguồn tiền khổng lồ đó, nếu không phải là khai thác triệt để đất trụ sở cũ? Đây chính là bài toán không dễ đưa ra lời giải đối với nhiều Bộ, cơ quan ngang bộ diện di dời hiện nay!

Theo ông Nguyễn Quang Nam, Giám đốc BQL dự án xây dựng trụ sở mới Bộ Xây dựng, thì không thể áp dụng một cơ chế giống nhau cho tất cả mọi trụ sở di dời, mà nên có cách ứng xử phù hợp bằng một phương án thích hợp đối với từng khu đất gắn với công trình trụ sở cũ mới đem lại kết quả mong muốn. Chẳng hạn, đất trụ sở cũ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tại dốc Ngọc Hà) phải xử lý thuận theo quy hoạch tại Trung tâm chính trị Ba Đình; trụ sở cũ Bộ Ngoại giao cần phải bảo tồn; trụ sở cũ của Thanh tra Chính phủ phải tuân theo quy hoạch khu phố cũ…

Lẽ dĩ nhiên, làm điều đó phải căn cứ vào quy hoạch, yêu cầu bảo tồn công trình kiến trúc, nhất là triển khai việc lập hồ sơ đánh giá phân loại đất, đấu giá đất dựa trên Luật Đất đai, Luật Đấu thầu và các văn bản hiện hành. Đây lại thêm một núi công việc phải quán triệt nhiều tiêu chí, trong đó có yêu cầu xuyên suốt là phố cũ không tiếp tục bị chất tải, mà phải được giảm tải gắn với giải bài toán ùn tắc giao thông.

Ông Nguyễn Quang Nam - Giám đốc Ban quản lý dự án xây dựng trụ sở mới Bộ Xây dựng: Với mảnh đất 13.000 m2 trụ sở cũ của Bộ tại 37 Lê Đại Hành, nên xử lý theo hướng trước hết là dành đất để hoàn thiện hạ tầng tại chỗ (khơi thông đường Đội Cung, kết nối đường Bà Triệu với đường Hoa Lư…); dành quỹ đất hợp lý cho công trình tiện tích đô thị (vườn hoa, bãi đỗ xe, giao thông); phần quỹ đất xây dựng công trình phải đảm bảo không tăng quá lớn dân cư khu vực đó, theo hướng có thể cho xây nhà 4 tầng phù hợp quy hoạch. Vì Nhà nước khó đủ nguồn lực dành đầu tư trụ sở, nên khai thác quỹ đất trụ sở cũ lấy nguồn lực đầu tư là thiết yếu nhưng phải theo hướng đem lại lợi ích cho cộng đồng, góp phần làm đẹp cảnh quan đô thị và lợi ích của người dân, không quá coi trọng hiệu quả kinh tế làm ảnh hưởng tới quy hoạch.

Theo CAND
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.