Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, nhu cầu của chúng ta còn rất lớn, hiện còn khoảng 1,7 triệu dân đô thị sống dưới 5m2/người; khoản 2 triệu công nhân khó khăn về nhà ở.
Tuy nhiên, trả lời trong chương trình đối thoại trực tuyến chiều 11/6, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định, lo ngại đó là không có cơ sở vì nguồn cung hiện tại so với cầu nhà ở hiện nay vẫn quá nhỏ bé.
Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, cả nước hiện có gần 90 triệu dân, tương đương khoảng 25 triệu hộ gia đình, trong đó 32% ở đô thị, tương đương khoảng 30 triệu người. Trong khi đó, theo báo cáo, số lượng căn hộ tồn kho khoảng 40 - 50.000 căn/ tổng số 25 triệu hộ gia đình.
“Vậy đây có phải con số lớn hay không, thiết nghĩ bạn đọc có thể tự bình luận”, ông Nam nói.
Thứ trưởng Nam nhìn nhận, vấn đề lớn ở đây không nằm trong nhu cầu người dân, mà đây là dư thừa những căn hộ giá cao, nằm ngoài khả năng thanh toán của người dân.
“Nhược điểm của thị trường bất động sản hiện nay là vừa thừa, vừa thiếu. Chúng ta thừa căn hộ cao cấp. Hiện nay, Hà Nội đang cần khoảng 100.000 căn hộ, chúng ta mới triển khai xây dựng được khoảng 10.000 căn, nên hiện đang còn thiếu những căn hộ phù hợp nhu cầu và khả năng thanh toán của người dân”, Thứ trưởng Nam cho hay.
Để giải quyết vấn đề này, cơ quan quản lý đã cho phép chuyển dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, chuyển những dự án có cơ cấu căn hộ lớn sang căn hộ nhỏ.
“Nhu cầu của chúng ta còn rất lớn, hiện còn khoảng 1,7 triệu dân đô thị sống dưới 5 m2/người; khoảng 2 triệu công nhân khó khăn về nhà ở. Chưa kể khoảng 10 triệu người sống dưới 10 m2 đầu người. Vấn đề là cần có chính sách, quy mô hàng hóa phù hợp để phát triển bền vững”, ông Nam nói.
Cũng tại buổi đối thoại, trả lời một số vấn đề khác đang được dư luận quan tâm như điều kiện được vay, tài sản thế chấp, giá nhà… đại diện Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng BIDV, chủ đầu tư đều khẳng định, thủ tục vay vốn từ gói 30.000 tỷ hoàn toàn đơn giản, thuận lợi. Điều quan trọng nhất là người vay phải chứng minh được thu nhập và khả năng trả nợ cho ngân hàng, trong đó có cả phải trả gốc hàng tháng.
“Với mức vay 500 triệu mà thu nhập 4 - 5 triệu đồng/tháng thì hoàn toàn không khả thi. Bởi vì thu nhập đó còn phải dành để sinh hoạt gia đình. Với thu nhập đó còn lại bao nhiêu để trả nợ? Ít nhất họ phải chi 3 - 4 triệu đồng/tháng để sinh hoạt, vậy chỉ còn 1 - 2 triệu đồng để trả nợ. Trong khi Ngân hàng Nhà nước chỉ giới hạn trong 10 năm đối với khách vay là cá nhân”, ông Trần Xuân Hoàng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), nói.
Còn theo ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), khi ngân hàng quyết định cho vay thì phải thẩm định kỹ, đủ điều kiện vay và khả năng trả nợ để tránh nợ xấu.
Do vậy, theo vị này, gói 30.000 tỷ không thể giải quyết cho tất cả các đối tượng thụ hưởng mà phải đủ điều kiện hoàn trả vốn cả gốc lẫn lãi thì mới được vay. Vì vậy, ngay khi thiết kế các điều kiện cho vay vốn, các ngân hàng phải đưa yếu tố thu hồi nợ lên hàng đầu để tránh nợ xấu sau này.
Liên quan đến tài sản thế chấp là chính căn hộ được mua, đại diện BIDV cho hay, các ngân hàng cũng rất lo ngại điều này nên sẽ cố gắng tạo cơ chế quan hệ hợp tác ký hợp đồng 3 bên, giữa ngân hàng - chủ đầu tư - người vay thật chặt chẽ.
“Sau 10 ngày triển khai, người đi vay cũng đang trong giai đoạn tìm hiểu xem khả năng có thể tiếp cận nguồn vốn như thế nào, để đối chiếu khả năng, điều kiện, thu nhập của bản thân và bàn bạc với gia đình để đưa ra quyết định vay vốn. Hiện nay, bên ngân hàng đang bắt đầu triển khai và phía người vay đang tìm hiểu phương thức, điều kiện”, ông Hoàng cho biết.