Ông Nguyễn Thế Hùng: "Thực tế khi chúng tôi chưa rà soát thì nhiều chủ đầu tư đã tự trả lại dự án rồi".
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội trước thực tế Hà Nội có quá nhiều dự án treo, chậm tiến độ, buộc thành phố phải quyết định dừng một số dự án bất động sản trong nội thành.
Trao đổi với VnEconomy, ông Hùng nói:
- Chương trình phát triển nhà ở của Hà Nội nhằm quan tâm, cải thiện nhà ở cho người dân để họ có chỗ ở tốt hơn, cả đô thị và nông thôn. Trong chương trình đã nêu rõ vấn đề này. Những dự án nào không khả thi thì thành phố sẽ tiến hành thu hồi, chuyển đổi công năng.
Hiện chúng tôi cùng các sở, ngành chức năng và Bộ Xây dựng đang tiến hành rà soát, cố gắng đến đầu 2014 có thể công bố kết quả rà soát này. Thành phố sẽ tiến hành rà soát theo quy hoạch chung, rà soát tính khả thi của dự án…
Có ý kiến cho rằng, việc thành phố quyết định tạm dừng một số dự án bất động sản trong nội thành là không phù hợp và mang nặng tính hành chính?
Tất cả mọi việc hiện nay đang nằm trong chương trình rà soát, tính khả thi của từng dự án cũng là một nội dung. Thực tế thì chủ đầu tư nào cũng muốn là mình sẽ đi đến cùng, song yêu cầu của quản lý là phải giám sát được thực chất năng lực của chủ đầu tư có đạt được hay không. Đó cũng là việc tất yếu của quản lý cũng như của thị trường. Do vậy, việc thành phố tạm dừng dự án là đúng theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, nói thật là có những dự án, chúng tôi còn chưa tiến hành rà soát thì chủ đầu tư cũng đã tự trả lại rồi.
Theo ông, việc bội thực dự án bất động sản nhưng lại thiếu tính khả thi có nguyên nhân từ đâu?
Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ nhà đầu tư. Việc đầu tư là quyền của mỗi nhà đầu tư. Nhưng cơ chế thị trường có nhiều biến động, nên có thể trong thời điểm này anh thấy ổn, nhưng sau một giai đoạn nào đó thì lại không khả thi.
Thứ nữa khi đầu tư lúc đó Thủ tướng chưa phê duyệt quy hoạch. Sau khi quy hoạch, việc quản lý khác đi, cũng dẫn đến dự án không khả thi.
Liệu có nguyên nhân do dễ dãi trong cấp phép không, thưa ông?
Theo tôi là không. Chúng ta không nên đánh giá như vậy. Vì nhà nước phải thực hiện cấp phép theo quy định. Dự án trong phạm vi cho phép thì mới có thể cấp phép.
Dự kiến sắp tới sẽ có khoảng bao nhiêu dự án sẽ bị tạm dừng, thu hồi thưa ông?
Chúng tôi đang xây dựng tiêu chí, dự kiến đến 2014 sẽ tổng kết, công bố. Theo kế hoạch chúng tôi sẽ rà soát lại quy hoạch. Những dự án không khả thi phải thực hiện giãn, hoãn, thu hồi, hoặc chuyển đổi công năng.
Nhưng tính khả thi của một dự án sẽ được đánh giá theo tiêu chí nào?
Thứ nhất phải dựa theo quy hoạch chung của thành phố và quy hoạch phân khu, xem các dự án đã đạt tiêu chí này chưa.
Thứ hai là năng lực của chủ đầu tư thực hiện dự án có đáp ứng được không. Thứ ba là dự án đó có đáp ứng được yêu cầu không. Thứ tư, sẽ tính đến khả năng quản lý, thực hiện dự án cũng như khả năng tiếp cận thị trường đến đâu.
Ngoài ra còn phải xem xét việc thực hiện pháp luật của chủ đầu tư thế nào nữa.
Nhưng liệu có sự vênh nhau khi đánh giá tính khả thi của dự án giữa nhà nước và chủ đầu tư?
Trong quá trình rà soát, thẩm định sẽ có sự giải trình. Nếu như có sự vênh nhau thì chắc chắn sẽ có xem xét để xác định xem cái nào hợp lý.
Việc tạm dừng cấp phép dự án nhà ở thương mại trong khu vực nội đô có ảnh hưởng đến nhiều người dân Hà Nội vốn đang chật vật về nhà ở?
Tôi cho là không, vì hiện nay quỹ nhà ở thương mại còn đang dư thừa.
Có rất nhiều dự án nhà ở hiện nay đang phải kêu gọi mua với nhiều hình thức hạ giá, khuyến mại nhưng cũng chưa có ai mua. Vì thế việc dừng cấp phép sẽ không ảnh hưởng đến nhu cầu của người dân nội đô.