21/03/2015 10:12 AM
Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Đỗ Phi Hùng nhận định việc bán suất tái định cư ở TP.HCM xảy ra phổ biến ở các dự án tái định cư.

Khu tái định cư Đền Lừ 2, Q.Hoàng Mai (Hà Nội) xuống cấp nặng - Ảnh: Lâm Hoài

Ngày 20-3, tại cuộc họp với UBND các quận, huyện bàn cách tháo gỡ cho những trường hợp mua suất tái định cư, phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Đỗ Phi Hùng nhận định việc bán suất tái định cư ở TP.HCM xảy ra phổ biến ở các dự án tái định cư.

Những người mua suất tái định cư đã chiếm hữu, sử dụng nhà, đất này rất lâu nhưng không được chính quyền công nhận. Do đó họ phải ở “lậu” từ năm này qua năm khác, từ đời này qua đời khác và tiếp tục sang nhượng bằng giấy tay.

Trong khi đó, Nhà nước không thể quản lý và cũng không thể cấm được việc mua bán này. Tình trạng này xảy ra tại TP.HCM đã hơn 10 năm nhưng chính quyền chưa có cách nào tháo gỡ.

Theo số liệu sơ bộ do Sở Xây dựng nắm được, hiện có khoảng 1.600 trường hợp mua suất tái định cư chưa được cấp giấy , đất.

Trong đó nhiều nhất là địa bàn quận 9 với hơn 700 trường hợp, quận Bình Thạnh 300, huyện Nhà Bè 300, quận 2 với 225 trường hợp... Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Xây dựng nhận định con số thực tế còn cao hơn nhiều.

Tại cuộc họp, đa số ý kiến đều đề xuất phải xem xét gỡ vướng cho người dân đã mua suất tái định cư. Nếu người dân đã trả hết tiền mua nhà thì nên xem xét cấp giấy chủ quyền, người mua suất tái định cư đang trả góp tiền mua nhà thì được tiếp tục trả góp chính danh, nếu người mua quyền thuê nhà thì được đứng tên “chính chủ” trên hợp đồng thuê nhà.

Đại diện của các quận, huyện và Sở Xây dựng đều nhất trí phải quy định cụ thể điều kiện, thủ tục để hợp thức hóa và có thời điểm “chốt” chứ không phải trường hợp nào và việc mua, bán xảy ra ở thời điểm nào cũng được hợp thức hóa. Sau thời điểm “chốt” này, việc mua suất tái định cư sẽ không được giải quyết.

D.Ngọc Hà (Tuổi trẻ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.