Thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa có chặn được xu hướng xin đất trong lúa đầu tư dự án bất động sản?
Theo đó, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao đất, cho thuê đất từ ngày 1/7/2015 (thời điểm Nghị định 35/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa có hiệu lực) phải nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa khi chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất phi nông nghiệp.
Mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa được xác định bằng tỷ lệ phần trăm (%) x diện tích x giá của loại đất trồng lúa. Trong đó, tỷ lệ phần trăm (%) được xác định tùy theo mục đích sử dụng đất sau khi chuyển mục đích.
Cụ thể, trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước thành đất ở; đất kinh doanh dịch vụ, thương mại; tài chính; nhà hàng; khách sạn; văn phòng làm việc và cho thuê thì tỷ lệ phần trăm (%) xác định số thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa tính bằng 80%.
Tỷ lệ phần trăm bằng 50% được áp dụng cho các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất để: sản xuất công nghiệp, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp; nhà kho, nhà xưởng; hoạt động khoáng sản; sản xuất vật liệu xây dựng, gốm sứ; đất xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh; đất xây dựng siêu thị, cửa hàng thương mại - dịch vụ bán hàng bình ổn giá; cửa hàng xăng dầu; xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê tại các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất; bến cảng, bến tàu, bến phà, bến đò, bến xe, nhà ga.
Khoản tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa không được khấu trừ vào tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất phải nộp, nhưng được tính vào vốn đầu tư của dự án theo quy định.