Trong
đó, đáng chú ý, trong khoảng 35.000 nền nhà trong các dự án phân lô thì
đến cuối năm 2011 mới chỉ có chưa đến 50% được cấp GCQ. Đối với các dự
án xây dựng chung cư, bán căn hộ tỉ lệ căn hộ được cấp GCQ còn thấp hơn,
chưa đến 40%.
Mòn mỏi chờ GCQ
TPHCM có khoảng 200 dự án nhà ở theo dạng phân lô bán nền với tổng số khoảng 35.000 nền nhà. Hầu hết những dự án này được các cơ quan chức năng duyệt cách đây khoảng 10 năm. Nhưng cho đến thời điểm hiện nay, mới chỉ có chưa đến 50% số nền được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCQ). Vì sao có sự chậm trễ này ?
Tập thể 128 hộ dân tổ dân phố 90A và
90B, khu phố 5, phường 25, quận Bình Thạnh đã có đơn gửi đến các cơ quan
chức năng đề nghị can thiệp, xem xét việc cấp GCQ cho người dân vốn đã
bị “treo” từ hơn 10 năm nay. Năm 2000, các hộ dân đã ký hợp đồng góp vốn
xây dựng nhà với Cty Phát triển nhà quận Bình Thạnh trên khu đất thuộc
Dự án khu nhà ở ven sông Sài Gòn. Ngoài các hộ dân mua đất, một số hộ
dân bị giải tỏa trong dự án Nhà máy nước thành phố cũng được cấp đất
tại dự án này. Theo phản ánh của người dân, sau khi được giao đất, hầu
hết người dân đã xây dựng nhà theo mẫu quy định nhưng đã hơn 10 năm trôi
qua, người dân vẫn chưa được cấp GCQ. Mỗi hộ dân chỉ nắm được trong tay
một bản hợp đồng góp vốn và một biên bản giao ranh nền. Năm 2007, Cty
Phát triển nhà quận Bình Thạnh đã thu lại toàn bộ giấy tờ với lý do để
làm GCQ. Từ năm 2007 đến nay, người dân mòn mỏi chờ GCQ nhưng không
thấy đâu mà những giấy tờ liên quan cũng không còn.
Trên thực tế, từ hàng chục năm qua mặc
dù sở hữu những căn nhà trị giá nhiều tỉ đồng, nhưng người dân không có
một miếng giấy để chứng minh... Trên đây chỉ là một trường hợp điển hình
về một dự án trong số hàng trăm dự án mà người dân mua đất xây nhà
nhưng chờ mãi chẳng thấy GCQ. Có thể khẳng định tình trạng “treo” quyền
lợi của người dân là rất phổ biến ở TPHCM. Theo số liệu thống kê chưa
đầy đủ của các cơ quan chức năng, TPHCM có không dưới 200 dự án thuộc
loại kinh doanh cơ sở hạ tầng khu nhà ở (phân lô bán nền, người dân tự
xây nhà theo mẫu quy định) với khoảng 35.000 nền nhà, biệt thự... Phần
lớn các dự án này tập trung trên địa bàn các quận cận trung tâm thành
phố như các quận 2, 7, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức, Gò Vấp...
Trong số 200 dự án kinh doanh hạ tầng khu nhà ở, có thể tạm chia thành 3 loại: Do các DN xây dựng; do các hộ cá nhân xây dựng theo chủ trương thí điểm phân lô hộ lẻ và loại còn lại là các dự án nhà ở dành cho cán bộ công nhân viên. Cũng theo số liệu của các cơ quan chức năng, cho thấy tiến độ cấp GCQ cho các dự án kinh doanh hạ tầng khu nhà ở đang hết sức ì ạch, chỉ có chưa đến 50% trong số 35.000 nền nhà, nền biệt thự là đã được cấp GCQ.
Khu dân cư ven sông Sài Gòn đã hơn 10 năm, nhưng người dân vẫn chưa có GCQ. Ảnh: Quỳnh Mai
"Treo" để chờ xử lý
Trả lời chất vấn của PV Báo Lao Động về
vấn đề vì sao chậm cấp GCQ cho người dân? lãnh đạo của một quận có gần
20 dự án phân lô hộ lẻ cho biết: “Anh thông cảm, chúng tôi không có ý
định làm khó người dân, chúng tôi tạm “treo” các dự án dạng này lại là
để chờ xử lý. Câu hỏi lớn trong vấn đề này là dự án được duyệt mỗi nền
100m2, thế nhưng chủ đầu tư cứ phân ra thành nền 40 - 50m2 cho dễ bán;
đường giao thông trong hồ sơ quy hoạch duyệt 8m thì trên thực tế chỉ còn
4m; thiếu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kỹ thuật không đấu nối được... nói
chung là đối với những dự án dạng phân lô hộ lẻ có đến 101 khuyết tật
khác nhau, như thế là sai quy hoạch. Thậm chí, có trường hợp cắt đất
giao thông, đất công viên ra phân lô rồi bán. Bây giờ chúng tôi tạm
“treo” những dự án dạng này lại rồi gọi các chủ đầu tư lên, buộc họ xử
lý rồi mới có thể cấp GCQ cho người dân”.
Tình trạng vi phạm các chỉ tiêu quy
hoạch trong các dự án phân lô bán nền là hết sức phổ biến, buộc các địa
phương phải “treo” việc cấp GCQ chờ xử lý, người dân bức xúc. Sở Xây
dựng đã đề xuất thành phố chỉ đạo các quận, huyện xử lý theo hướng giải
quyết hậu quả. Đối với dự án sai quy hoạch, sai thiết kế mẫu nhà, chủ dự
án lập hồ sơ xin điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500 và trình
quận, huyện phê duyệt. Trong trường hợp không tìm được chủ dự án, UBND
quận, huyện phải chỉ đạo các phòng ban chuyên môn chủ động xem xét lại
quy hoạch và trình UBND quận, huyện điều chỉnh cục bộ. Trường hợp chủ
đầu tư xây dựng công trình trên đất cây xanh, công cộng, UBND quận,
huyện nghiên cứu cân đối với các chỉ tiêu quy hoạch của các khu vực khác
lân cận, đồng thời yêu cầu chủ dự án phải bỏ tiền bồi thường hoặc mua
lại phần diện tích tương ứng giao cho quận - huyện.
Riêng các dự án chưa đầu tư xây dựng hoặc xây dựng chưa hoàn chỉnh hạ tầng, UBND quận, huyện yêu cầu chủ đầu tư phải làm xong. Nếu chủ đầu tư không còn khả năng thực hiện, UBND quận, huyện lấy ý kiến của các hộ dân thuộc dự án về việc đóng góp kinh phí để hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật để có thể tiến hành cấp giấy chủ quyền cho người dân. Với hướng xử lý như đề xuất kể trên thì việc cấp GCQ cho các hộ dân lỡ mua đất trong các dự án có sai phạm chắc chắn sẽ còn bị kéo dài.