Theo UBND Q.7, vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc yêu cầu chủ đầu tư đóng góp Quỹ 156 (Quỹ đào tạo và giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất). Ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó chủ tịch UBND Q.7 cho biết: “Chỉ có chủ đầu tư dự án Nhà nước có đóng góp cho Quỹ, còn hầu hết chủ đầu tư dự án tư nhân thì không chịu đóng. Họ giải thích, dự án tư nhân phải tự thỏa thuận giá bồi thường với dân, ngoài tiền bồi thường, họ đã hỗ trợ theo quy định của Nhà nước nên không thể đóng góp thêm vào quỹ 3 - 5% chi phí bồi thường theo quy định”.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thanh Mai (thành viên Hội đồng quản lý Quỹ 156) phản đối: “Quỹ này lập ra nhằm chăm lo đời sống người dân sau giải tỏa, bên cạnh đó, đây là quy định của Nhà nước nên không chủ đầu tư nào có quyền “né”. Trường hợp chủ đầu tư muốn giảm mức đóng góp thì Hội đồng quản lý Quỹ sẽ xem xét và trình UBND TP thông qua. Vì vậy, UBND Q.7 phải kiên quyết trong vấn đề này”.
Sáng 23/8, HĐND TP đã giám sát công tác giải tỏa, bồi thường, hỗ trợ TĐC trên địa bàn huyện Nhà Bè. Theo đó, huyện Nhà Bè không vướng mắc việc lập Quỹ 156 nhưng lại vướng mắc công tác bồi thường cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Trường - Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết: Bất cập lớn nhất là chưa có quy định về mức bù chênh lệch giữa đơn giá bồi thường và đơn giá mua nền TĐC khiến người bị giải tỏa bức xúc. Hậu quả, hiện có một dự án trên địa bàn huyện bị “treo” hơn sáu năm. Đó là dự án Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước triển khai năm 2006 nhưng đến nay vẫn còn 25 hộ dân tạm cư. Nguyên nhân, giá đền bù dự án được duyệt năm 2006 là 5,2 triệu đ/m2 nhưng đến năm 2011 giá bán nền TĐC mới được duyệt, dẫn đến trượt giá lên đến 11 triệu đ/m2. Chủ đầu tư yêu cầu người dân phải chịu khoản chênh lệch này nhưng người dân không đồng ý, huyện lại không có thẩm quyền quyết định.