Dù quy hoạch "treo” đã được kỳ họp thứ 6 (khóa VIII) HĐND TP. Hồ Chí Minh đưa ra "mổ xẻ”, thậm chí không ít các đề xuất tháo gỡ về đền bù, giải tỏa đất, tái định cư,… được đặt ra, nhưng người dân vẫn thấp thỏm trông đợi, bởi "khi nào giải quyết” là câu hỏi mà các cấp chính quyền thành phố vẫn chưa hứa trước dân.
Hiện trường ngổn ngang tại dự án 1 bis
và 1 kép Nguyễn Đình Chiểu sau 14 năm quy hoạch treo. Ảnh: Hồng Phúc
Bị giải tỏa và rơi vào cảnh sống tạm bợ kéo dài hàng chục năm
Nhiều ngày nay, hàng chục hộ dân từng sinh sống tại khu "đất vàng” 1 bis và 1 kép Nguyễn Đình Chiểu (phường Đa Kao, quận 1) tới trụ sở Ban Đại diện báo Đại Đoàn Kết tại TP. Hồ Chí Minh phản ánh: việc giải tỏa khu 1 bis và 1 kép của chính quyền thành phố bắt đầu từ năm 1998 nhưng cho đến nay vẫn chưa thống nhất phương án bồi thường thỏa đáng khiến nhiều hộ dân chưa nhận được tiền bồi thường, cũng như được bố trí tái định cư thỏa đáng, dẫn tới phải đi ở thuê, ở nhờ. Nhiều hộ dân tự nguyện nhận tiền bồi thường, gương mẫu giao đất, giao nhà, di dời trước ngay khi thành phố có chủ trương nhưng bỗng chốc bất bình vì phương án bồi thường thay đổi liên tục.
Bà Võ Thị Hoàng (một hộ dân tại khu 1 bis) cho biết: do không biết đến bao giờ dự án mới được triển khai nên 14 năm qua gia đình cô vẫn phải ở tạm tại chung cư Miếu Nổi (P.3, Q.Bình Thạnh) để chờ tái định cư. Cũng theo bà Hoàng, vào thời điểm năm 1998 có 77 hộ như gia đình cô tình nguyện giao đất, giao nhà chuyển đi và khoảng 83 hộ còn lại đăng ký tái định cư tại chỗ. Đối với các hộ không đăng ký tái định cư được nhận số tiền bồi thường từ 1,8 – 2,6 triệu đồng/m2, và phải tự lo chỗ ở, trong đó có một số hộ cho đến nay vẫn chưa lo được chỗ ở ổn định. Đáng lưu ý, trong số hơn 80 hộ đăng ký tái định cư thì đến nay còn tới hơn 30 hộ chưa được bố trí chỗ ở, cuộc sống vô cùng khó khăn. Trong khi đó, còn hàng chục hộ dân khác chưa đồng ý với phương án giá đền bù khiến dự án "treo” từ năm 1998 cho đến nay.
Theo ghi nhận của Đại Đoàn Kết, sau 14 năm bị "treo”, hiện khu "đất vàng” 1 bis và 1 kép đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng, biến dạng từ mục đích ban đầu là xây nhà tái định cư chuyển sang dự án kinh doanh.
Tại khu dự án đô thị sinh thái Bình Quới – Thanh Đa (Q.Bình Thạnh), bà Lê Thị Lâm (hẻm 383 Bình Quới) phản ánh: tình trạng nước ngập, kèm theo bùn lầy tràn vào tận sân nhà của các hộ dân ở đây xảy ra thường xuyên vào mùa mưa, đặc biệt là vào các thời điểm triều cường lên cao. Con hẻm 383 Bình Quới đã chứng kiến cuộc sống khổ sở của những người dân chờ tái định cư ở đây từ gần 20 năm nay. Bà Lâm tỏ vẻ xúc động khi trao đổi với chúng tôi, vì theo bà đã hơn 10 năm rồi người lạ vào hẻm 383 cũng thưa dần vì sự nhếch nhác của nó. "Người dân nhìn cảnh ấy, có nhiều nhà chung tiền đổ cát cho cao mặt đường lên, nhưng được vài bữa thì nước triều lên thì lại trôi hết, đường lại trở về trạng thái lầy lội ban đầu” - bà Lâm cho biết.
Được biết, từ năm 1992, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có thông báo quy hoạch "Khu văn hóa, thể thao, du lịch, nghỉ ngơi, giải trí” tại Bình Quới – Thanh Đa. Tuy nhiên, cũng như dự án 1 bis và 1 kép thì dự án này đã bị treo gần 20 năm nay đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người dân. Dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa với diện tích khoảng 450ha, được xem là khu quy hoạch "treo” kéo dài nhất tại TP. Hồ Chí Minh mà báo Đại Đoàn Kết đã dành nhiều kỳ phản ánh từ năm 2008 cho đến nay.
Cần thu hồi ngay dự án "treo”
Trước kỳ họp thứ 6 (Khóa VIII) HĐND TP. Hồ Chí Minh, UBND thành phố đã đưa vấn đề quy hoạch đô thị, giải quyết khiếu nại, tố cáo vào một trong 4 vấn đề cấp bách. Theo đó, TP. đã giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc cùng các sở, ngành và UBND các quận, huyện liên quan thẩm định đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của khoảng 200 hồ sơ quy hoạch để trình UBND TP. phê duyệt trước ngày 31-12 năm nay. Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. cho biết: hiện TP. có trên 880 dự án nhà ở, trong đó còn khoảng trên 50 dự án tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng dưới 50%. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng chậm giao mặt bằng do nhiều nguyên nhân và cho đến nay TP. vẫn tiếp tục tìm các giải pháp tháo gỡ đối với từng quy hoạch, dự án.
Trước tình hình này, UBND TP thành phố lên kế hoạch giải quyết 7 vụ khiếu nại điển hình có liên quan đến gần 80 hộ dân tại các chung cư Cô Giang (Q.1), chợ An Điền (Q.2), dự án siêu thị An Lạc (Q.Bình Tân), dự án khu đô thị Sing - Việt (huyện Bình Chánh), dự án khu tái định cư T.30 (huyện Nhà Bè),… Ngoài ra, hơn 60 vụ khiếu nại khác cũng được UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan giải quyết dứt điểm, chậm nhất là tới tháng 12 năm nay.
Tính đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện xong 41 vụ việc thuộc thẩm quyền của thành phố (đạt tỷ lệ 65%). UBNDTP. dự kiến sẽ tiếp tục giải quyết xong 22 vụ việc khiếu nại khác trong tháng 11 và báo cáo sớm kết quả cho Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và Thường trực Thành ủy TP.
Tuy nhiên, một trong những yêu cầu bức thiết hiện nay là tại các dự án "treo” kéo dài đã hàng chục năm, người dân đang chờ từ chính quyền TP một cam kết về thời gian giải quyết cụ thể. "Cần thiết phải giải quyết các dự án "treo” bằng cách thành lập một đoàn liên ngành là những người có quyền cho thu hồi ngay tại các dự án kéo dài để bảo vệ quyền lợi của người dân” - Đại biểu HĐND thành phố Võ Văn Sen (Hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh) kiến nghị.
Theo Lê Anh (ĐĐK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.