Ngày 6-10, UBND TP HCM cùng Bộ Xây dựng tổ chức cuộc họp về “Tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước về quy hoạch và xây dựng 9 tháng đầu năm; nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2016”.
Cải tạo chung cư, dời nhà ven kênh
Tại cuộc họp, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết từ đầu năm đến nay, TP đã phê duyệt được 18 dự án phát triển nhà ở với tổng mức đầu tư gần 6.000 tỉ đồng, diện tích sàn xây dựng hơn 877.000 m2. Đồng thời, giải quyết hơn 76 hồ sơ đấu thầu với tổng giá trị được duyệt là 2.967 tỉ đồng; 27 hồ sợ thẩm định thiết kế dự toán nguồn vốn ngân sách, vốn nhà nước.
Ông Phạm Hồng Hà (đứng), Bộ trưởng Bộ Xây dựng, ủng hộ các dự án thuộc 7 chương trình đột phá của TP HCM
Dù UBND TP và các sở, ngành không ngừng quan tâm lĩnh vực đầu tư, xây dựng nhưng hiện vẫn tồn đọng 12 dự án chậm triển khai hoặc ngưng thi công. Ngoài ra, vấn nạn xây dựng không phép hoặc không đúng như thiết kế ban đầu diễn ra phức tạp và ngày càng nhiều. “Tình trạng xây dựng nhà trên đất nông nghiệp ở các huyện Bình Chánh, Hóc Môn; quận Thủ Đức, 12… diễn ra đầy rẫy. Riêng quận Tân Phú nổi lên vấn đề tranh chấp giữa chủ đầu tư với khách hàng, giữa ban quản trị với cư dân chung cư” - ông Tuấn nêu.
Để giải quyết những vấn đề trên, ông Tuấn đưa ra giải pháp từ đây đến cuối năm sẽ thành lập tổ công tác tiếp xúc với các chủ đầu tư nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc chậm thi công hoặc chưa thi công các công trình. Ngoài ra, rà soát và xử lý các trường hợp xây dựng nhà không phép, cho cư dân đối thoại với lãnh đạo Sở Xây dựng nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ.
Theo ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP, TP hiện có 474 chung cư cũ, hư hỏng được xây dựng trước năm 1975. Trong 10 năm qua, chỉ giải quyết được 32 chung cư cũ, mục tiêu là đến năm 2020 phải giải quyết hết 237 chung cư cũ để bảo đảm hoàn thành 50% kế hoạch đề ra.
“Với cơ chế hiện nay thì khó mà thực hiện được. Từng ngày một, các chung cư cũ đang xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa tính mạng của nhiều người dân. Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng nên chấp thuận cho TP chỉ định, lựa chọn chủ đầu tư tham gia dự án xử lý chung cư cũ” - ông Khoa kiến nghị.
Ông Lê Văn Khoa cho biết TP hiện có 20.000 nhà trên và ven kênh rạch. Vấn đề bất cập là những căn nhà này chỉ che chắn tạm bợ, nằm trên sông nước nguy hiểm đến tính mạng người dân và gây ô nhiễm môi trường. Thống kê cho thấy các khu vực có số nhà lấn chiếm kênh rạch nhiều nhất tập trung ở các quận 4, 8, Bình Thạnh… “Đề nghị Bộ Xây dựng và Thủ tướng Chính phủ cho phép TP được chủ động lựa chọn, chỉ định nhà đầu tư tham gia dự án di dời nhà ven kênh rạch để đến năm 2020 sẽ trả lại kênh rạch cho tự nhiên” - ông Khoa nói.
Quy hoạch còn bừa bãi
Theo ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng, từ năm 2006-2016, việc cải tạo chung cư cũ ở TP HCM chưa thật sự quan tâm nên diễn ra rất chậm. Ông Ninh đề nghị trong năm nay, UBND TP phải kiểm định xong 474 chung cư cũ để phân loại, sau đó mới đưa ra phương án cụ thể.
Đại diện Thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng những năm qua, việc quy hoạch còn bừa bãi. Rất nhiều khu vực ở TP HCM quy hoạch mang tính nông thôn. Trong khi đó, các nhà cao tầng mọc lên liên tục ở trung tâm TP dẫn đến việc dồn dân, ùn tắc.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP, thừa nhận việc để tồn đọng 20.000 căn nhà lấn chiếm ven kênh là do công tác quản lý yếu kém. “Ngân sách hỗ trợ di dời người dân rất lớn. Đây là cái giá phải trả cho việc quản lý lỏng lẻo. Mặc dù trong 20.000 căn nhà nói trên, phần lớn do người dân lấn chiếm trái phép nhưng không vì thế mà không hỗ trợ. Trong tuần này sẽ tổ chức họp bàn để củng cố lại bộ máy chính quyền, đồng thời phải cải cách thủ tục hành chính” - ông Phong nhấn mạnh.
Ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy, cho biết TP HCM là địa phương góp phần tạo nên nguồn thu chung cho cả nước. Ngoài mục tiêu thúc đẩy kinh tế, TP còn đặt ra vấn đề biến nơi đây là mảnh đất đáng sống, đáng học tập và làm việc. Tuy nhiên, với chính sách chung như hiện nay thì khó để TP vươn mình mạnh mẽ. Bí thư Thành ủy đề nghị Bộ Xây dựng tham mưu Chính phủ tạo cơ chế thông thoáng riêng cho TP HCM. “Còn 4 năm nữa thì TP HCM phải hoàn thành nhiều chỉ tiêu để chỉnh trang đô thị nhưng khối lượng công việc rất nhiều. Vì vậy cần Bộ Xây dựng và Chính phủ hỗ trợ cơ chế thông thoáng để thực hiện” - ông Thăng nói.
Cần báo cáo chi tiết những đề xuất Ông Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đánh giá cao chủ trương phân cấp, phân quyền mà UBND TP đang áp dụng, như: Cho UBND quận, huyện được phê duyệt dự toán kinh phí kiểm định, sửa chữa; phê duyệt công bố kế hoạch cải tạo xây mới thay thế chung cư cũ trên địa bàn; công nhận chủ đầu tư theo hình thức chỉ định chủ đầu tư. “TP HCM làm báo cáo chi tiết những đề xuất liên quan đến lĩnh vực mà Bộ Xây dựng phụ trách. Qua đó, Bộ Xây dựng sẽ tham mưu Chính phủ để giúp TP HCM hoàn thành các dự án thuộc 7 chương trình đột phá” - ông Hà yêu cầu. |