Một góc Quảng Ninh. (Nguồn: dddn.com.vn) |
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính khẳng định, tầm nhìn chiến lược của Quảng Ninh là tạo bước đột phá, đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại vào năm 2020, giữ vai trò là một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc, là địa phương đi đầu trong cả nước đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh,” đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, tạo nền tảng vững chắc cho Quảng Ninh phát triển nhảy vọt, toàn diện sau năm 2020.
Quảng Ninh tăng trưởng xanh dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển dần giảm bớt việc dựa vào các yếu tố không bền vững như tài nguyên hữu hạn và tăng dần các yếu tố bền vững dựa vào vị trí địa lý chính trị, kinh tế tri thức, khoa học công nghệ, tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, cảnh quan, văn hóa, truyền thống lịch sử và trí tuệ con người.
Ông Bùi Quang Tuấn, Viện phó Viện Kinh tế Việt Nam nói: Quảng Ninh cần gắn tăng trưởng xanh với du lịch xanh, đô thị xanh, lối sống xanh. Để làm được điều này, Quảng Ninh cần rà soát, tái cấu trúc lại theo hướng xanh hóa và cần ứng dụng nhiều công nghệ cao rộng rãi vào đời sống kinh tế, xã hội.
Ông Motonori Tsuno, Trưởng đại diện Jica tại Việt Nam cam kết Nhật Bản sẽ hỗ trợ cả về kỹ thuật, tài chính và chia sẻ kinh nghiệm cho Việt Nam về tăng trưởng xanh.
Trong số quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Quảng Ninh, Nhật Bản là quốc gia viện trợ vốn vay ODA lớn nhất với 13 dự án, tổng vốn cam kết 200 triệu USD (vốn vay ODA là hơn 193 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại là hơn 6 triệu USD), tập trung vào các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp giao thông nông thôn, xây dựng công trình thuỷ lợi, hỗ trợ y tế, bảo vệ môi trường; trong đó có những dự án lớn như: Cảng nước sâu Cái Lân, cầu Bãi Cháy, nâng cấp quốc lộ 18A.... là những dự án hết sức quan trọng và có ý nghĩa trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh.
Tính đến thời điểm hiện nay, Quảng Ninh có 4 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động ở các lĩnh vực như sản xuất vật liệu lọc nước, nuôi trồng ngọc trai, chế biến gỗ xuất khẩu, gia công sản xuất sản phẩm... với tổng số vốn đăng ký là 7,255 triệu USD, đứng thứ 12 trong số các quốc gia, lãnh thổ đầu tư vào Quảng Ninh. Ngoài ra, các tổ chức quốc tế của Nhật Bản tại Việt Nam , trong đó có Jica, Jetro, Jbav... giúp đỡ rất thiết thực, hiệu quả trong các hoạt động xúc tiến đầu tư tại tỉnh Quảng Ninh.
Ông Bamba, Phó Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Đầu tư Nhật Bản tại Hà Nội (Jetro) cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản đang chuyển hướng mạnh đầu tư vào khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Ông gợi ý: Quảng Ninh cần có khảo sát và phối hợp với các công ty tư vấn Nhật Bản để có cách thuyết phục các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam; Quảng Ninh cũng cần có những cơ chế hỗ trợ mạnh hơn nữa đối với các nhà đầu tư Nhật Bản như một số tỉnh thành của Việt Nam đã làm như Đà Nẵng, Hà Nam, Bắc Ninh.
Ông Masanori Ogura, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) cho rằng, Quảng Ninh cần xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao; Thành lập các khu công nghiệp đảm bảo không bị mất điện; Xây dựng đường giao thông thuận lợi có thể nối với các trung tâm lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và cần thực hiện cơ chế một cửa thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc thông tin tới các nhà đầu tư Nhật Bản những chính sách mới mà tỉnh này đang thực hiện như: Đã thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh, chịu sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh.
IPA Quảng Ninh là nơi tiếp nhận và trực tiếp xử lý hồ sơ, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có nhu cầu tìm hiểu cơ hội đầu tư và triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Quảng Ninh đang gấp rút xây dựng đường nối Quảng Ninh - Hải Phòng, đường kéo dài với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Nghiên cứu xây dựng sân bay Vân Đồn.../.