Toàn bộ khu đất 540ha được UBND tỉnh Tiền Giang giao cho nhà đầu tư Trung Quốc với cái giá rẻ bất ngờ: 1,4USD/m2, bằng tiền một tô phở.

Khi dân khiếu nại về mức đền bù thu hồi đất, tỉnh xin Chính phủ để xuất ngân sách 54 tỷ đồng hỗ trợ thêm cho dân.


Áp giá rẻ bèo


Theo Quyết định số 47/2007 của UBND tỉnh Tiền Giang ban hành khung giá đất năm 2008, đất ở ấp 4 xã Tân Lập 1 là đất trồng cây lâu năm thuộc khu vực 1, vị trí 3 có giá 50.000 đồng/m2. Theo đơn giá này, 540ha đất chưa tính thành quả lao động, cây trồng trên đất đã là 270 tỷ đồng.


Thế nhưng, với "chiêu" ưu đãi đầu tư, UBND tỉnh Tiền Giang chỉ thu của nhà đầu tư Trung Quốc 123 tỷ đồng. Trong khi nhà đầu tư hưởng lợi rất nhiều với cái giá quá hời thì nông dân gần như bị bỏ rơi. Dù Tân Lập 1 nằm ngay đường cao tốc Trung Lương - TP.HCM, cách Quốc lộ 1A chưa đầy 3km nhưng xã này vẫn bị tỉnh xếp vào diện vùng sâu vùng xa, do đó chủ đầu tư không phải trả tiền thuê đất, mà chỉ trả tiền đền bù cho dân.


Tỉnh áp sai luật - Thiệt dân, hại ngân sách
Người dân hái rau dại bên khu đất bỏ hoang.

Theo cách tính “lạ” của tỉnh Tiền Giang, nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra 123 tỷ đồng (1,4USD/m2) là thâu tóm 540ha đất trong 50 năm. Theo tính toán của người dân, nếu chỉ làm nông nghiệp, cây khóm tạo ra giá trị kinh tế khoảng 50 triệu đồng/ha/năm. Trong 50 năm, 540ha sẽ tạo ra 1.350 tỷ đồng - cao gấp 11 lần so với số tiền tỉnh thu được từ nhà đầu tư.


Theo ông Trần Văn Hoàng - Phó Giám đốc Sở Tài chính, sở dĩ tỉnh áp giá đất rẻ cho nhà đầu tư Trung Quốc vì đất này nhà nước quản lý, không cần hỗ trợ tiền đất cho dân. Bởi vậy khi thu hồi, nhà nước chỉ hỗ trợ chi phí đầu tư, cây trồng trên đất và thiệt hại do mất thu nhập vì thanh lý hợp đồng trước hạn là 181 triệu đồng/ha.


Thế nhưng, năm 2007, khi thu hồi đất để thi công tường rào Trường Tiểu học Tân Lập 2, cũng là đất Nông trường Tân Lập giao khoán, người dân đã được hỗ trợ bằng 60% theo khung giá đất thời điểm này. Theo Luật Đất đai, UBND tỉnh Tiền Giang phải áp dụng Nghị định 197/2004 khi thu hồi đất và hỗ trợ (không phải bồi thường) tiền đất theo diện tích bị thực tế bị thu hồi không vượt hạn điền.


Cho rằng không có gì sai, UBND tỉnh quyết không hỗ trợ theo yêu cầu của dân. Thế nhưng đùng một cái, tháng 7.2011, UBND tỉnh "hứa" với dân sẽ tiếp tục "hỗ trợ" mỗi ha đất bị thu hồi thêm 100 triệu đồng!


Thiệt dân, hại ngân sách


Theo Kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư, thời điểm 2007 UBND tỉnh Tiền Giang còn "hứa" với nhà đầu tư Trung Quốc chỉ thu 1USD/m2, sau đó nâng lên 1,4USD/m2 trong vòng 50 năm để "nhà đầu tư khỏi trả thêm tiền thuê đất" là trái quy định của Chính phủ.


Trong vụ việc này, ông Nguyễn Hữu Chí - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang lúc đó, đã ký văn bản hứa thu tiền 1USD/m2/50 năm với nhà đầu tư Trung Quốc trước khi Chính phủ đồng ý gần 3 tháng. UBND tỉnh bàn giao đất cho nhà đầu tư trước khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý gần 5 tháng!


Theo tìm hiểu của chúng tôi, nếu ngày từ đầu UBND tỉnh định mức bồi thường và hỗ trợ cho dân sát với giá thực tế thì tình hình không kéo nhùng nhằng cho tới ngày nay. Đem câu hỏi vì sao tỉnh Tiền Giang lại định ra một cái giá bất lợi cho dân, có lợi cho nhà đầu tư và gây thiệt hại ngân sách, những người có trách nhiệm ở Tiền Giang không thể trả lời.


Theo ông Trần Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở Tài chính, phương án hỗ trợ, bồi thường cho dân trong dự án này thực hiện theo Quyết định 537 ngày 26.2.2008 của UBND tỉnh (Quyết định thành lập KCN Long Giang có từ năm 2007!).


Theo ông Hùng, với mức hỗ trợ 181 triệu đồng/ha, người dân ra ngoài có thể... mua được hơn 2ha! (Theo khung giá của UBND tỉnh, đất mà người dân bị thu hồi tại vị trí này có giá 500 triệu đồng/ha - PV). Hiện nay, dân vẫn tiếp tục khiếu nại nên UBND tỉnh đã xin Chính phủ cho xuất ngân sách 54 tỷ đồng, bồi thường thêm cho dân. “Chúng tôi đã hứa với dân nhưng Chính phủ chưa chi nên chưa thể đưa tiền cho dân được” - ông Hùng nói.


Té nước theo mưa


Gần 4 năm qua, người dân liên tục yêu cầu bồi thường và hỗ trợ thỏa đáng để họ ổn định cuộc sống. Nhiều người cầm cố tài sản để làm chi phí đội đơn ra Hà Nội cầu cứu ở cấp cao hơn. Theo người dân, sau khi thu hồi được 540ha đất để giao cho KCN Long Giang, UBND tỉnh tiếp tục "tát nước theo mưa" khi tiếp tục ra Quyết định 1203 thu hồi thêm 134ha đất đối diện KCN để "sắp xếp lại tuyến dân cư".


Ông Huỳnh Văn Huệ bức xúc: "Đất trong dự án KCN, tỉnh bồi thường hỗ trợ theo Quyết định 557. Riêng 134ha này nằm ngoài dự án, UBND tỉnh cũng tiếp tục áp dụng Quyết định 557 để làm phương án đền bù là o ép nông dân".


Theo các nông dân, nhiều năm về trước họ về khu vực này sinh sống theo diện di dân xây dựng vùng kinh tế mới. "Tôi nhập hộ khẩu về đây từ năm 2000, nhận khoán hơn 3ha, trong đó có 1.200m2 là đất ở. Lẽ ra khi thu hồi tỉnh phải tính đến phương án bồi thường và tái định cư thì phần đất ở này bị gộp chung vào đất nhận khoán để không bồi thường. Tỉnh làm kiểu này thiệt cho chúng tôi quá" - ông Phạm Văn Thành nói.


"Hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân nhận khoán đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp có nguồn sống chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp; mức hỗ trợ bằng tiền cao nhất bằng giá đất bồi thường tính theo diện tích đất thực tế thu hồi, nhưng không vượt hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương; UBND cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ cụ thể cho phù hợp với thực tế tại địa phương". (Trích điểm 5a Điều 10 Nghị định 197 về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất).
Theo Hữu Danh (Dân Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.