Gần đây, một số cảng biển đã được nhượng quyền khai thác cho tư nhân
Vậy vấn đề đặt ra là Nhà nước sẽ bán/chuyển nhượng các dự án này dưới hình thức nào, theo cơ chế nào để đảm bảo sự minh bạch, rõ ràng, không gây thất thoát tài sản, đồng thời vẫn đảm bảo quyền quản lý của Nhà nước đối với các vấn đề an ninh quốc gia và lợi ích xã hội?
Nhiều chuyên gia cho rằng, trên thực tế, việc bán/chuyển nhượng cơ sở hạ tầng do Nhà nước đầu tư xây dựng và tài sản gắn liền với quyền khai thác thực chất cũng chính là quá trình xã hội hóa, cổ phần hóa và xét về bản chất cũng chính là tư nhân hóa toàn bộ hoặc một phần tài sản của Nhà nước. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng cơ sở hạ tầng công về cơ bản vẫn có điểm khác ở chỗ hạ tầng công được xây dựng từ nguồn thuế của người dân và toàn xã hội, do Nhà nước đầu tư xây dựng với mục đích phục vụ lợi ích xã hội và quốc gia, chứ không phải vì lợi nhuận.
Mặt khác, chi phí đầu tư cũng như chi phí cố định của hạ tầng công rất lớn, trong khi lợi ích thu về từ việc vận hành lại kéo dài trong nhiều năm.
Khi Nhà nước đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước chủ yếu để phục vụ lợi ích xã hội và quốc gia nên không quá chú trọng việc thu hồi vốn trong một thời hạn nhất định, do đó nếu Nhà nước không đầu tư xây dựng thì hầu như không một nhà đầu tư nào sẵn sàng chấp nhận đầu tư, xã hội sẽ thiếu cơ sở hạ tầng để phát triển, người dân không có cơ hội được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ hạ tầng công ở mức giá hợp lý.
Bởi vậy, việc chuyển nhượng cơ sở hạ tầng công trước hết cần được cân nhắc một cách hết sức cẩn trọng giữa lợi ích xã hội và thậm chí là an ninh quốc gia với các mục đích khác. Vì vậy, càng không thể áp dụng theo cơ chế “mua đứt bán đoạn” như các hình thức chuyển nhượng thông thường hoặc trong bán vốn, thoái vốn nhà nước trong quá trình cổ phần hóa DNNN thông thường hiện nay.
“Nếu là bán thực sự thì có nghĩa là sẽ chuyển đổi hoàn toàn quyền sở hữu của Nhà nước đối với các tài sản công đó sang quyền sở hữu của chủ thể khác và như vậy cũng đồng nghĩa sẽ mất quyền quyết định đối với tài sản đó, cũng như mất đi vai trò và quyền quản lý cao nhất đối với các hạ tầng công. Điều này là khó có thể chấp nhận bởi hạ tầng công được đầu tư xây dựng chủ yếu vì mục đích xã hội, an ninh quốc gia”, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phân tích. Với ý nghĩa đó, ông Thiên cho rằng, chỉ nên “bán” thông qua việc nhượng lại quyền khai thác hạ tầng đã có sẵn trong một thời gian nhất định, chứ không phải là bán hoàn toàn quyền sở hữu.
Đồng tình quan điểm này, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, với những đặc thù như vậy, trong điều kiện hiện nay, việc bán cơ sở hạ tầng do Nhà nước đầu tư xây dựng và tài sản gắn liền với quyền khai thác chủ yếu chỉ có thể diễn ra dưới hình thức chuyển nhượng quyền khai thác hoặc cho thuê lại cơ sở hạ tầng để tư nhân khai thác trong một thời hạn nhất định, thường có thể từ 20 - 30 năm, hoặc thông qua cơ chế phát hành trái phiếu được bảo đảm bằng nguồn thu phí sử dụng hạ tầng.
Trên thực tế, thời gian gần đây đã có một số dự án đường cao tốc, cảng biển đã và đang được chuyển nhượng theo hình thức này, nhằm mục đích huy động thêm nguồn lực từ khu vực tư nhân để tiếp tục đầu tư vào các công trình hạ tầng khác, đặc biệt là đối với các dự án đường cao tốc, sân bay, cảng biển.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, với mục đích này thì chủ trương xã hội hóa hạ tầng công là điều hoàn toàn có thể chấp nhận được và phù hợp với xu thế phát triển, vừa huy động được nguồn lực cả về vốn lẫn hiệu quả quản lý mà khu vực tư nhân đem lại, mặt khác vừa giải quyết được bài toán vốn rất lớn cho đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng khác.
Tuy nhiên, ông Doanh nhấn mạnh, vấn đề then chốt là cần có một khung pháp lý hoàn thiện và chuẩn mực để đảm bảo việc xã hội hóa cơ sở hạ tầng đúng mục đích, minh bạch, đảm bảo không gây thất thoát tài sản của Nhà nước, tránh tham nhũng và giữ gìn chất lượng các công trình.
“Tôi cho rằng, đã đến lúc cần xây dựng một bộ luật riêng về cổ phần hóa, trong đó bao gồm cả quá trình cổ phần hóa, bán lại và chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng các cơ sở hạ tầng của Nhà nước, đặc biệt là đối với các công trình lớn như đường giao thông, sân bay, cảng biển… để có cơ sở pháp lý cho triển khai hoạt động này. Đây là vấn đề lớn ở tầm cấp quốc gia nên không thể giao riêng cho một bộ chủ quản nào đó và càng không thể để cho DN được giao làm chủ đầu tư tự thực hiện, kể cả là DNNN, mà bắt buộc phải có tiếng nói và vai trò giám sát của Quốc hội. Việc xây dựng và ban hành được luật sẽ tạo cơ sở để Quốc hội và toàn dân giám sát được vấn đề này”, ông Doanh khuyến cáo.