13/01/2013 9:06 PM
Năm 2013, phải tăng cường kiểm tra giám sát chất lượng các công trình ngay từ đầu để tránh thất thoát, lãng phí. Đó là thông điệp mạnh mẽ được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đưa ra tại cuộc làm việc với 19 hội, hiệp hội nghề nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực quản lý nhà nước về xây dựng, nhằm tìm kiếm những giải pháp nâng cao vai trò các hội trong sự phát triển của ngành xây dựng vừa được tổ chức mới đây.

Giá trị tăng thêm của ngành Xây dựng năm 2012 ước đạt 179.301 tỷ đồng, tăng 10,3% so với 2011. Ảnh: Hoàng Long

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, "Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã và đang đi vào cuộc sống. Việc phát triển nhà ở không chỉ theo cơ chế thị trường mà Nhà nước có trách nhiệm can thiệp, hoặc hỗ trợ để người dân có nhà ở, đặc biệt là những đối tượng thu nhập thấp không có điều kiện mua nhà theo cơ chế thị trường.
Năm 2012, ngành xây dựng (XD) phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng do ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế, các nguồn lực đầu tư tiếp tục giảm mạnh, thị trường trong nước và xuất khẩu thu hẹp, lượng hàng tồn kho cao, nợ đọng trong xây dựng cơ bản (XDCB) tăng, thị trường bất động sản (BĐS) chưa có khả năng phục hồi, các doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn... Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng "đóng băng” của thị trường BĐS, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng chỉ ra một nguyên nhân khá căn bản là sự phát triển mang tính tự phát, "phong trào” của thị trường này. Bắt mạch để đưa ra các giải pháp chữa bệnh cho BĐS, trong đó tư tưởng chủ đạo là thị trường BĐS phải gắn với thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, mà trọng tâm là đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định.
Nhìn nhận của Bộ XD, khó khăn của năm 2012 cũng là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực hoạt động XD nhìn nhận lại những thiếu sót, yếu kém còn tồn tại, rút ra những bài học, kinh nghiệm trong quản lý. Từ đó, ngành XD sẽ thay đổi căn bản trong cách tiếp cận, đổi mới tư duy về quản lý, nhằm tạo ra những bước đột phá trong việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư XD, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường trong giai đoạn trước mắt, đồng thời thực hiện tốt các mục tiêu chiến lược phát triển trung hạn và dài hạn...
Một điểm đáng chú ý, theo người đứng đầu ngành XD thì năm 2013 sẽ tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát trong đầu tư XD, nhất là các dự án có vốn ngân sách Nhà nước, nâng cao hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình; tập trung đổi mới nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kiểm soát chặt các dự án phát triển đô thị... Bộ XD đã trình Chính phủ nghị định về quản lý chất lượng công trình XD thay thế Nghị định 209/2004/NĐ-CP, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý XD chuyên ngành trong kiểm tra, kiểm soát chất lượng công trình, nhất là đối với các công trình sử dụng vốn ngân sách. Đặc biệt, các công trình XD có quy mô lớn sẽ chuyển từ "hậu kiểm” sang "tiền kiểm” ngay từ khâu thiết kế, nhằm hạn chế các vi phạm dẫn đến thất thoát, lãng phí, ảnh hưởng đến chất lượng công trình; đồng thời xác định rõ vai trò, trách nhiệm và nâng cao năng lực của các chủ thể tham gia quản lý, thực hiện đầu tư xây dựng, đặc biệt là chủ đầu tư dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Theo PGS.TS Vũ Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), Luật Đấu thầu năm 2005 và Nghị định 85 đang tồn tại rất nhiều vấn đề gây bức xúc cho các nhà thầu, đặc biệt về ưu đãi nhà thầu trong nước, chỉ định thầu tràn lan không đúng luật làm mất tính cạnh tranh, giá gói thầu thấp, không đúng, nợ đọng trong xây dựng... dẫn đến chất lượng nhiều công trình XD thời gian qua không đạt yêu cầu, vừa làm xong đã hỏng, xuống cấp dẫn đến lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước. "Để xây dựng nền nếp đánh giá đúng năng lực nhà thầu trong hoạt động xây dựng nhằm nâng cao chất lượng công trình XD, cần phải xây dựng ngay một tài liệu "Thông tin về Năng lực nhà thầu XD Việt Nam” làm cơ sở lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng”, ông Khoa đề nghị.
Đồng quan điểm với ông Khoa, PGS.TS Đỗ Hậu - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác quản lý đô thị, Bộ Xây dựng cần đề xuất Quốc hội về việc nghiên cứu soạn thảo và ban hành Luật Đô thị, trong đó tùy theo chức năng chuyên ngành của mỗi bộ chịu trách nhiệm soạn thảo về lĩnh vực của mình, tránh tình trạng khi áp dụng luật không đúng chức năng soạn thảo nên không sâu, không thực tế và khó khả thi.
Theo Lê Anh Đức (ĐĐK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.