Sau khi có thông tin bộ Tài chính đang xem xét mức thuế suất áp dụng đối với các trường hợp biệt thự bỏ hoang, mức thuế này có thể lên đến 10%... nhiều chủ đầu tư nhà ở, các chuyên gia, luật gia đã lên tiếng đề nghị xem lại vì cho rằng quy định trên không căn cơ và bất hợp lý. Không ít người ví việc đánh thuế trên cũng giống như chính sách mỗi người chỉ được đứng tên một xe gắn máy như trước đây đã từng làm.
Đánh thuế vài trăm biệt thự có chống được đầu cơ?

Ông Hoàng Anh Tuấn, tổng giám đốc công ty Tấc Đất Tấc Vàng cho rằng, mục đích của bộ Tài chính trong việc tính thuế với biệt thự, nhà ở bỏ hoang là nhằm hạn chế sự lãng phí về nhà, chống sự đầu cơ bất động sản. Tuy nhiên, nguồn lõi sâu xa của việc đầu cơ, sự lãng phí là do những bất cập về chính sách quản lý nhà ở, quản lý thị trường bất động sản của Nhà nước chứ không phải là do vài trăm căn biệt thự này. Cụ thể, khi có lệnh cấm phân lô bán nền, các doanh nghiệp buộc phải xây dựng nhà thô để bán. Việc người dân mua căn nhà để ở, cho thuê, bán lại hoặc để không là quyền của họ – quyền sử dụng và định đoạt tài sản. Không thể dùng một mệnh lệnh hành chính để ép người dân phải sử dụng tài sản thế này hay thế kia.

Ông Hà, chủ một căn biệt thự trong dự án Mỹ Phước (Bình Dương) cho biết, ông rất ngạc nhiên khi biết thông tin có ý định đánh thuế những căn biệt thự không sử dụng. Ông cho biết, bất cứ một người dân nào bỏ tiền ra mua một căn nhà cũng đều mong muốn căn nhà ấy sẽ sinh lời hoặc phục vụ được mục đích của mình. Tuy nhiên, khi gặp thị trường không thuận lợi, căn nhà ấy không cho thuê được, không bán được, ở không được... Tức là, người dân đã rất bị thiệt khi đành đứng nhìn một khối tài sản kếch sù của mình phơi nắng dầm sương. Nay nếu phải chịu thuế hoặc đóng phạt vì căn nhà không được sử dụng thì quá bất hợp lý.

Chủ sở hữu bị tước quyền

Trả lời báo Sài Gòn Tiếp Thị, ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng việc dùng chính sách thuế để chống đầu cơ, chống lãng phí tài sản nhà đất là một việc làm cần thiết. Tuy nhiên, tất cả các chính sách ấy đều phải có lộ trình, thời gian để các nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư thứ cấp chuẩn bị và thích ứng.

Về khía cạnh luật pháp, luật sư Trần Đức Phương, đoàn luật sư TP.HCM, nhận xét, đề xuất của bộ Tài chính không dễ thực hiện, việc đưa ra một loại thuế mới cần được xem xét và nghiên cứu kỹ, và phải tính đến các mặt khác như lợi ích kinh tế xã hội, hiệu quả cơ chế thực thi pháp luật… Theo các quy định của pháp luật, khi Nhà nước giao đất nhưng chủ đầu tư không quản lý tốt nhà, đất dẫn đến bỏ hoang thì có thể bị Nhà nước thu hồi và không bồi thường hoặc bị phạt hành chính. Đối với dự án nhà ở thương mại nếu chủ đầu tư mới chỉ thực hiện đầu tư được một phần thì cơ quan nhà nước sẽ tiến hành thu hồi toàn bộ các phần hay lô chưa đầu tư đúng tiến độ, sau đó đưa ra đấu giá phần giá trị quyền sử dụng đất và phần tài sản gắn liền với đất đã đầu tư, số tiền thu được sẽ trả cho chủ đầu tư sau khi trừ các chi phí liên quan.

Sao không theo cách cũ?

Theo ông Phùng Thanh Sơn, một người am hiểu về thị trường bất động sản, thay vì làm một công việc rất tốn kém là phải xác định được tiêu chí căn nhà ấy thế nào là bỏ hoang, thời gian bỏ hoang... tại sao không áp dụng chính sách đánh thuế căn nhà thứ hai trở đi như đã từng làm. Đơn giản chỉ bổ sung: nếu đứng căn nhà thứ ba thì thuế sẽ cao hơn căn nhà thứ hai và cứ thế luỹ tiến lên. Cách tính này sẽ có nhiều ưu tiên cho những người sử dụng căn nhà cấp 4 vì họ chắc chắn là những người nghèo. Thuế sẽ dần tăng lên đối với những người sử dụng căn nhà có giá trị hơn.

Khác với các trường hợp trên, với tài sản là nhà ở của công dân, dù là biệt thự hay nhà cấp ba, cấp bốn, dân vẫn là chủ sở hữu. Theo Hiến pháp, người chủ lúc nào cũng có ba quyền căn bản là chiếm hữu, sử dụng, định đoạt. Do vậy, người chủ có quyền tự sử dụng, tặng cho, cho thuê hay không sử dụng… miễn là không làm ảnh hưởng đến môi trường, lợi ích hợp pháp của người khác… Khi đó, việc bắt buộc người chủ có nhà biệt thự phải khai thác, sử dụng, không được bỏ hoang là sự cưỡng bức hành chính không có cơ sở pháp luật.

Ông Phương kết luận, đề xuất của bộ Tài chính là thiếu khoa học và khó khả thi. Nên chăng, cần xem xét việc thi hành các quy định pháp luật của chính các cơ quan nhà nước liên quan đến vấn đề này đã thực hiện hết trách nhiệm hay chưa?

Theo V.Nguyên (SGTT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0