250ha rừng phòng hộ hàng nghìn năm tuổi ở ven biển thôn Phú Hải 2, xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) sắp bị tận diệt để dành đất cho Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf Lăng Cô.

“Họa” từ đại dự án du lịch


Ông Hắc Xuân Thi - cán bộ Mặt trận thôn Phú Hải 2 cho biết, từ khi Công ty CP Đầu tư phát triển Phong Phú Lăng Cô được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp phép đầu tư Khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf Lăng Cô trên địa bàn thôn, người trong thôn hết sức lo lắng. Bởi lẽ, đại dự án này không chỉ khiến đời sống của người dân đảo lộn vì mất đất sản xuất, mà còn xóa sổ 250ha rừng phòng hộ ven biển bao đời nay che chắn, bảo vệ làng mạc.


Thừa Thiên - Huế: Sân golf “nuốt” rừng phòng hộ
Việc khai tử một diện tích lớn rừng dẻ phòng hộ để xây dựng khu nghỉ dưỡng, sân golf sẽ gây hậu quả khôn lường.

Theo ông Thi, rừng phòng hộ này là rừng dẻ gốc đã hàng nghìn năm tuổi, trải dài trên nhiều km bờ biển của thôn. Trong thời kỳ chống Mỹ, khu rừng này là căn cứ địa cách mạng, giúp bộ đội và người dân lập nên nhiều chiến công hiển hách. Đặc biệt, nhờ diện tích rừng này mà đời sống và sản xuất của người dân địa phương bao đời nay được bảo vệ an toàn khỏi bão, nạn cát bay, cát nhảy.


“Năm 2002, diện tích rừng này được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế giao cho cộng đồng dân cư của thôn quản lý, bà con rất phấn khởi và ra sức bảo vệ nghiêm ngặt. Vậy mà không hiểu sao tỉnh lại cho phép tận diệt rừng để làm khu nghỉ dưỡng, sân golf”- ông Thi nói.


Nhiều người dân khác ở thôn Phú Hải 2 khẳng định việc xóa sổ diện tích rừng phòng hộ này sẽ gây ra hậu quả nặng nề. Vì khi diện tích rừng này bị xóa sổ, vào mùa mưa bão, nhà cửa của người dân ở nhiều thôn sẽ bị san phẳng và vùi lấp trong cát biển. Mặt khác, khi không còn rừng phòng hộ, gió sẽ mang nước mặn từ biển vào khiến cây cối, hoa màu không thể sinh trưởng và phát triển được.


Thực tế này từng xảy ra tại nhiều địa phương ở Thừa Thiên - Huế, sau khi rừng phòng hộ ven biển bị khai tử. “Việc phá rừng phòng hộ để làm khu nghỉ dưỡng, sân golf là không thể chấp nhận được, vì tai họa sẽ nhiều hơn cái lợi”- một người dân bức xúc.


Xã muốn phản đối cũng chịu!


Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Kim Sinh - cán bộ địa chính xã Lộc Vĩnh - cho biết, 250ha rừng dẻ phòng hộ ven biển thôn Phú Hải 2 là tài sản vô giá đối với địa phương. Theo ông Sinh, việc mất diện tích rừng này sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường sống và hoạt động sản xuất của người dân.


Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf Lăng Cô có tổng diện tích hơn 300ha đất, trong đó 250ha là rừng dẻ phòng hộ ven biển. Diện tích này sẽ được sử dụng để xây dựng sân golf 27 lỗ, các công trình resort, khách sạn, biệt thự, phố ẩm thực, công viên... Giai đoạn 1 của dự án dự kiến sẽ triển khai xây dựng trong năm nay.

“Nhưng xã muốn phản đối cũng chịu vì đất ở đây thuộc Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô quản lý. Trên đã quy hoạch thì mình phải chấp nhận thôi, vì có nói cũng không ai nghe”- ông Sinh cho hay.


Theo một số chuyên gia môi trường, để trồng được 250ha rừng dẻ phòng hộ vững chắc như ở thôn Phú Hải 2, phải cần một thời gian dài với kinh phí lên đến hàng trăm tỷ đồng. Trong khi đó, nhiều năm qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chi những khoản kinh phí lớn để trồng rừng phòng hộ và xây dựng các hệ thống đê bao ven biển nhằm chống xâm thực, nhưng hiệu quả mang lại không đáng kể.


Vì vậy, việc tỉnh này cho phép tận diệt một diện tích lớn rừng phòng hộ để dành đất cho khu nghỉ dưỡng, sân golf vốn chỉ phục vụ cho thiểu số giàu có là sự đánh đổi sai lầm. Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Theo An Sơn (Dân Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.