Kiềm chế lạm phát, giảm dần lãi suất, chấn chỉnh hoạt động đầu tư ra ngoài ngành của doanh nghiệp Nhà nước... là những vấn đề này được Chính phủ nhấn mạnh trong Nghị quyết phiên họp tháng 9.
hủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 9, diễn ra trong hai ngày 25 và 26/9, với các nội dung quan trọng liên quan đến lãi suất, giá cả, đầu tư ra ngoài ngành và kiềm chế lạm phát...

Chính phủ nhận định trong nhiều năm qua, lạm phát ở Việt Nam tăng cao và kéo dài do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc bị tác động của kinh tế thế giới khi độ mở của nền kinh tế Việt Nam cao hơn nhiều nước. Tuy nhiên, những nguyên nhân nội tại của nền kinh tế vẫn là chủ yếu, như chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa nới lỏng kéo dài, tăng dư nợ tín dụng, thâm hụt ngân sách liên tục ở mức cao; cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư chưa hợp lý, năng suất lao động và hiệu quả đầu tư thấp...


Thủ tướng yêu cầu các tập đoàn không đầu tư ngoài ngành
Phiên họp Chính phủ tháng 9. Ảnh: chinhphu.vn

Để xử lý căn bản tình trạng này, Chính phủ cần áp dụng cả những giải pháp trước mắt và lâu dài. Trước hết là tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ - tài khóa chặt chẽ; nâng cao hiệu quả đầu tư; đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt nhập khẩu để giảm nhập siêu; nâng cao hiệu quả sản xuất, nhất là nông nghiệp; ổn định tâm lý và cải thiện niềm tin của người dân đối với chính sách kinh tế vĩ mô.


Về lâu dài, cần tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, nâng cao năng suất lao động, tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế; tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó tập trung tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và hệ thống tài chính - ngân hàng; tập trung nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh; phát triển đồng bộ, nâmg cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các thị trường; đồng thời kiểm soát lạm phát có mục tiêu và làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền.


Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, hiệu quả, phù hợp theo tín hiệu thị trường. Trên cơ sở kết quả kiềm chế lạm phát, từng bước giảm dần lãi suất tín dụng, bảo đảm hỗ trợ dòng vốn cho các nhu cầu thiết yếu trong sản xuất, kinh doanh, trước hết là nông nghiệp, nông thôn, ngành điện, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tín dụng xuất khẩu. Đồng thời điều hành tăng trưởng tín dụng khoảng 15-17%, tổng phương tiện thanh toán khoảng 12%.


Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu xây dựng phương án cân đối ngoại tệ và điều hành tỷ giá trong quý IV/2011 và quý I/2012. Tiếp tục duy trì và phát huy kết quả đạt được trong quản lý ngoại tệ và vàng trong thời gian qua; sớm nghiên cứu ban hành chính sách để huy động ngoại tệ và vàng đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.


Thủ tướng yêu cầu các tập đoàn không đầu tư ngoài ngành
8 tháng đầu năm, Tập đoàn Điện lực VN đầu tư ra ngoài ngành khoảng 2.100 tỷ đồng.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tập trung vốn đầu tư vào các ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính, không để đầu tư ngoài ngành, nhất là các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, bất động sản, chứng khoán. Đối với các tập đoàn, tổng công ty trước đây đã đầu tư vào các lĩnh vực này phải sớm có kế hoạch thoái vốn, tiến tới chấm dứt kinh doanh.


Các bộ quản lý ngành có phương án xử lý kiên quyết, dứt điểm đối với các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài; đề xuất mô hình quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phù hợp theo hướng tinh gọn, hiệu quả.


Trước đó, hồi đầu tháng 9, Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương cũng có bản báo cáo liên quan đến tình trạng đầu tư ra ngoài ngành vẫn tiếp diễn ở các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Cụ thể, trong số 31 doanh nghiệp và ngân hàng nằm trong diện khảo sát, có tới 21 đơn vị vẫn đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chủ chốt theo chức năng nhiệm vụ của mình. Tổng số vốn đầu tư ra bên ngoài tính trong 8 tháng đầu năm nay lên tới 22.590 tỷ đồng.


Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng góp mặt trong danh sách những doanh nghiệp đầu tư ra ngoài ngành với 2,8% vốn điều lệ, tương đương với 2.100 tỷ đồng


Lĩnh vực đầu tư "rủi ro" như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm vẫn là danh mục được các "quả đấm thép" đổ nhiều vốn hơn cả. Trong đó, 13 doanh nghiệp, tập đoàn nằm trong diện kiểm tra đã dốc tới 10.700 tỷ đồng cho các danh mục kể trên. Trong đó, đứng vị trí đầu vẫn là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN với 5.636 tỷ đồng.

Theo Hồng Anh (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.