THỰC HIỆN TỐT 3 KHÂU ĐỘT PHÁ CHIẾN LƯỢC MÀ ĐẠI HỘI ĐẢNG TOÀN QUỐC LẦN THỨ XI ĐỀ RA
LÀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA CHÍNH PHỦ NHIỆM KỲ 2011 - 2016
Nguyễn Tấn Dũng
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ
Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 với mục tiêu tổng quát là "Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau".
Chiến lược đề ra 5 quan điểm, 12 định hướng phát triển, hình thành một hệ thống đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp lớn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... như một chỉnh thể thống nhất, bảo đảm phát triển bền vững. Để tạo tiền đề thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ này, Chiến lược xác định phải đột phá vào ba khâu yếu, hiện đang là những điểm nghẽn, cản trở sự phát triển và nếu giải quyết tốt các khâu này sẽ tạo xung lực mới có sức lan toả mạnh, giải phóng mọi tiềm năng, khai thác có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững.
I
Xác định đúng các đột phá chiến lược - bài học từ tiến trình đổi mới
Vào cuối những năm 70, đầu những năm
80 của thế kỷ trước, đất nước ta đứng trước mâu thuẫn lớn giữa tiềm
năng và yêu cầu phát triển với thực trạng khủng hoảng kinh tế xã hội
kéo dài, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, các ngành sản xuất trì
trệ. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã đề ra đường lối đổi mới,
trong đó quan trọng nhất là đổi mới tư duy mà trước hết là tư duy kinh
tế. Trên nền tảng đổi mới tư duy kinh tế, chúng ta đã xóa bỏ cơ chế kế
hoạch hóa tập trung, doanh nghiệp nhà nước và hợp tác xã độc quyền kinh
doanh theo kiểu bao cấp, chuyển sang vận hành cơ chế kinh tế thị trường
với các doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở
hữu khác nhau tham gia kinh doanh. Nhờ đó, kinh tế phát triển sống
động, đạt tốc độ tăng trưởng cao, đời sống nhân dân từng bước được cải
thiện. Sự chuyển đổi cơ chế nêu trên đã giải quyết được mâu thuẫn trong
sự phát triển của đất nước và thực sự là một đột phá chiến lược. Từ đột
phá có tính mở đường này, chúng ta đã thực hiện thành công Chiến lược
ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000, đưa đất nước thoát
ra khỏi khủng hoảng, tạo đà cho bước phát triển mới, cao hơn.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Nhất định chúng ta sẽ thực hiện tốt ba đột phá chiến lược, tạo tiền đề có tính quyết định thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển KT-XH 2011 - 2020 - Ảnh Chinhphu.vn/Nhật Bắc |
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX
thông qua chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2001 - 2010
với ba khâu đột phá: (i) Xây dựng đồng bộ thể chế kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa mà trọng tâm là đổi mới cơ chế, chính sách
nhằm giải phóng triệt để lực lượng sản xuất, mở rộng thị trường trong
và ngoài nước; (ii) Tạo bước chuyển mạnh về phát triển nguồn nhân lực,
trọng tâm là giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; (iii) Đổi mới
tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, trọng
tâm là cải cách hành chính, xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững
mạnh.
Sau 10 năm triển khai thực hiện, chúng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng. Đất nước thoát khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Thể chế kinh tế thị trường cơ bản được hình thành, các loại thị trường từng bước phát triển thống nhất trong cả nước, gắn kết ngày càng tốt hơn với thị trường thế giới. Quy mô giáo dục và đào tạo tăng nhanh, chất lượng nguồn nhân lực có bước cải thiện đáng kể. Cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính được triển khai mạnh mẽ và đạt được những kết quả tích cực, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, thực hiện các giao dịch.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, cũng còn các hạn chế, yếu kém, đặc biệt là việc tổ chức hiện các khâu đột phá vẫn thiên về hướng tiệm tiến, chưa thực sự quyết liệt và thiếu đồng bộ, sức sản xuất chưa được giải phóng triệt để. Những hạn chế, yếu kém này đang cản trở sự phát triển và để đất nước phát triển nhanh, bền vững, cần phải tập trung sức giải quyết, tháo gỡ. Chính vì vậy, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 xác định ba khâu đột phá, gồm: (i) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; (ii) Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản nền giáo dục quốc dân, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; và, (iii) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.
II
Tập trung giải quyết các đột phá chiến lược, tạo tiền đề tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng - Nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ 2011 - 2016
1. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính
Yêu cầu cơ bản để thể chế kinh tế thị trường phát huy hết mặt tích cực của nó là các yếu tố của kinh tế thị trường hình thành đầy đủ, các loại thị trường phát triển đồng bộ với độ minh bạch cao, được quản lý và giám sát tốt; nhờ đó, thị trường xác lập sự cân bằng động trong phân bố nguồn lực vào các ngành sản xuất và dịch vụ theo tín hiệu thị trường, bảo đảm hiệu quả kinh tế. Thiếu các điều kiện này, thị trường không thể cho tín hiệu đúng, các nguồn lực không thể dịch chuyển thuận lợi và do đó, các chủ thể kinh doanh không thể phát huy được tiềm năng và nền kinh tế không đạt được hiệu quả. Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020 xác định : Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ và hiện đại là tiền đề quan trọng để thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.
Một tiêu chí quan trọng đo lường sự phát triển của thể chế kinh tế thị trường là mức độ cạnh tranh trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Cạnh tranh làm bộc lộ khả năng của các chủ thể kinh tế. Trong môi trường cạnh tranh, các doanh nghiệp tham gia thị trường buộc phải phát huy lợi thế so sánh, chuyển lợi thế so sánh thành lợi thế cạnh tranh; đồng thời, luôn tìm cách tạo lập lợi thế cạnh tranh mới nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, mở rộng thị trường, phát triển sản xuất kinh doanh. Đây chính là triết lý tăng trưởng mới - Tăng trưởng dựa trên sức cạnh tranh.
|
Cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia, trong đó có cải cách thủ tục hành chính là một trong những nhiệm vụ của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 |
Nhiệm vụ đặt ra trong nhiệm kỳ 2011 -
2016 là phải tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách để các loại thị
trường hàng hóa, dịch vụ, tài chính, chứng khoán, bất động sản, lao
động, khoa học công nghệ được tạo lập đồng bộ và vận hành thông suốt,
có tính cạnh tranh cao và gắn kết ngày càng tốt hơn với thị trường thế
giới, được quản lý và giám sát hiệu quả. Quá trình tạo lập đồng bộ thể
chế kinh tế thị trường theo yêu cầu trên đây phải gắn liền với việc hạn
chế tối đa độc quyền kinh doanh trên các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ,
tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Đây là hai mặt của một quá trình không thể tách rời. Phải xác
định rõ những ngành nghề mà tính độc quyền còn cao để có chính sách và
giải pháp phù hợp, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia kinh
doanh. Đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước, đặt doanh nghiệp nhà
nước vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế
khác, loại bỏ các hình thức ưu đãi và bao cấp còn tồn tại trên thực tế;
minh bạch hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo các tiêu chí của
doanh nghiệp đăng ký trên thị trường chứng khoán. Đổi mới cơ chế thực
hiện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước theo hướng
cơ quan hoạch định chính sách không đồng thời thực hiện chức năng chủ
sở hữu doanh nghiệp.
Trong điều kiện các quan hệ kinh tế
đã có sự thay đổi cơ bản, toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, các quan hệ
kinh tế ngày càng phức tạp và thay đổi khó lường, độ rủi ro và tính bất
định tăng lên, không thể thực hiện có hiệu quả các yêu cầu trên đây nếu
không xây dựng được một hệ thống thể chế chất lượng cao. Muốn vậy, phải
cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia trên tất cả các nội dung: thể
chế, tổ chức bộ máy, thủ tục hành chính và tài chính công gắn với một
hệ thống phân cấp hợp lý, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng quản trị
công - một trong những điểm yếu trong quản lý ở nước ta. Phải nâng cao
tính minh bạch và khả năng dự đoán của chính sách để vừa giảm thiểu sự
bất định, độ rủi ro đối với nhà đầu tư, vừa tránh đầu cơ, ngăn chặn
tham nhũng và giảm các chi phí giao dịch cho doanh nghiệp. Tăng cường
sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào quá trình xây dựng chính
sách và thể chế; đề cao vai trò phản biện xã hội và trách nhiệm giải
trình của các cơ quan quản lý trong việc hoạch định chính sách và đánh
giá hiệu quả thực thi.
Cần thay đổi tư duy và cách tiếp cận khi xác định vai trò của nhà nước và mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường. Phải chuyển mạnh từ nhà nước điều hành nền kinh tế sang nhà nước kiến tạo phát triển. Trong nhà nước kiến tạo phát triển, chức năng của nhà nước là xây dựng quy hoạch phát triển theo một chiến lược công nghiệp hóa hiện đại hóa đúng đắn; tạo môi trường và điều kiện cho các thành phần kinh tế phát huy mọi tiềm năng trong môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế; tăng cường giám sát để phát hiện các mất cân đối có thể xảy ra, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an toàn hệ thống. Chính vì vậy, Đại hội Đảng lần thứ XI xác định tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính là trọng tâm trong khâu đột phá về thể chế.
Trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường phải đặc biệt quan tâm đến bản chất xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế mà chúng ta xây dựng. Cần có sự nhận thức đúng rằng thị trường hoạt động theo quy luật của nó, thị trường có những mặt tiêu cực và tự nó không bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của sự phát triển. Chức năng này phải là của Nhà nước. Nhà nước bằng quy hoạch, kế hoạch, các chính sách và công cụ điều tiết, hướng các nguồn lực vào các ngành, lĩnh vực và các vùng miền, bảo đảm tăng trưởng kinh tế gắn liền với xóa đói giảm nghèo, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế. Trong 5 năm tới, phải đầu tư cao hơn cho nông nghiệp nông thôn, triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, coi trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, làm cho văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, một động lực để phát triển kinh tế. Tập trung hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi xã hội ngày càng rộng mở và hiệu quả, hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương trong nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế, bảo đảm mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả của tăng trưởng.