Đặc điểm của thị trường BĐS Việt Nam là tính công khai minh bạch không rõ ràng. Nhà nước điều hành thị trường vẫn theo cảm tính; chưa có căn cứ, thước đo nào để nói thị trường BĐS “sốt”, “bong bóng”...

Đó là những vấn đề Thứ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Trần Nam đã trao đổi tại hội thảo “Tác động của thị trường BĐS lên thị trường tài chính Việt Nam” ngày 18.8.


Theo Thứ trưởng, hiện một trong những khiếm khuyến của thị trường BĐS đó chính là số lượng doanh nghiệp tham gia vào thị trường này rất đông, nhưng BĐS là ngành kinh doanh có điều kiện rất phức tạp liên quan đến luật pháp bởi tính pháp lý về BĐS rất cao. Liên quan đến luật đất đai là luật rất phức tạp, luật xây dựng, kinh doanh BĐS, đấu thầu. Nó cũng liên quan đến chính quyền địa phương, vì vậy nó chịu sự chi phối từ nhiều yếu tố.


 Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam: Không công khai minh bạch là điểm “khuyết” của thị trường BĐS

Thị trường không minh bạch cũng là kết quả của việc cung-cầu không cân đối. Ảnh: Nguyễn Lê


Thị trường BĐS cũng đòi hỏi nguồn vốn rất lớn và dài hạn. Bên cạnh đó, thuận lợi của thị trường này chính là có lợi thế về quan hệ với khách hàng, chủ đầu tư được huy động vốn từ khách hàng hay nói cách khác là được bán sản phẩm mặc dù sản phẩm vẫn chưa hoàn thiện.


Trên thị trường BĐS, nút gỡ ách tắc thị trường chính là yếu tố công khai minh bạch. Vậy, làm thế nào để công khai minh bạch được thị trường?


Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng, một trong những đặc điểm của thị trường BĐS Việt Nam đó chính là tính công khai minh bạch không rõ ràng. Đơn cử như vấn đề quy hoạch, trước đây quy hoạch như thế nào có ít người biết, ngay bản thân tôi là Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhưng quy hoạch Hà Nội cụ thể khu này, khu kia như thế nào tôi cũng không biết. Chỉ mới đây tôi mới được xem quy hoạch Thủ đô thể hiện bằng hình khối, mô hình sa bàn.


Hiện nay minh bạch về phía Nhà nước theo luật của Việt Nam quy định, quy hoạch phải được công bố công khai nhưng đó là quy định còn việc công khai bằng cách nào, đăng báo, làm biển hay làm mô hình trưng bày... kinh phí lấy đâu để thực hiện thì hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể điều này dẫn đến việc không công khai được.


Điểm nữa là, Nhà nước điều hành thị trường BĐS nhiều khi vẫn theo kiểu cảm tính, báo chí thì bảo thị trường “sốt”, chuyên gia bảo “bong bóng”... căn cứ vào đâu để nói như thế, thước đo ở đâu? Trên thực tế chúng ta vẫn chưa có công cụ nào kiểm soát được vấn đề này do quá thiếu thông tin. Hiện nay, hệ thống thống kê báo cáo của chúng ta có vấn đề, mặc dù bản chất của ngành thống kê là luôn có sai số.


Vấn đề quy hoạch, nhiều chuyên gia cho rằng quy hoạch phải dựa trên cung cầu, tuy nhiên thực tế hiện nay chúng ta cứ bôi ra dự án này, dự án kia, đất ở chỗ này đất ở chỗ kia nhưng cung cầu thực tế không biết cụ thể thế nào, khả năng thanh toán ra sao để đưa vào kế hoạch... cho nên quy hoạch Hà Nội vừa ban hành xong thì quỹ đất chung đã cấp gần hết rồi. Cho nên thông tin rất thiếu, chúng tôi đang cố gắng giải quyết vấn đề này để xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường BĐS. Trên cơ sở đó để xây dựng các công cụ toán học về kinh tế đưa ra những chỉ tiêu, tiêu chí đo đạc, "khám bệnh" cho thị trường.


Chỉ khi nguồn cung dồi dào thì thị trường sẽ dần nghiêng về phía người mua và lúc đó không có gì điều tiết tốt hơn là thị trường nên người mua sẽ có nhiều sự lựa chọn. Hiện, nguồn cung còn rất thiếu, nhất là đối với nhà ở trung bình và người nghèo. Vì vậy, người bán trong thời điểm hiện tại vẫn có nhiều lợi thế để át người mua hơn. Không minh bạch cũng là kết quả của việc cung cầu không cân đối, vấn đề này phải có thời gian.


“Lương Bộ trưởng cũng phải 40 năm mới đủ tiền mua nhà”

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam khẳng định: Người nghèo chẳng bao giờ mua được nhà nếu cứ làm theo cách này, giá cao và lương như hiện nay. Lương Bộ trưởng cũng phải 40 năm mới đủ tiền mua nhà.

Về phía Nhà nước làm sao phải kéo được giá nhà thấp xuống, cùng với đó phải nâng cao thu nhập của người dân lên. Nếu vẫn mức lương 2 triệu/ tháng, đặt bài toán cho ngành xây dựng là phải làm thế nào để người có mức lương đó mua được nhà là điều không thể. Bản thân tôi cũng phải đầu hàng bởi chẳng thể nào làm được.

Làm sao để người dân tiếp cận được nhà? Nói là NTNT nghĩa là người đó phải có thu nhập, ngay như bản thân một bác sĩ trưởng khoa ở một bệnh viện cũng tuyên bố, lương của họ ăn còn không đủ nói gì đến chuyện mua nhà.

NTNT Nhà nước có tác động về mặt hỗ trợ, doanh nghiệp làm NTNT là làm theo cơ chế thương mại. Nhưng Nhà nước hỗ trợ để kéo giá nhà xuống, để người dân dễ tiếp cận hơn chứ không phải để người dân mua được nhà bằng đồng lương của mình, đừng quan niệm như thế.

Hơn nữa, NTNT chế độ cho phép diện tích từ 30 – 70 m2 nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều xây từ 58-70 m2, mức tối đa. Nên phải điều chỉnh, mức độ hoàn thiện vừa phải, phù hợp với thực tế. Người nghèo đang ở 16-20 m2 nếu có nhà 30 m2 là quá ổn.

Theo Nguyễn Lê ( Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.