TP.HCM sẽ phát triển theo mô hình tập trung - đa cực. Sẽ có một khu trung tâm với bán kính 15 km gồm khu vực nội thành hiện nay và mở rộng sang khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Sáng 14/4, TP.HCM tổ chức hội nghị công bố quyết định của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.
Khu đô thị Thủ Thiêm. Ảnh: Đinh Tuấn
Theo quy hoạch, TP.HCM sẽ phát triển theo mô hình tập trung - đa cực, sẽ có một khu trung tâm với bán kính 15 km và 4 cực phát triển. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 1,3 đến 1,4 triệu tỉ đồng, trong đó vốn từ ngân sách nhà nước chiếm 12%.
Giai đoạn 2016 – 2020 có tổng vốn đầu tư từ 2,7 đến 3 triệu tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách chiếm khoảng 10%. Giai đoạn 2021 - 2025 có tổng vốn đầu tư từ 5 đến 5,6 triệu tỉ đồng, 8% từ vốn ngân sách.
Khu trung tâm tổng hợp chính của TP là khu vực nội thành hiện nay gồm quận 1, 3, một phần quận 4, quận Bình Thạnh (930 ha) và mở rộng sang khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) có diện tích 737 ha.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ trở thành trung tâm mới của TP và được bổ sung các chức năng du lịch, dịch vụ đa ngành. Tại đây sẽ xây dựng một số công trình ngầm về giao thông, công trình công cộng và bãi đỗ xe ngầm.
Với 4 cực phát triển, TP sẽ có hai hướng chính là hướng Đông và hướng Nam ra biển. Hai hướng phụ là hướng Tây – Bắc và hướng Tây, Tây – Nam. Tại mỗi hướng sẽ có một trung tâm cấp thành phố gồm hướng Đông tại vị trí phường Long Trường (quận 9), hướng Nam thuộc khu A của đô thị mới Nam thành phố, hướng Bắc lấy khu đô thị mới Tây - Bắc làm trung tâm và hướng Tây lấy khu vực giáp quốc lộ xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh) làm trung tâm cấp thành phố.
Đối với hướng chính phía Đông, TP sẽ lấy tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây làm hành lang phát triển. Dọc tuyến Xa lộ Hà Nội sẽ xây dựng các khu đô thị mới có mật độ xây dựng cao và đồng bộ.
Đối với hướng chính phía Nam, TP sẽ lấy tuyến Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) làm hành lang phát triển. Hướng này cũng sẽ phát huy tối đa thế mạnh đặc thù sông nước với mật độ xây dựng thấp, không làm giảm diện tích mặt nước phục vụ cho tiêu thoát nước của thành phố.
Còn hướng phụ phía Tây - Bắc, hành lang phát triển sẽ là tuyến quốc lộ 22 (Xa lộ Xuyên Á) và hướng phụ phía Tây, Tây - Nam thì lấy tuyến Nguyễn Văn Linh làm hành lang phát triển.
Quy hoạch cũng đề ra phương hướng không phát triển đô thị tại vùng bảo tồn nghiêm ngặt và vùng phục hồi sinh thái thuộc khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ, các khu rừng đặc dụng, phòng hộ ở các huyện Bình Chánh và Củ Chi.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân yêu cầu các sở ngành, quận huyện phải tuân thủ đúng quy hoạch khi triển khai thực hiện. “Đường đã quy hoạch rồi thì không được nắn qua, nắn lại”, ông Quân nói khi nhắc đến chuyện đường Trường Chinh (Hà Nội) bị bẻ cong khiến người dân bức xúc.
Tá Lâm (Vietnamnet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.