Theo Quy hoạch chung Thủ đô tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có một “vành đai xanh” dọc sông Nhuệ là vùng đệm cách biệt nội đô với đô thị mở rộng phía Nam sông Hồng. Tuy nhiên, vành đai này sẽ có nhiều điểm “khuyết xanh”?

Hành lang xanh bị khuyết xanh?


Sông Nhuệ là một trong những lưu vực sông có ý nghĩa quan trọng đối với khu vực đồng bằng sông Hồng nói chung và Hà Nội nói riêng. Hàng ngàn năm nay, dòng sông này đã trở thành một phần không thể thiếu của cư dân gắn bó với nền văn minh lúa nước, đồng thời góp phần hình thành bản sắc của một vùng kinh tế - văn hóa – chính trị - xã hội của Thủ đô mở rộng.


Thu hồi hay giữ nguyên dự án vi phạm?

QH Thủ đô tầm nhìn 2050 - Ảnh: VietNamNet


Trong Quy hoạch chung phát triển Thủ đô giai đoạn 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vành đai xanh dọc sông Nhuệ là một trong những điểm nhấn quan trọng để làm nên một đô thị xanh trong chiến lược phát triển bền vững.


Tuy nhiên, tại “vành đai xanh” này, rất nhiều dự án đã được cấp trên phần diện tích của không gian xanh.


Tại các xã Phú Lương, Kiến Hưng (quận Hà Đông), xã Mỹ Hưng, Tam Hưng, Cự Khê (huyện Thanh Oai), hơn 570ha đất đã được thu hồi để bàn giao cho chuỗi đô thị Thanh Hà A, Thanh Hà B, Mỹ Hưng – Cienco 5. Phần lớn diện tích đất thu hồi là đất nông nghiệp.


Thu hồi hay giữ nguyên dự án vi phạm?

Nhận tiền đền bù đất nông nghiệp, người dân Cự Đà đua nhau xây dựng nhà mới - Ảnh: Kiên Trung


Đây là chuỗi đô thị mới hiện đại được chấp thuận chủ trương từ ngày 15/11/2007; ngày 04/3/2008, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng bàn giao cho chủ đầu tư Cienco 5 – doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT.


Theo đó, khu đô thị Thanh Hà A - Cienco 5 có diện tích 195,51ha, thuộc các xã Phú Lương (thành phố Hà Đông) và xã Cự Khê (huyện Thanh Oai); Khu đô thị Thanh Hà B - Cienco 5 có diện tích 193,22ha, thuộc các xã Phú Lương, Kiến Hưng (thành phố Hà Đông) và xã Cự Khê (huyện Thanh Oai); Khu đô thị Mỹ Hưng - Cienco 5 có diện tích 182 ha, thuộc các xã Mỹ Hưng, Tam Hưng và Cự Khê (huyện Thanh Oai).


Trong hồ sơ dự án, chuỗi đô thị này được phê duyệt đảm bảo đầy đủ các yếu tố pháp lý, trình tự thủ tục…, và được ký trước khi có quy hoạnh chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050.


Tuy nhiên, với bản quy hoạch vừa được phê duyệt, toàn bộ dự án này nằm trong vành đai xanh dọc lưu vực sông Nhuệ - phần không gian xanh để đảm bảo một Thủ đô xanh trong tương lai.


Đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất nằm trong dự án. Rất nhiều hộ dân có đất nông nghiệp bị thu hồi của các xã nói trên đã hoàn thành nhận tiền đền bù. Nhiều hộ dân đã chuyển nghề mới khi đất canh tác phần lớn đã hết.


Thu hồi hay giữ nguyên dự án vi phạm?

Phối cảnh dự chuối ĐTM nằm trên vành đai xanh lưu vực sông Nhuệ tại các xã Cự Khê, Phú Lương, Kiến Hưng, Mỹ Hưng, Tam Hưng.


Trao đổi với VietNamNet, Chủ tịch UBND xã Cự Khê, ông Vũ Thanh Ngọc thông tin: trên 90% diện tích đất nông nghiệp của xã đã bị thu hồi. Phần diện tích đất nông nghiệp ít ỏi còn lại, xã không thể tiếp tục cấy lúa vì lý do: dự án triển khai đã cắt xẻ hệ thống thủy lợi, và cao độ của đất nông nghiệp thấp hơn so với cao độ của dự án đô thị mới.


Ông Ngọc cho biết: xã Cự Khê đang xin ý kiến của UBND huyện Thanh Oai để chuyển nốt phần diện tích đất nông nghiệp còn lại sang trồng cây hoa màu vì không thể tiếp tục cấy lúa.


Như thế, một bài toán đang được đặt ra đối với những dự án nằm trong diện tích dành cho không gian xanh của Thủ đô Hà Nội: đó là việc có thu hồi hay giữ nguyên dự án? Nếu giữ nguyên dự án, không gian xanh của Thủ đô sẽ bị khuyết.


Ngược lại, nếu đảm bảo thực hiện theo đúng quy hoạch phê duyệt xây dựng vành đai xanh và hành lang xanh, rất nhiều dự án sẽ đứng trước nguy cơ bị thu hồi để trả đất cho hành lang xanh.


Hành lang xanh có đảm bảo 70% diện tích tự nhiên?


Trước khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô vừa được phê duyệt, nhiều cuộc hội thảo, tham vấn đã được tổ chức. Nhiều ý kiến đóng góp, phản biện của các nhà khoa học cũng đã được nêu ra nhằm mục đích xây dựng một đề án sát thực, hiệu quả nhất.


GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng – Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng VN, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Hà Nội đã từng trình bày quan điểm cá nhân trên các phương tiện truyền thông.


Theo GS Đăng: Thực chất Hành lang xanh không phải như khẳng định trong đồ án quy hoạch Hà Nội, nó không có tác dụng cải thiện môi trường đối với các đô thị, không có tác dụng hạn chế lan tỏa đô thị hóa.


Hành lang xanh được xem là tâm điểm sáng tạo của quy hoạch này, bảo đảm diện tích đất Hành lang xanh chiếm 70% đất Thủ đô. Nhưng thực tế không phải thế. Đất hành lang xanh lại là đất đồng ruộng, đất nông nghiệp, đất làng xã nông thôn (đều là các nguồn thải gây ô nhiễm), đất rừng và các khu bảo tồn, khu danh lam thắng cảnh, lịch sử và các sông hồ hiện có.


Thực tế tổng các diện tích này hiện nay của Thủ đô còn lớn hơn 70% nhiều.


Xem Quy hoạch lại thấy có vẻ ngược lại. Đất vườn quốc gia, khu bảo tồn, khu lịch sử văn hóa, làng mạc thì quy hoạch không thể lấn chiếm được, còn đất nông nghiệp thì bị quy hoạch xâm lấn gần 3/4 diện tích hiện nay.


Do Hà Tây sát nhập với Hà Nội nên Thủ đô có quỹ đất nông nghiệp khá lớn, chiếm tới 45,76% tổng diện tích tự nhiên. Nhưng hãy xem quy hoạch đã lấn chiếm hành lang xanh nông nghiệp này như thế nào.


Hiện nay diện tích nông nghiệp của Thủ đô là 189.000 ha, đất trồng lúa là 117.000 ha, thế mà quy hoạch đến năm 2030 lấn chiếm tới 73,5% diện tích đất nông nghiệp và 66% diện tích đất trồng lúa, theo đó, diện tích đất nông nghiệp chỉ còn bảo tồn 50 nghìn ha và đất trồng lúa chỉ còn 40.000 ha.


Như vậy, đến năm 2030, Hành lang xanh không thể còn chiếm 70% đất tự nhiên như quy hoạch đề ra và tối thiểu 66% nông dân của Thủ đô sẽ mất đất canh tác, mất kế sinh nhai. Giáo sư Phạm Ngọc Đăng từng chia sẻ trên Báo Tiền phong.

Theo Kiên Trung (Vietnamnet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.