Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang: Trưng mua phải theo giá thị trường, còn trưng dụng phải có bồi thường tài sản của cá nhân theo giá thị trường
- Phóng viên: Nhiều ĐBQH đề nghị sửa cụm từ “thu hồi đất” bằng cụm từ trưng thu, trưng mua hay tiên mại, quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

- Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Nói trưng dụng, trưng mua là về tài sản trên đất chứ hiện tại và sau khi sửa luật cũng không thể áp dụng hình thức này. Ngay cả Hiến pháp hiện hành cũng như dự thảo Hiến pháp sửa đổi cũng không chỉnh sửa điều này.

- Vậy tài sản trên đất có thể xử lý theo hướng trưng thu, trưng mua, thưa ông?

- Đất ở và đất nông nghiệp khác nhau nên xử lý tài sản trên đất cũng khác. Trưng mua phải theo giá thị trường, còn trưng dụng phải có bồi thường tài sản của cá nhân theo giá thị trường.

- Nhiều ĐB và người dân “kêu” rất nhiều việc doanh nghiệp chỉ cần cầm quyết định phê duyệt dự án và giấy phép đầu tư là có quyền đi thu hồi đất của dân, triển khai dự án trong khi mảnh đất đó thuộc quyền của họ và là sinh kế của cả gia đình?

- Chuyện cũ là như vậy nhưng bây giờ không thể làm thế được. Theo dự luật sửa đổi, tới đây, Nhà nước trực tiếp thu hồi đất và nhà đầu tư đó chỉ là đầu tư thứ cấp (cấp 2) và họ sẽ không có quyền như suốt thời gian qua. Bên cạnh đó, luật mới cũng điều chỉnh theo hướng thu hồi đất của dân không được tùy tiện, Nhà nước không thể dùng quyền của mình muốn thu hồi là thu. Chính sự tùy tiện vừa qua mới dẫn đến tình trạng đất để hoang, lần này phải khắc phục bằng được.

- Về định giá đất cũng có nhiều ý kiến cho rằng cần thay đổi căn bản vì đây là nguồn gốc của số vụ khiếu kiện về đất đai quá lớn và kéo dài?

- Vẫn phải ban hành khung giá nhưng khác trước đây là chỉ có 3 vùng (đồng bằng, trung du, miền núi) thì nay sẽ phủ dày hơn để cho độ chính xác cao và ổn định trong một thời gian. Khung giá này cũng chú ý là đất phải có giá chứ không thể tính toán rẻ mạt rồi thu hồi. Nếu dân được đền bù giá tốt thì họ rất đồng tình. Phải xuất phát từ lợi ích người dân thì thu hồi đất sẽ hiệu quả.

- Phương pháp định giá đất sẽ theo hướng nào để bảo đảm sát với thực tế, thưa ông?

- Tới đây phải hình thành ra cơ quan, tổ chức định giá đất. Hiện nay ta đang làm rất tùy tiện. Chúng tôi đang tính toán sau này có thể hình thành tổ chức tư vấn về định giá đất để bảo đảm tư vấn phải khách quan, không tùy thuộc vào chủ quan của người có quyết định thu hồi đất. Luật cũ chưa tính hết vấn đề nên giờ chúng ta phải sửa.

- ĐB Trần Du Lịch nói dự luật này chưa giải quyết được các vấn đề của đất đai?

- Chúng tôi đi khảo sát ở Thái Lan thấy 70% đất của họ là đất công và có 30% của tư nhân (phần lớn đất ở), còn đất nông nghiệp cũng là đất công. Nhà nước giao cho người dân, mỗi người không quá 2,4 ha và không được phép chuyển nhượng. Quyền của chúng ta có khi mở quá lớn như vừa rồi đã để lại nhiều hệ lụy và bây giờ phải bịt lại.

Như đồng bào dân tộc bán đất sản xuất trong điều kiện rừng núi thiếu đất sản xuất như vậy thì nay Luật Đất đai sửa đổi có thể quy định chặt chẽ hơn như không được chuyển nhượng. Hoặc hệ thống quản lý đất đai và định giá của Thái Lan là theo hệ thống dọc từ trung ương đến địa phương, còn chúng ta hiện nay đang chia cắt quá nhiều.

- Bộ trưởng có thể khẳng định Luật Đất đai sửa đổi ra đời sẽ bịt được kẽ hở tham nhũng đất đai?

- Những vấn đề đặt ra hiện nay cũng cơ bản nhằm khắc phục những sơ hở trong quản lý. Ví dụ như chuyển mục đích sử dụng đất. Khi thực hiện quỹ phát triển đất, Nhà nước tiến hành thu hồi và đấu giá quyền sử dụng đất thì khác đi, sẽ minh bạch và chuẩn xác trong định giá.

Theo Thế Dũng (NLĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.