Khi mới ban hành, các nhà soạn thảo Luật Đấu thầu thường nhấn mạnh rằng, luật này đã tiệm cận với thông lệ quốc tế và cố gắng phù hợp với thực tế Việt Nam. Có đúng vậy không?

Nhiều người cho rằng: luật hiện nay đang nặng về bảo vệ quyền lợi của chủ đầu tư, tính bình đẳng không cao, các nhà thầu không được bảo vệ.


Ví dụ: Chủ đầu tư chưa đáp ứng đủ vốn, thiếu mặt bằng sạch, thanh toán chậm dẫn đến công trình thi công dở dang kéo dài, nảy sinh nhiều chi phí và các vấn đề phức tạp khác và hậu quả là các nhà thầu thường phải gánh chịu. Mặt khác, thay vì phải đặt ra những hàng rào kỹ thuật với các nhà thầu nước ngoài, thì chủ đầu tư lại áp đặt cho các nhà thầu trong nước và thất bại của nhà thầu Việt ngay trên sân nhà chính là chỗ ấy.


Theo Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm: “Chúng ta đưa ra tiêu chuẩn quốc tế cho phù hợp thông lệ quốc tế nhưng phải bảo vệ nhà thầu trong nước, chứ đừng có đưa ra tiêu chí chỉ nhà thầu quốc tế mới đáp ứng được”. Ông Dương Văn Cận, Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu cho rằng, mấu chốt khiến nhà thầu nội dễ thua là do tư tưởng thích “gọn nhẹ” của chủ đầu tư: “Giao bài thầu, hồ sơ minh bạch, nhưng chỉ cần một điều kiện nhỏ không nương tay, nhà thầu nội cũng khó lòng thắng được. Ví dụ như toàn bộ dự án hệ thống đường ống cấp nước của TP.Hồ Chí Minh trước kia, chỉ có một dòng là nhà thầu phải có kinh nghiệm làm đường ống phi 200, trong khi nhà thầu nội chưa kinh qua nên bị loại quá dễ dàng”.


Cứ cung cách này, nhà thầu mạnh có khi cũng thành yếu và nhà thầu trong nước ít có cơ hội để trưởng thành.


Vấn đề lựa chọn nhà thầu theo 2 tiêu chí chính là kỹ thuật và giá bỏ thầu cũng có nhiều ý kiến tham gia. Trong đó, yếu tố kỹ thuật rất quan trọng, song thường bị “cào bằng”, đạt yêu cầu 70% và 100% cũng coi như bằng nhau.


Trong khi, tiêu chí giá lại tính chi li quá mức đến từng đồng, đến nỗi người ta gọi đấu thầu cuối cùng chỉ là “đấu giá” mà thôi. Về khoản bỏ thầu giá thấp, ở trong nước khó ai địch nổi với các nhà thầu chỉ “giỏi” về mẹo mực, thủ thuật. Còn trong đấu thầu quốc tế, thế giới đã rút ra: không ai đấu nổi với với nhà thầu một nước có nền kinh tế mới nổi và là láng giềng của Việt Nam. Với cách này, không ít chủ đầu tư “ăn” quả đắng vì chọn phải nhà thầu có “năng lực ảo”...


Mong rằng, trong sửa đổi Luật Đấu thầu lần này, khắc phục được những khiếm khuyết, sai sót nói trên. Để thực hiện điều này, cần có sự nhận thức rạch ròi: tiệm cận với thông lệ quốc tế chỉ là vấn đề lựa chọn những thứ đã có sẵn mà thôi, tránh sao chép y nguyên và giáo điều là có thể đạt yêu cầu rồi.


Còn để “phù hợp với thực tế Việt Nam” đòi hỏi phải đầu tư công phu hơn. Đây mới là khoa học và là sáng tạo thực sự. Cần đúc kết thực tiễn sâu sắc, phân tích mổ xẻ đến nơi đến chốn, để đưa ra những quy định công khai, minh bạch, lựa chọn được những nhà thầu phù hợp với yêu cầu của từng loại dự án ở nước ta.


Đồng thời qua đó, góp phần xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy quá trình xây dựng đội ngũ nhà thầu trong nước ngày càng trưởng thành. Vế thứ hai chưa đạt yêu cầu thì luật chỉ đúng hơn một nửa. Cho nên, bên cạnh nỗ lực của những người soạn thảo Luật Đấu thầu sửa đổi, ý kiến đóng góp từ thực tế cuộc sống của cấp tổ chức thực hiện (chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu) có ý nghĩa rất quyết định.


Cần có chủ kiến và quyết liệt bảo vệ chủ kiến của mình ngay từ khâu dự thảo, chứ không đợi đến khi luật ban hành, mọi việc đã rồi mới có nhận xét hoặc phán về điều này điều nọ theo kiểu người ngoài cuộc. Thờ ơ hoặc không đầu tư tương xứng góp ý xây dựng dự thảo của luật và các quy định, chẳng khác nào tự gây khó cho mình khi luật được thực thi...

Theo Quang Tuấn (GTVT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.