Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng.
Thưa Bộ trưởng, thị trường BĐS đã có nhiều khởi sắc nhưng chủ yếu tại phân khúc trung bình và khá, do những doanh nghiệp có năng lực tài chính thực hiện. Còn đối với những dự án có nợ xấu thì vẫn án binh bất động. Bộ trưởng nhận định về vấn đề này như thế nào?
- Trong thời gian qua, mặc dù trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, nhưng thị trường BĐS đã được điều chỉnh bằng các giải pháp phù hợp để tiếp tục phát triển, đồng thời cũng đã diễn ra sự sàng lọc mạnh các nhà đầu tư.
Các nhà đầu tư có năng lực, hoạt động chuyên nghiệp, có chiến lược dài hạn, đầu tư tập trung không dàn trải, có uy tín đã huy động được các nguồn lực để vượt qua các giai đoạn khó khăn của thị trường, đến nay tiếp tục phát triển tốt.
Các dự án phát triển nhà ở được triển khai tốt, nhất là tại phân khúc nhà ở tầm trung, trung bình và nhà ở xã hội (NƠXH), làm thay đổi về chất nguồn cung - cầu hàng hóa thị trường BĐS, sản phẩm BĐS, nhất là nhà ở đã đáp ứng được nhu cầu đa dạng và thiết thực của người dân có nhu cầu thực về nhà ở, đồng thời đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trên thị trường.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư thiếu tầm nhìn và chiến lược dài hạn, năng lực yếu, đầu tư kinh doanh ăn xổi, không chú trọng đến quyền lợi của khách hàng đều lâm vào tình trạng khó khăn nợ xấu, dự án bị đình trệ; các dự án này hiện nay vẫn còn đang là vấn đề tồn tại của thị trường BĐS và cần có quá trình và có sự nỗ lực từ nhiều phía, áp dụng nhiều giải pháp để dần giải quyết.
Hiện nay, với sự điều hành của Chính phủ, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang vượt qua các khó khăn và phát triển ổn định, lượng giao dịch tăng đáng kể ở tất cả các phân khúc nhưng không đột biến, giá cả nhìn chung ổn định, tại các dự án có tiến độ triển khai tốt, vị trí thuận lợi gần trung tâm đô thị có sự tăng giá; lượng hàng tồn kho giảm; thị trường đang tiếp tục có xu hướng thanh lọc nhà đầu tư, mua bán sáp nhập dự án; một số dự án bị đình trệ trước đây đang tiếp tục được triển khai trở lại.
Mặc dù vậy, nhiều dự án từ trước đây lâm vào nợ xấu thì vẫn bị đình trệ vì thiếu nguồn lực để tiếp tục đầu tư, khả năng huy động vốn tiếp tục triển khai dự án thấp, nợ xấu tín dụng làm cản trở quá trình chuyển đổi dự án. Bộ Xây dựng đã có những giải pháp như thế nào để tháo gỡ vấn đề này, thưa Bộ trưởng?
- Để tháo gỡ khó khăn của các dự án này đòi hỏi cần có sự nỗ lực từ nhiều phía. Trong thời gian qua, nhiều chủ đầu tư đã chủ động tìm kiếm các nhà đầu tư mới có năng lực để hợp tác đầu tư hoặc chuyển nhượng dự án, thực hiện các biện pháp thỏa thuận với người mua nhà và các tổ chức tín dụng để tìm cách tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn thực hiện dự án.
Trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ ban hành và phối hợp cùng với các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, giải quyết vấn đề nợ xấu, như: yêu cầu các địa phương thực hiện rà soát phân loại dự án; cho phép thực hiện chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang NƠXH, chia nhỏ diện tích căn hộ, khuyến khích và hỗ trợ phát triển các dự án NƠXH, các địa phương xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển nhà ở v.v...
Năm 2014, Quốc hội đã thông qua Luật Kinh doanh BĐS. Trong Luật Kinh doanh BĐS đã quy định rõ về nguyên tắc, điều kiện, thẩm quyền cho phép, thủ tục và hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ và một phần dự án BĐS, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết về thủ tục chuyển nhượng dự án.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện nghị định hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh BĐS 2014 thay thế Nghị định số 153/2007/NĐ-CP để kịp ban hành, trong đó sẽ hướng dẫn cụ thể và chi tiết các nội dung liên quan về chuyển nhượng dự án được quy định trong Luật, đảm bảo giải quyết các bất cập, khó khăn về chuyển nhượng dự án, góp phần tháo gỡ vướng mắc về xử lý nợ xấu.
Đồng thời, ngày 25/11/2014, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Nhà ở, trong đó quy định về việc thế chấp và xử lý tài sản thế chấp là dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Các quy định này cùng với các quy định về chuyển nhượng dự án quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản 2014 sẽ góp phần hoàn chỉnh hệ thống các quy định pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, bất cập về chuyển nhượng dự án, xử lý nợ xấu.
Các dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh BĐS 2014 đang được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành trước khi gửi Bộ Tư pháp thẩm định theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời ban hành và áp dụng cùng thời điểm có hiệu lực thi hành của các luật sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc về xử lý nợ xấu.
Có ý kiến cho rằng, 50% người dân mua BĐS hiện nay là có nhu cầu thực về nhà ở, khoảng 50% còn lại mua để đầu cơ. Liệu thị trường BĐS hiện nay và sắp tới có diễn ra một làn sóng đầu cơ, tích trữ mới không, thưa Bộ trưởng ?
- Với sự điều hành của Chính phủ, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam từ đầu năm đến nay tiếp tục phát triển ổn định, cùng với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS của Chính phủ với quan điểm: "Tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS phải gắn với việc thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở, để sản phẩm của thị trường BĐS đến được với mọi người dân, đặc biệt là việc tập trung phát triển NƠXH để phục vụ cho nhu cầu của các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, người có thu nhập thấp" đang được các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện, cũng như việc bắt đầu triển khai thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS từ ngày 01/7/2015 với nhiều quy định mới để thị trường BĐS nói chung và thị trường nhà ở nói riêng phát triển một cách ổn định, lành mạnh thì có thể dự báo tình hình thị trường BĐS thời gian tới tiếp tục có những chuyển biến tích cực, tiếp tục tăng trưởng, cụ thể là:
Lượng giao dịch tiếp tục tăng, kể cả ở phân khúc căn hộ trung, cao cấp nhưng không quá đột biến; giá cả tiếp tục ổn định, một số dự án có tiến độ tốt, đang chuẩn bị hoàn thành hoặc đã hoàn thành, gần trung tâm, có vị trí đẹp, hạ tầng tốt thì giá bán sẽ có tăng ít nhiều.
Lượng hàng tồn kho tiếp tục giảm, tuy nhiên, tốc độ giảm sẽ chậm hơn trước vì chủ yếu tồn kho hiện nay là nằm ở các dự án xa trung tâm, hạ tầng chưa đồng bộ hoặc các căn hộ có diện tích quá lớn. Xu hướng mua bán, sáp nhập các dự án tiếp tục tăng: Các doanh nghiệp khó khăn sẽ phải chuyển nhượng dự án, các nhà đầu tư lớn sẽ mua lại, thay vì họ đi xin cấp dự án mới, trong đó có nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ tham gia.
Nhiều dự án trước kia tạm dừng sẽ được tiếp tục triển khai trở lại; nhiều dự án mới có vị trí tốt sẽ được khởi công; lượng cung ở phân khúc NƠXH và nhà ở thương mại có diện tích vừa và nhỏ sẽ tăng đáng kể để đáp ứng nhu cầu về nhà ở của các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, người thu nhập thấp, thu nhập trung bình.
Sau khi thị trường BĐS đã trải qua nhiều giai đoạn biến động (sụt giảm, phục hồi, phát triển), đến nay thị trường đã có sự thanh lọc khá mạnh và sâu rộng. Các giao dịch BĐS hiện nay phần lớn được thực hiện bởi người dân có nhu cầu thực về nhà ở là một nhân tố quan trọng đảm bảo cho sự phát triển bền vững của thị trường.
Về phía các nhà đầu tư cũng đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý giá sau quá trình biến động của thị trường trong những năm qua, các nhà đầu tư còn trụ vững đến nay phần lớn là có năng lực tài chính, có tầm nhìn dài hạn, có chiến lược và kế hoạch đầu tư bài bản, bền vững, có tính chuyên nghiệp cao.
Vì vậy, các hoạt động đầu tư được thực hiện được dựa trên cơ sở tìm hiểu nguồn thông tin đa dạng, quyết định đầu tư thận trọng, nguồn vốn đầu tư bền vững nên các rủi ro sẽ được giảm thiểu.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!