Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Tài chính vừa tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan. Vấn đề gây bức xúc là việc xây dựng thi công các công trình liên quan đến vốn ngân sách nhà nước đang làm khó nhiều nhà thầu nhỏ.

Ông Hoàng Tiến Triển, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Tiến Triển, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Nam Định, nêu trường hợp cụ thể của doanh nghiệp: Công ty hoạt động theo mô hình mẹ - con. Công ty mẹ ký hợp đồng với chủ đầu tư công trình có vốn từ ngân sách nhà nước (NSNN) trị giá 40 tỷ đồng và giao cho công ty con thực hiện. Tuy nhiên, nguồn vốn NSNN mới chỉ thanh toán cho doanh nghiệp 8 tỷ đồng, trong khi phải nộp thuế 4 tỷ đồng của tổng giá trị công trình. Vậy, công ty con có được giãn thuế theo Nghị định 106 (quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế và một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân)?


Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, giải thích, trong Nghị định 106 có quy định, trường hợp các nhà thầu xây dựng nhận các công trình của Nhà nước. Nếu như Nhà nước thanh toán chậm tiến độ khiến doanh nghiệp chưa thể nộp thuế thì vẫn được giãn thuế nếu hợp đồng giao công trình giữa công ty mẹ và con là hợp pháp.


“Chúng tôi đã thực hiện các thủ tục, đã có hồ sơ gửi chi cục thuế, cục thuế địa phương nhưng cơ quan này cho rằng doanh nghiệp không nằm trong đối tượng được giãn”, ông Triển trình bày. Theo ông Tuấn, việc giãn thuế này không phải đương nhiên tự khai, tự nộp. Doanh nghiệp phải có hồ sơ giãn thuế gửi cơ quan thuế trên địa bàn để từ đó trình lên Bộ Tài chính ra quyết định. “Trường hợp cục thuế trả lời nhưng doanh nghiệp chưa đồng ý thì có quyền kiến nghị với cấp trên của cục thuế đó”, ông Tuấn nói.


Ông Nguyễn Xuân Sửu, Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn đầu tư xây dựng miền Trung, băn khoăn: “Có những công trình thi công xong, tuy vốn chưa bố trí được nhưng đã nghiệm thu, chưa có thanh toán mà doanh nghiệp vẫn phải nộp thuế sẽ làm khó doanh nghiệp”.


Chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nhưng ông Tuấn khẳng định: Luật NSNN quy định trong sử dụng ngân sách phải đáp ứng các điều kiện: khi sử dụng ngân sách thì khoản chi đó phải trong dự toán được duyệt; phải đúng chính sách, chế độ và chuẩn chi. Chính vì vậy, khi giãn thuế thì cơ quan thuế không có quyền giãn thuế với khối lượng vượt dự toán và làm chưa đúng. Nên cái vướng của doanh nghiệp là vướng của chủ đầu tư khi thực hiện dự án quá khối lượng Nhà nước cho phép.


Tuy nhiên, vị đại diện thuộc Hiệp hội nhà thầu xây dựng Nam Định phản biện: “Nghị định 112 của Chính phủ ban hành ngày 14-2-2009 (về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình) quy định, chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện từ giai đoạn thẩm định đến khi đưa công trình vào khai thác sử dụng và phù hợp khoản 5 điều 72 của Luật Xây dựng là phải có đủ vốn mới bố trí tiến độ để thi công. Thế nhưng thực tế không phải như vậy vì các chủ đầu tư lại phụ thuộc đơn vị cấp trên để bố trí kế hoạch vốn. Với những hướng dẫn như vậy, chúng tôi kiến nghị với những công trình có nguồn vốn NSNN thì Nhà nước trả tiền đến đâu, chúng tôi xin được nộp thuế, còn phần chưa trả thì được giãn. Bởi nếu quy định bố trí dự toán thì khó, vì có thể năm ngoái bố trí dự toán để thi công nhưng năm nay khó khăn kế hoạch vốn, lại không bố trí thì khó cho doanh nghiệp”.


Phản hồi, ông Tuấn cho rằng, theo quy định, chủ đầu tư chỉ được tiến hành đấu thầu hoặc thực hiện khi có đủ nguồn vốn nhưng bởi vì nhiều chủ đầu tư thực hiện không đúng quy định thì nhà thầu gánh chịu một phần. Cơ quan thuế chỉ xử lý phần thuế mà Nhà nước nợ theo đúng quy định, nghĩa là đảm bảo tính pháp lý của việc nợ đó chứ không thể xử lý cho cả trường hợp lỡ xây, làm quá. Bởi như vậy vô hình trung sẽ khuyến khích quản lý, sử dụng ngân sách không đúng.

Theo Hà My (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.