Những người tham gia công tác quy hoạch hoặc tham mưu
cho lãnh đạo phải thực sự có năng lực về quy hoạch
Dù chúng ta luôn nói rằng từ khi đổi mới, những cách nghĩ cách làm
của thời bao cấp đã bị xóa sổ, nhưng trên thực tế rất nhiều chuyện "chỉ
có ở thời bao cấp" vẫn đang diễn ra.
Từ 500 "pháo đài"
Thời bao cấp, chúng ta đưa ra tiêu chuẩn mỗi đơn vị quận huyện là một đơn vị kinh tế công nông nghiệp hoàn chỉnh, xây dựng từng đơn vị hành chính thành đơn vị kinh tế, với suy nghĩ rằng khi mỗi đơn vị ấy phát triển thì cả nền kinh tế cũng phát triển theo. Cả nước trở thành 500 "pháo đài" trong kinh tế. Thực tế cho thấy, điều đó không thể thực hiện được. Nhưng ý tưởng ấy đã làm nảy sinh bao nhiêu hệ lụy, điển hình là việc ngăn sông cấm chợ. Và nếu ở thời bao cấp, "đơn vị kinh tế" là các quận huyện thì ngày nay đã được nâng lên cấp tỉnh và vẫn theo tư duy là trong phạm vi hành chính ấy phải có tất cả. Tỉnh nào cũng đầu tư trồng mía làm nhà máy đường, nhà máy phân bón, xi măng... bây giờ là cảng biển, sân bay...
Và đương nhiên, hệ lụy là chỉ số ICOR (đo lường số đơn vị vốn đầu tư mới để làm tăng thêm một đơn vị tăng trưởng GDP) của nước ta đã tăng vọt, từ 2,5 trong thời kỳ đầu đổi mới lên đến 7 - 8 như hiện nay.
Cụ thể nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới, mỗi xã đều phải lập đề án, trong đó có cả quy hoạch sử dụng đất. Trong khoảng 1.300 xã ở ĐBSCL, có 40% trạm y tế xã không đạt chuẩn (tối thiểu 1.500 m2). Vậy nhưng xã nào cũng phải làm đề án xã nông thôn mới, giá thấp nhất cho một đề án như vậy là 150 triệu đồng, nhưng thực hiện xong chúng ta đã áp dụng vào thực tế hay chưa?
Quy hoạch không khoa học
Đề án "xã nông thôn mới" đã vậy, nhưng khi được tham dự các buổi giới thiệu đề án quy hoạch cấp tỉnh, người viết có lần phải chứng kiến cảnh "Hồn Trương Ba da hàng thịt", nghĩa là trang đầu bản quy hoạch ghi rõ tỉnh B nhưng các trang trong còn để lại tên của tỉnh T, rồi một tỉnh bị khóa chặt hoàn toàn trong đất liền nhưng lại có "kinh tế biển". Một bản quy hoạch cấp tỉnh dày chừng 100 trang giấy thì phần về khí hậu, thời tiết, dân số chiếm vài chục trang, rồi bối cảnh thế giới, chủ trương nghị quyết từ Trung ương đến địa phương cũng vài chục trang nữa. Phần đi vào thực tế không còn bao nhiêu cả.
Trong khi đó, chúng ta đều biết, quy hoạch là một văn bản thể hiện
lòng ước muốn của nhân dân và chính quyền ở một vùng lãnh thổ, nhằm đạt
một mục tiêu phát triển nào đó một cách khoa học. Chúng ta cũng đang làm
theo định nghĩa đó, chỉ có điều đa phần không thể hiện được mong muốn
của nhân dân và cũng không khoa học. Có một thực tế là, nhiều tỉnh thành
rất thích những dự án lớn, quy hoạch khu đô thị lớn kiểu đó. Cũng như
gần đây, nhiều tỉnh đua nhau làm nhà máy điện, xây cảng biển, sân bay.
Các tỉnh nếu có yêu cầu xây cảng hay sân bay thì cứ lập quy hoạch, từ từ
sẽ được duyệt, năm này chưa duyệt thì năm sau, năm sau chưa duyệt thì
năm sau nữa. Trong khi đó, ở các nước, người ta quy định rõ quy hoạch
nào thuộc quyền của TƯ, quy hoạch nào do địa phương phụ trách... Nước ta
cũng có quy định, văn bản đàng hoàng, nhưng thực tế lại khác!
Như vậy, câu chuyện đầu tư công tràn lan này có nguồn gốc từ thực
tiễn tỉnh nào cũng muốn đầu tư nhằm đạt được tỉ lệ tăng trưởng GDP theo
kế hoạch. Căn bệnh đó cộng với lợi ích kinh tế khiến cho căn bệnh đầu tư
tràn lan chưa có thuốc chữa.
Lời giải cho tương lai
Tất nhiên, để thay đổi gốc rễ vấn đề không phải là chuyện dễ, nhưng vẫn có hi vọng vào những biện pháp trước mắt có thể giúp hạn chế phần nào nan giải đang xảy ra. Trong đó, những người tham gia công tác quy hoạch hoặc tham mưu cho lãnh đạo phải thực sự có năng lực về quy hoạch. Cần cương quyết dẹp bỏ kiểu ngồi họp rồi tự đưa ra con số, thêm bớt mà không dựa vào bất kỳ cơ sở khoa học nào. Người lãnh đạo có thể không đủ chuyên môn để đưa ra những con số, nhưng các chuyên viên cấp dưới cực giỏi sẽ thuyết minh được vì sao năm ngoái GDP tăng 12% mà năm nay thì không thể được. Chúng ta không thiếu chuyên gia giỏi, có điều họ chưa được sử dụng đúng. Hơn nữa, cần phân cấp cụ thể vấn đề nào mang tính chất chiến lược bảo đảm cho sự phát triển lâu dài của đất nước thì phải thuộc thẩm quyền của Trung ương. Một vấn đề cũng quan trọng không kém đó là, tiêu chuẩn đánh giá sự tăng trưởng kinh tế phải đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Không nên lấy con số tăng trưởng GDP của địa phương (thật ra đó là con số không chính xác), càng không thể lấy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp, thương mại dịch vụ càng cao để đánh giá sự phát triển của địa phương.