Nhà ở xã hội tại quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. - Ảnh: VGP/Thế Phong
Báo cáo của UBND thành phố Đà Nẵng cho biết các dự án nhà ở thương mại, các khu đô thị mới trên địa bàn thành phố đã được phê duyệt và đang triển khai là 36 dự án, tổng diện tích đất 906,216 ha. Tổng số các loại nhà ở theo quy hoạch được duyệt 10.914 căn.
Đến nay, 100% diện tích đất nhà ở thương mại đã giao cho các chủ đầu tư triển khai dự án. Tuy nhiên, chưa có số liệu nào thống kê về tình hình triển khai hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại các dự án này.
Đối với nhà ở xã hội, đến nay thành phố đã dành 47.366 ha quỹ đất để xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp, cho sinh viên, cho công nhân. Thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt quy hoạch 17 dự án nhà ở với 9.110 căn hộ từ nguồn vốn ngân sách, đến nay đã xây dựng 1.193 căn hộ, đang xây dựng 2.723 căn, chuẩn bị xây dựng 6.998 căn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cũng đang đầu tư xây dựng 3 dự án nhà ở xã hội, với tổng số 1.804 căn.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết thị trường bất động sản thành phố đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay và hiện vẫn tiếp tục khó khăn, giá cả bất động sản sụt giảm ở tất cả các phân khúc.
Mặc dù thành phố đã có nhiều chính sách ưu đãi nhưng việc triển khai xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn cũng gặp nhiều khó khăn do giá cả các loại vật liệu xây dựng tăng mạnh trong thời gian qua. Đối với việc xây dựng nhà ở xã hội, phần lớn các dự án triển khai xây dựng theo ngân sách thành phố, còn đối với các nhà đầu tư rất khó tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng.
Mặt khác, đối tượng được mua căn hộ chung cư thu nhập thấp do UBND thành phố phê duyệt, trong số đó đa phần là những hộ nghèo không có khả năng mua được căn hộ chung cư.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án phát triển nhà ở, Đà Nẵng kiến nghị cho phép nhà đầu tư được bán một số căn hộ chung cư thu nhập thấp trong dự án cho một số đối tượng có nhu cầu thực sự ngoài những đối tượng do UBND thành phố phê duyệt để huy động vốn triển khai dự án với giá bán do UBND thành phố quy định.
Đối với nhà ở công nhân, ngoài việc cho thuê, thành phố kiến nghị có thể cho thuê mua hoặc bán giúp cho công nhân (nhất là đã lập gia đình) có chỗ ở ổn định. Đà Nẵng đề nghị cho phép triển khai dự án nhà ở công nhân và người lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố với kinh phí đầu tư khoảng 1.383,4 tỷ đồng, đồng thời xem xét, hỗ trợ Đà Nẵng 70% tổng nguồn vốn triển khai xây dựng dự án này, phần còn lại sử dụng nguồn ngân sách thành phố và các nguồn khác.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại cho vay với lãi suất thấp để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở và các quy định pháp luật hiện hành.
Rà soát lại các dự án chậm triển khai
Tại buổi làm việc với thành phố Đà Nẵng vào chiều 6/11, ông Vũ Xuân Thiện, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, đánh giá Đà Nẵng thực hiện rất tốt việc xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, nhà ở công nhân bằng quỹ đất của thành phố, bằng nhiều nguồn vốn, chủ yếu bằng nguồn vốn ngân sách thành phố.
Tuy nhiên, đoàn kiểm tra liên ngành đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng khẩn trương điều chỉnh và ban hành chương trình phát triển nhà của thành phố theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt ngày 30/11/2011; chỉ đạo sớm ban hành kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm và 5 năm theo nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị 2196/2011/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
UBND thành phố Đà Nẵng tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác rà soát, phân loại dự án nhà ở tại địa phương theo Chỉ thị số 2196/CT-TTg, lập danh mục các dự án chi tiết. Xem xét các dự án không phù hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương, các dự án chậm triển khai, đã giao đất nhưng không sử dụng quá thời hạn quy định của pháp luật để thu hồi, tạm dừng hoặc điều chỉnh dự án.
Đoàn kiểm tra tiếp nhận các ý kiến đề nghị của UBND thành phố, sẽ nghiên cứu, tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.