Nhiều chủ đầu tư trong các lĩnh vực đang tìm cách bán lại dự án với kỳ vọng sẽ thoát khỏi ma trận quay vòng vốn.
Gần một năm qua, Công ty Khoáng sản và Xi măng Cần Thơ (CCM) đã công khai rao bán 49% cổ phần của Dự án Trạm nghiền xi măng thuộc Nhà máy Xi măng Cần Thơ - Hậu Giang. Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 9/2010, tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.

Theo dự kiến ban đầu, Dự án có công suất thiết kế 700.000 tấn/năm, nhưng do gặp khó khăn về vốn và thị trường đầu ra thu hẹp, nên sau một thời gian xây dựng, CCM đã điều chỉnh công suất thiết kế xuống còn 250.000 tấn/năm. Vì thế, tổng vốn đầu tư của Dự án cũng được điều chỉnh giảm từ 320 tỷ đồng xuống còn dưới 100 tỷ đồng.

Trên thực tế, việc rao bán dự án trên của CCM không được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Dù vậy, ông Thái Minh Thuyết, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc CCM vẫn quyết tâm chờ đợi thị trường hồi phục để bán nhà máy.

Điều đáng nói là, Nhà máy Xi măng Cần Thơ không phải là dự án xi măng đầu tiên rao bán lại. Còn có tới 5 - 6 dự án nhà máy xi măng khác cũng muốn làm việc này, do gặp khó khăn về tài chính. Bên cạnh đó, rất nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản đang loay hoay tìm cách bán lại dự án. Có thể nói, chưa bao giờ thị trường Việt Nam sôi động với nhiều thương vụ rao bán dự án, nhà máy như hiện nay và dự kiến, tình trạng này sẽ kéo dài sang năm sau.

Chủ đầu tư một dự án tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại có diện tích 4.000 m2 ở vị trí đẹp trên trục đường Lê Văn Lương (Hà Nội) đã bỏ ra hơn 400 tỷ đồng, nhưng mới giải phóng xong mặt bằng. Trong khi đó, ngân hàng không tiếp tục cho vay, thị trường thì ảm đạm, chủ đầu tư lại nắm trong tay nhiều dự án đang triển khai dang dở khác. Để tránh phá sản, chủ đầu tư này quyết định bán dự án chưa thi công ở đường Lê Văn Lương, chấp nhận lỗ 30% chi phí bỏ ra để nuôi một số dự án khác.

Đại diện một công ty môi giới bán các dự án cho biết, công ty này hiện có khoảng 80 dự án bất động sản đăng ký chuyển nhượng. “Đây là con số cao nhất từ trước đến nay”, vị đại diện này khẳng định.

Không chỉ có nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư ngoại cũng gặp khó khăn và phải rao bán dự án, nhà xưởng. Trong tháng 7, Tập đoàn First Solar (Mỹ) thông qua Công ty Tư vấn bất động sản Cushman & Wakefield rao bán nhà xưởng sản xuất mô-đun năng lượng mặt trời tại Khu công nghiệp Đông Nam (huyện Củ Chi, TP.HCM), mới được hoàn thành tháng 4/2012. Động thái này của First Solar được lý giải là do nguồn cung cầu mất cân bằng trên thị trường thế giới và phải cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm pin năng lượng mặt trời trên thị trường thế giới do Trung Quốc sản xuất.

Được biết, tháng 3/2011, First Solar đã khởi công xây dựng nhà máy, với tổng vốn đầu tư cam kết cho giai đoạn I là 300 triệu USD, công suất sản phẩm tương đương 250 MW/năm và dự định sẽ đưa vào hoạt động cuối năm 2012. Tổng vốn đầu tư của cả dự án dự kiến lên đến 1,2 tỷ USD. Đây là nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời theo công nghệ hiện đại màng mỏng đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam. Nhưng đến tháng 11/2011, First Solar đã công bố tạm dừng thực hiện dự án cho đến khi có những tín hiệu hỗ trợ về cung - cầu sản phẩm pin năng lượng mặt trời trên thị trường thế giới.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, quy luật của thị trường là hết suy sẽ đến thịnh. Tuy nhiên, nếu cân nhắc đến yếu tố vĩ mô, thì khủng hoảng kinh tế chưa thể kết thúc trong năm nay. Điều đó có nghĩa rằng, CEO cần nhanh chóng giải quyết những dự án đang “mắc cạn” để có vốn nuôi những dự án khả thi nhất trong bối cảnh này.

Chương trình Chìa khóa thành công - CEO phiên bản 2012 phát sóng trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam vào 10 giờ sáng Chủ nhật tuần này (9/9) và phát lại vào 8 giờ sáng thứ Hai (10/9) sẽ thử tài quyết định của bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó giám đốc Công ty cổ phần In Hồng Hà (Hà Nội)n

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Chương trình Chìa khóa thành công - CEO do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự tài trợ của Thép Pomina.
Theo Vũ Anh (Báo Đầu Tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.