10 năm trước, đi qua Quy Nhơn tôi bị ấn tượng mạnh về một rừng cây giữa trung tâm thành phố. Rừng cây ken dày cao chừng mươi mét rộng cả mấy ngàn mét vuông. Khi ấy tôi đã tự hỏi: “Tại sao ngay giữa trung tâm của một đô thị đang phát triển lại có một rừng cây như thế này?”.
“Khu vườn” trong thành phố
Bây giờ trở lại Quy Nhơn, không phải chỉ là một rừng cây ấy mà cả thành phố như một khu vườn rợp bóng. Dọc bờ biển, đi từ Ghềnh Ráng lên tới Mũi Tấn (cảng Quy Nhơn), con đường dài hơn năm cây số nhưng một bên là bãi cát trắng thoai thoải với mặt biển xanh ngắt, một bên là dải cây xanh rì rào. Chỗ hẹp cũng vài chục mét còn chỗ rộng cũng hàng trăm mét. Một công viên thiếu nhi, ngay trước ĐH Quy Nhơn “mọc” ngay bên bờ biển. Bên lề đường, những tàn cây khép tán giữa trưa hè không cho một bóng nắng lọt xuống. Gió biển luồn dưới tán cây rì rào như hòa nhịp với tiếng sóng vỗ ngoài kia khiến những người khách lỡ bước cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng, thanh thoát. Nơi đây, mọi ồn ào của cuộc sống xô bồ ngoài kia như bị bỏ lại. Đi dọc bờ biển, những vạt dừa cao “xõa tay vẫy gió”, vạt phi lao xen lẫn cây bàng, cây dầu, lim…
Bãi biển với hàng cát vàng trải dài nhưng tuyệt nhiên không có một hàng quán bừa bộn nào. Tất cả đều nằm khiêm tốn ở phía bên kia con đường.
Vào trong nội thị, dọc theo đại lộ Nguyễn Tất Thành, con đường trung tâm tương tự như đường Đồng Khởi, Lê Lợi của TP.HCM, dài hơn sáu cây số là một công viên khổng lồ. Đầu đường là đài nhạc nước nằm giữa một thảm cỏ rộng hơn 3.000 m2. Nhũng buổi chiều hè, thấy bầu trời rợp bóng những cánh diều đủ màu sắc. Kế đó là thảm hoa quỳnh anh vàng rực dưới ánh nắng. Xa bên kia đường là những vạt cây cổ thụ cao vài mươi mét. Không chỉ thế, những con đường xương cá như đường Phạm Ngọc Thạch, Hà Huy Tập, Chu Văn An, Hoàng Diệu… cũng rợp bóng cây. Có con đường hàng cây hai bên, lá khép thành tán, đi giữa phố mà mát rượi như đi giữa tán rừng.
Đổi đất vàng lấy cây xanh
Dọc đường An Dương Vương gần Ghềnh Ráng còn năm, sáu khách sạn. Ông Đỗ Đình Phương, Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh và Chiếu sáng Công cộng, cho biết sẽ sớm thôi, các khách sạn này sẽ được di dời đi hết, trả lại cho bờ biển chỉ có cây xanh và thảm cỏ. Chủ trương của thành phố là: Bãi biển hoàn toàn dành cho người dân và các công trình công cộng. Từ năm năm qua, tỉnh đã không chấp nhận bất cứ dự án nào che chắn tầm mắt. Các dự án công trình đều lùi xa bờ biển.
Còn trong thành phố, có những khu bán vé máy bay, khu bến xe cũ khi vừa giải tỏa, do vị trí đắc địa nên đã có những nhà đầu tư đề nghị thuê đất với giá rất cao để làm khách sạn nhưng chính quyền đã lắc đầu và sau đó những công viên đã mọc lên. Dĩ nhiên, khi xây những mảng xanh trong lòng thành phố, quyết định này đã vấp phải những ý kiến trái ngược. Một bên là “phân lô bán nền” để thu về một nguồn ngân sách lớn, rất lớn. Một bên là công viên cây xanh dành cho người dân nhưng qua hai đời bí thư tỉnh là ông Nguyễn Xuân Dương và Vũ Hoàng Hà đã giữ vững quan điểm: Quy Nhơn kiên quyết tôn tạo bờ biển, các hồ đầm cùng với xây dựng các công viên và trồng cây ở tất cả khoảnh đất có thể trồng được. Đó là phúc lợi của toàn dân, đồng thời là cách phát triển bền vững để tạo sức thu hút đầu tư sau này.
Kể cả lề đường cũng rợp bóng mát bởi những hàng phượng vĩ đỏ rực. Ảnh trong bài: ND
“Tôi muốn Quy Nhơn sẽ xanh như Singapore”
Quy Nhơn ngoài bờ biển cát trắng dài, còn có sông Hà Thanh, đầm Thị Nại và hàng chục hồ đầm khác cùng với các ngọn núi khác như núi Bà Hỏa, núi Vũng Chua, Phương Mai, Ghềnh Ráng… Đó là những “mảng xanh” chiếm hơn một nửa thành phố. Nếu không tính những cây xanh tự nhiên này thì tỉ lệ xanh trên mỗi người dân lên đến 4 m2 - ông Đỗ Đình Phương cho biết. Một con số ấn tượng so với các thành phố khác bình quân dưới 2 m2.
Không những thế, hiện nay thành phố đang mở rộng mặt đường nằm giữa hồ Phú Hòa rộng hơn 100 ha và núi Bà Hỏa ra 40 m. The kế hoạch, núi Bà Hỏa sẽ trở thành một lâm viên trong thành phố. Sẽ có những con đường đi lên núi. Người dân có thể đạp xe đạp hoặc đi bộ ngắm cảnh. Dọc đường sẽ có chỗ dừng chân nghỉ mệt, có các dịch vụ công cộng. Không riêng gì núi Bà Hỏa, các ngọn núi còn lại cũng sẽ thành những lâm viên trong lòng thành phố. “Vài năm tới, theo kế hoạch mỗi người dân rồi đây sẽ được 20 m2 cây xanh che bóng mát trên mỗi đầu người” - ông hào hứng. “Tôi đã từng đến Singapore, đó là một thành phố vườn tuyệt vời. Tôi đã ao ước… nhưng với điều kiện hiện thời trong nhiệm vụ được giao tôi sẽ góp sức hết mình để xây dựng Quy Nhơn thành một thành phố xanh sạch đẹp và đáng sống”.
Buổi trưa hè, trời nắng chói chang nhưng lạ thay đi trong thành phố lại mát hẳn. Tiếng ve râm ran cùng hàng phượng vĩ đỏ rực rợp bóng cả con đường. Những người bán nước mía dưới tán cây cùng với những người công nhân tạm nghỉ trên các ghế đá. Thỉnh thoảng một chiếc xe đạp thong thả đi qua. Cả thành phố đã đi ngủ trưa…
Núi đá sẽ thành khu biệt thự Hệ thống cây xanh TP Quy Nhơn được phân thành các loại hình cây xanh đường phố, cây xanh vườn - công viên, cây xanh ven mặt nước và cây xanh trên núi. Để thành phố xanh hơn, đã có đề xuất giải pháp phủ xanh núi Bà Hỏa. Đây là sự kết hợp lợi ích mang tính cá nhân về nhà biệt lập và giải quyết nhu cầu xã hội cần phủ xanh núi đá. Theo đó đề xuất một số giải pháp khu biệt thự đặc thù cao cấp ngay trên phần đất bị xói mòn trơ đá của núi Bà Hỏa. Theo quy chuẩn xây dựng biệt thự thì diện tích phủ xanh cho mỗi khu đất còn lại phải lớn hơn 70%, điều đó có nghĩa núi trơ đá đã được phủ xanh. Nhà nước đã khảo sát chi tiết thực địa, quy hoạch chi tiết khu vực, quy hoạch kỹ thuật và quản lý quy hoạch, tạo điều kiện chuẩn về hạ tầng cho nhóm biệt thự mới này như bắn đá, tạo đường, cấp điện, tạo mặt bằng tương đối cho mỗi khu đất, cung cấp đất trồng cây… và xây dựng một hồ cấp nước khá lớn phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu cho khu vực, nước có thể lấy từ hồ nước ngọt Phú Hòa tiếp giáp, tất cả kinh phí chung nêu trên có thể dễ dàng kêu gọi đầu tư hoặc hạch toán vào giá thành sử dụng đất của cư dân mới… |