Vỡ trận giờ tan tầm
Hà Nội hôm nay đã khác xưa. Những tuyến đường thẳng tắp đốn gục hàng loạt cây xanh, nhiều con đường nắn lại sinh ra hàng loạt ngã ba ngã tư, các tòa cao ốc, nhà ở chung cư không ngừng vươn lên... Chỉ có tắc đường vẫn tồn tại, thậm chí có phần trầm trọng hơn.
Con ngõ nhỏ chật hẹp số 283 Khương Trung (quận Thanh Xuân) gồng gánh hàng nghìn cư dân tỏa ra từ dự án Star Tower. Ngõ 102 Trường Chinh (quận Đống Đa), diện tích lòng đường nhỏ tới mức chỉ cần 2 xe ô tô tránh nhau là tắc nhưng lại đang là lối đi chính cho hàng nghìn hộ dân thuộc hai chung cư MeCo Complex và Capital Garden. Phố Triều Khúc (quận Thanh Xuân) “cõng” trên mình hàng nghìn cư dân sinh sống tại hai dự án cao cấp Diamond Blue và tổ hợp liền kề - cao tầng Pandora. Dù nắng hay mưa, cứ đến giờ tan tầm, những con phố này lúc nào cũng trong tình trạng ùn ứ, bất động. Đường Lê Văn Lương không hề nhỏ hẹp mà thênh thang giữa thành phố, nhưng lúc nào cũng quá tải vào mỗi sáng sớm hay lúc chiều xuống. Theo thống kê của Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, số liệu đến cuối năm 2016, chỉ tính riêng tuyến đường Lê Văn Lương, Thành phố đã cấp phép cho hơn 30 dự án chung cư cao tầng.
Tương tự, phía Tây Nam Linh Đàm, chung cư giá rẻ do Công ty tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên (Tập đoàn Mường Thanh) đầu tư với nhiều tổ hợp nhà cao tầng từ 35 - 41 tầng, dân số khu vực này ước tính lên đến hơn 60.000 người, gần bằng quy mô dân số đô thị loại 3.
Các tuyến đường chạy qua các khu đô thị khác như Trung Hoà – Nhân Chính, Xa La, Văn Quán, Văn Phú cũng lọt vào danh sách điểm nóng về ùn tắc giao thông. Những điểm nóng ùn tắc trải đều trên tất cả các tuyến đường lớn và tương lai khó có phương án nào giảm tắc, bởi các dự án nhà ở, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại vẫn đang được tiếp tục xây dựng. Rõ ràng, tình trạng tắc đường kéo dài tại các khu vực này đang và luôn ám ảnh người dân, ảnh hưởng trầm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt và công việc của người dân Thủ đô.
Đối với Hà Nội, việc điều chỉnh quy hoạch là điều cần thiết và gấp gáp, nhưng điều chỉnh thế nào lại là một vấn đề.Song song với vấn nạn ùn tắc, câu chuyện ngập ở Hà Nội chính là hệ lụy của quá trình đô thị hóa vô tội vạ, không bài bản. Chung cư mọc lên ồ ạt nhưng lại không “chừa” khoảng hở cho cây xanh phát triển giữa các khu đô thị khiến hệ thống tiêu thoát nước bị bế tắc. Luật Xây dựng năm 2003 chỉ rõ khi xây dựng, cải tạo các đường phố phải xây dựng hệ thống tuy nen ngầm, cốt xây dựng mặt đường phải tuân theo cốt xây dựng của quy hoạch xây dựng và thiết kế đô thị. Tương tự, theo quy hoạch đô thị đã quy định, khi xây dựng đô thị ít nhất phải để lại 20% diện tích để làm hồ điều hòa, đường đi lại và công viên cây xanh. Nhưng thực tế, các cao ốc chung cư đều mạnh ai người đó làm, chỗ này một đô thị, chỗ kia một đô thị và không liên kết với nhau. Các khu đô thị như các ốc đảo chỉ nhằm phục vụ nơi ăn chốn ở cho lượng dân cư ngày càng tăng chóng mặt. vắng bóng hoàn toàn các hệ thống tiêu thoát nước.
Lỗi tại ai?
Có một thực tế là một số chủ đầu tư luôn tìm cách bon chen, khoét lõm những khu vực không đủ điều kiện xây chung cư, trung tâm thương mại để thực hiện dự án. Dù không có đường vào hoặc đường vào quá hẹp nhưng chủ đầu tư không biết bằng cách nào vẫn “phù phép” để dự án được hình thành. Từ 1-2 chung cư nhỏ lẻ, Thủ đô dần mọc lên hàng trăm tòa nhà cao tầng khắp mọi nơi. Sau hơn 10 năm sáp nhập, số lượng những tòa nhà trên 20-30 tầng chi chít như nấm sau mưa.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM đồng quan điểm: “Lỗi tăng mật độ xây dựng, tính năng cho dự án cao ốc không hoàn toàn thuộc về chủ đầu tư. Bởi để xảy ra tình trạng đó, chứng tỏ các cơ quan có thẩm quyền xét duyệt chưa làm hết chức năng”. Ông Châu nói thêm, nguyên tắc hạ tầng đi trước, xây dựng đi sau dứt khoát phải thực hiện nghiêm túc. Đồng thời, Nhà nước cần có trách nhiệm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch. Cần chấm dứt quy trình ngược trong cấp phép xây dựng nhà cao tầng, trung tâm thương mại trong ngõ nhỏ.KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam bày tỏ quan điểm với phóng viên: Chúng ta đừng đổ lỗi cho Tập đoàn Mường Thanh xây không phép, vượt tầng... Bởi đầu tư bất động sản không phải là đi buôn ma túy. Bất động sản ở giữa thanh thiên bạch nhật. Một chung cư cao 40 tầng tại sao lại không phép, sai phép trong khi chúng ta có hàng vạn thanh tra viên xây dựng? Rõ ràng, thực tế đang bộc lộ trong quản lý đô thị có vấn đề, trong bộ máy này đã có những mắt xích có vấn đề.
Còn theo ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội, luật đã đầy đủ nhưng chúng ta cần quy trách nhiệm đến từng cá nhân, từ lúc xây dựng luật đến những người thực thi luật. Ví dụ như thanh tra của quận huyện khi để vượt tầng thì chế tài xử phạt như thế nào? Xử phạt chủ tịch quận huyện, phường, xã như thế nào nếu để xảy ra sai phạm? Cần có chế tài cụ thể cho từng vị trí của các cơ quan quản lý để quy trách nhiệm đến từng người. Hơn nữa, các cấp chính quyền cần vào cuộc, có thể kiểm tra giám sát thường xuyên, uốn nắn cho các doanh nghiệp đi đúng hướng và đúng quy hoạch, khi quy hoạch là phải tuân thủ nhất quán, không được thay đổi.
Nếu Hà Nội không thực hiện nghiêm luật, không tính toán đến các vấn đề quy hoạch, quản lý theo quy hoạch, bảo đảm cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường... sẽ phải trả giá đắt trong tương lai.
Loay hoay tìm phương án
TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch & phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, giải quyết hệ quả của việc xây dựng rời rạc, vô tội vạ như thế nào, hiện nay chúng ta mới chỉ đang tính đến những bức xúc trước mắt về ùn tắc giao thông, ngập lụt, ô nhiễm môi trường... nhưng chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi của nó là tạo cấu trúc mô hình hợp lý, mà đó chính là mô hình đô thị vệ tinh.
Ngoài việc phát triển đô thị vệ tinh, không gian ngầm bị lãng quên cũng là một lý do khiến quy hoạch đô thị Hà Nội bị băm nát. KTS Phạm Thanh Tùng nêu quan điểm, trung tâm Hà Nội là một cục nam châm khổng lồ có sức hấp dẫn hút người dân. Chúng ta phải có đầu mối giao thông công cộng tốt, nếu không càng mở, đường càng tắc. “Ngành Quy hoạch xây dựng Việt Nam đã có từ những năm 60 của thế kỷ trước và đến nay, đã trải qua hơn 50 năm với nhiều giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia. Nhưng chúng ta vẫn bị một cái lối rất nông nghiệp là “ăn xổi, ở thì”. Chúng ta chỉ biết khai thác trên mặt đất, mà bỏ quên nguồn tài nguyên dưới mặt đất”.“Trong bối cảnh vươn lên hình thành một mô hình đô thị mới thì giải pháp để tạo ra bền vững đô thị trong quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt từ năm 2011 nêu rõ, Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình chùm đô thị, gồm có khu đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn sinh thái nhằm giảm sức ép cho khu vực nội đô. Thực tế, tại nhiều nước trên thế giới, họ xây dựng đô thị vệ tinh phụ thuộc vào đô thị trung tâm. Trong khi đó tại Việt Nam, các đô thị vệ tinh lại là các đô thị có chức năng độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo, công nghiệp, dịch vụ… Hơn nữa, phát triển đô thị sinh thái bao gồm những khu không gian xanh, hình thành nên các vành đai xanh, hành lang xanh, tương lai sẽ giúp cho Thủ đô hình thành nên thành phố xanh, hướng tới đô thị thông minh” – ông Nghiêm nói. Ông nhấn mạnh thêm: “Để giải quyết những tồn tại bức xúc mang tính cục bộ hiện nay trong nội đô thì đô thị vệ tinh là mô hình cơ bản, là giải pháp quan trọng nhất để giải quyết tận gốc những gốc rễ tồn tại hiện nay”.
Tuy nhiên, theo ý kiến riêng của PGS.TS Phạm Hùng Cường - Trưởng Khoa Kiến trúc - Quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội, giải pháp đô thị ngầm là giải pháp rất đắt đỏ, ngầm hóa thì đồng nghĩa với việc tiếp tục chồng chất vào nội đô. Thực ra, đô thị ngầm chính là chế biến hạ tầng hiện đại. Tuy nhiên, thu nhập của quốc gia cũng phải cân đối với xây dựng nhưng GDP của chúng ta chưa được bao nhiêu. Phương án là xây vừa thôi, đỡ mất công xây dựng mà không tốn chi phí. Đó là cả một chiến lược cần phát triển và có thể vẫn còn nhiều tranh cãi”.