Các ki-ốt đang xây dựng trên hành lang lưu không đường HCM.
Thời gian qua Báo Xây dựng nhận được thông tin của một số người dân sinh sống tại xã Cẩm Phong huyện Cẩm Thuỷ (Thanh Hoá) phản ánh về việc UBND xã đã “bắt tay” với một người dân để đầu tư xây dựng hơn 10 ki ốt dọc theo tuyến đường HCM, đoạn đi qua địa bàn xã, vi phạm vào hành lang an toàn giao thông đường bộ và có “dấu hiệu” trục lợi bất chính từ việc làm trên.
Từ những thông tin trên PV đã tìm về xã Cẩm Phong để tìm hiểu nhận thấy phản ánh của những người dân sinh sống nơi đây là có cơ sở. Qua quan sát của PV, tại Km522 + 250 phía trái tuyến đường HCM đã mọc lên 13 ki ốt, mỗi ki ốt có diện tích khoảng 30m2 đang trong quá trình xây dựng và cách cột mốc đất đường bộ khoảng 4m vào phía trong, cách mép đường khoảng 7m. Được biết, khu vực xây dựng trên là đất LUK (đất lúa) thửa đất số 551 do UBND xã quản lý.
Một người dân cho biết: Khu vực đất đó trước đây là đất công ích của xã, lâu nay có một phần cho thuê và một phần được trồng cây hàng năm, gần đây xã lấy lại và cho một người dân đứng ra xây dựng ki ốt để cho thuê. Hôm đang xây thấy có người của Hạt quản lý đường bộ 470 Cẩm Thuỷ đến lập biên bản đình chỉ vì vi phạm hành lang gì đó. Nhưng chả hiểu sao họ vẫn xây…
Bất chấp quyết định dừng thi công của cơ quan quản lý, công việc xây dựng các ki ốt không phép vẫn được tiến hành.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Cẩm Phong cho biết: Khu vực xây dựng ki ốt trước đó là đất 1 lúa, đất mạ và một phần UBND xã cho thuê bán hàng. Nhưng sau khi kiện toàn lại, xã đã bàn bạc lấy lại và tiến hành xây dựng một số ki ốt để cho thuê, mang lại nguồn thu cho xã và dễ quản lý.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Cẩm Phong làm việc với PV.
Khi được hỏi về việc làm như vậy là vi phạm vào hành lang an toàn giao thông đường bộ xã có biết không? Ông Sơn nói: Vẫn biết làm như vậy là sai, nhưng bây giờ để cho dễ quản lý và tạo công ăn việc làm cho dân, đặc biệt là người đi tù về và mang lại nguồn thu cho xã nên xã đành làm. Ông Sơn cũng cho biết thêm: Mới đầu xã dự tính xây dựng khoảng 14 ki ốt với kinh phí dự toán trên 600 triệu đồng, nhưng sau đó đo đạc lại chỉ đủ diện tích cho 13 ki ốt. Ngoài ra, tiền xây dựng các ki ốt này xã giao cho ông Trần Văn Lương đứng ra xây dựng, sau đó sẽ tính toán tiền cho thuê và thu trong khoảng 3 năm đủ với số tiền ông Lương bỏ ra xây dựng ki ốt, khi thu đủ thì ông Lương sẽ bàn giao cho xã quản lý và thu (theo hình thức BOT – PV).
Được biết, trước đó ngày 16/2/2015, Chi cục quản lý đường bộ II.1 đã có biên bản làm việc số 15 tại văn phòng UBND xã Cẩm Phong, Cẩm Thuỷ. Nội dung biên bản đề nghị UBND xã Cẩm Phong làm các thủ tục theo pháp luật quy định khi xây dựng các ki ốt tạm thời mới được tiếp tục thi công, UBND xã hoàn trả nguyên trạng phần đất ruộng đã bị lấp…
Biên bản làm việc giữa Chi cục quản lý đường bộ II.1 với UBND xã Cẩm Phong.
Như vậy, việc làm sai trái của UBND xã Cẩm Phong đã rõ ràng. Đề nghị UBND huyện Cẩm Thuỷ và các ban ngành chức năng liên quan cần sớm ngăn chặn việc làm trên, tránh tạo tiền đề cho tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ và không loại trừ từ động cơ trục lợi bất chính từ hành vi sai phạm trên.