16/04/2013 8:01 PM
Hàng loạt dự án công nghiệp có vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng tại tỉnh Thanh Hóa đang đứng trước nguy cơ “chết yểu”, gây lãng phí rất lớn về tài nguyên và nguồn lực xã hội, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư của địa phương.

Nhà máy giấy: 10 năm vẫn nằm… trên giấy

Dự án Nhà máy Sản xuất giấy và bột giấy Châu Lộc tại xã Châu Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa), với đầu tư dự kiến hơn 1.500 tỷ đồng, do Tổng công ty Giấy Việt Nam làm chủ đầu tư, đã được khởi công từ tháng 3/2003. Mặc dù đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng từ tháng 11/2004 và giao chủ đầu tư tiến hành đầu tư xây dựng, nhưng đến nay, Dự án bỗng dưng “chết yểu”. Hàng chục héc-ta đất tại Dự án biến thành bãi hoang, làm nơi chăn thả gia súc.

Ông Nguyễn Văn Hoằng, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cho biết: “Việc dự án này không triển khai lại là... điều may đối với người dân sống quanh đó, bởi khi đi vào hoạt động, Nhà máy Sản xuất giấy và bột giấy Châu Lộc sẽ tác động rất lớn đến môi trường. Quan điểm và nguyện vọng chung của người dân và chính quyền địa phương là nếu dự án không có khả năng triển khai, nên thu hồi để chuyển sang dự án khác phù hợp hơn”.

Ông Hoằng đưa ra bài toán so sánh, nhà máy này, nếu được xây dựng, sẽ sử dụng tối đa 2.000 lao động và đóng góp cho ngân sách 20 - 30 tỷ đồng/năm, song sẽ ảnh hưởng đến hàng vạn lao động vùng ven biển này, ảnh hưởng nghiêm trọng đến bãi ngao vùng triều – nơi đang cho sản lượng 15.000 – 20.000 tấn/năm, với giá trị hàng trăm tỷ đồng.

Được biết, ngày 25/10/2012, Bộ Công thương đã ra Thông báo số 254/TB-BCT về kết luận của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa tại buổi làm việc với Công ty cổ phần Giấy Thanh Hóa, theo đó Bộ Công thương cơ bản đồng ý việc chuyển địa điểm đầu tư Nhà máy Sản xuất giấy và bột giấy Châu Lộc (Thanh Hóa) vào Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi).

Những dự án ngàn tỷ đồng còn… “treo”

Báo Đầu tư số 141, ra ngày 23/11/2012 có bài “Dự án Nhà máy Xi măng Thanh Sơn (Thanh Hóa): ‘Bất khả thi’ khi còn dang dở”, phản ánh thực trạng Dự án Nhà máy Xi măng Thanh Sơn tại xã Thúy Sơn (huyện Ngọc Lặc). Dự án có công suất dự kiến 1 triệu tấn xi măng/năm, tổng mức đầu tư trên 1.400 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thăng Long (Hà Nội) làm chủ đầu tư này đã được khởi công từ tháng 3/2008 và dự kiến hoàn thành trong quý IV/2014.

Được kỳ vọng là điểm nhấn của ngành công nghiệp vùng miền núi phía Tây của tỉnh Thanh Hoá, nhưng đến nay, toàn bộ mặt bằng nhà máy (hơn 40 ha) thuộc Dự án đã biến thành bãi trồng rau màu. Dự án đang đứng trước nguy cơ “chết yểu”, vì tính khả thi không cao.

Ngoài hai dự án kể trên, Dự án Nhà máy Sản xuất phôi thép, công suất 250.000 tấn/năm tại địa bàn xã Cao Ngọc, Ngọc Lặc, với tổng mức đầu tư 1.461 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Luyện kim Thanh Hóa làm chủ đầu tư, cũng đang bế tắc.

Khởi công xây dựng từ quý III/2008 và dự kiến đi vào hoạt động trong quý II/2010, nhưng đến nay, Dự án mới xây dựng được một số hạng mục, như nhà điều hành, khoảng 50% tường rào…

Cũng nằm trong danh mục dự án có nguy cơ chết yểu, còn có Dự án Thủy điện Hồi Xuân, thuộc Quy hoạch điện VI của Chính phủ, đầu tư xây dựng hoàn thành trong giai đoạn 2006 – 2015.

Tháng 6/2007, Dự án Thủy điện Hồi Xuân được chuyển giao từ Ban quản lý dự án 2 (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) sang Công ty Thủy điện Hồi Xuân - Vneco, thuộc Tổng công ty cổ phần Xây dựng Điện Việt Nam (trực thuộc Bộ Công thương) để thực hiện. Dự án đã ký kết và thực hiện 27/29 hợp đồng tư vấn đầu tư xây dựng, với tổng mức chi phí khoảng 350 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, dự án này đang tắc trong khâu đàm phán vốn vay để triển khai các hạng mục còn lại.

Những dự án ngàn tỷ đồng có nguy cơ chết yểu kể trên của tỉnh Thanh Hóa đang gây lãng phí tài nguyên và các nguồn lực xã hội rất lớn, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư – kinh doanh của địa phương. Từ thực tế này, vấn đề đặt ra đối với các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa là phải có phương án đánh giá, thẩm định năng lực chủ đầu tư, cân nhắc kỹ các yếu tố tác động môi trường trước khi ra quyết định cấp phép đầu tư.

Sỉ Chức (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.