28/02/2014 9:17 PM
Phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài ở dự thảo Luật (sửa đổi) sẽ được mở rộng đáng kể.

Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2014, chiều nay (28/2) tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp mở rộng nhằm thẩm tra dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp.

Theo dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đang được thẩm tra trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp tới, phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài sẽ được mở rộng đáng kể. Sau khi chỉnh sửa trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Thường trực Ủy ban Kinh tế, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có 5 chương, 72 điều, giảm 1 chương và 9 điều so với Luật Kinh doanh bất động sản 2006.

Góp ý vào Dự thảo Luật, nhiều ý kiến nhận định: Những nội dung mới được bổ sung sẽ khắc phục tình trạng đầu tư bất động sản tự phát, theo phong trào, mất cân đối, lệch pha cung - cầu hàng hóa bất động sản, nhất là nhà ở, bảo đảm cho thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, hiệu quả.

Phát biểu tại phiên họp, ông Thân Đức Nam, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu ý kiến: “Khi lập quy hoạch bất động sản các địa phương có cần thiết phải lập nhiều quy hoạch hay không? Chính vì vậy trong quy định của Dự án Luật cần quy định rõ những quy hoạch địa phương cần phải lập và nếu thừa, các địa phương phải chịu trách nhiệm, vì cứ quy hoạch ào ạt rồi kêu nhà đầu tư vào đầu tư, rồi bán không ai mua. Chính vì vậy Dự án Luật cần quy định rõ trách nhiệm điều khoản ở vấn đề này”.

Một số ý kiến đề nghị khi sửa Dự án Luật, Ban soạn thảo cần tập trung vào những điểm nghẽn của thị tường bất động sản, từ đó đề ra các giải pháp để khơi thông thị trường. Đồng thời, Dự án Luật khi sửa đổi phải tạo được môi trường pháp lý thông thoáng, bình đẳng để huy động hiệu quả các nguồn lực của xã hội tham gia vào thị trường bất động sản. Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và người dân tham gia hoạt động kinh doanh bất động sản.

Đại biểu Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội đề nghị: “Trước mắt, chúng ta cần tính toán một số điều của Luật này và Luật nhà ở còn nhiều vướng mắc như hiện nay để kỳ họp Quốc hội tới sửa trước. Còn lại cơ quan soạn thảo cần rà soát toàn bộ thị trường bất động sản và các Dự án Luật khác để đồng bộ và lành mạnh hóa thị trường bất động sản, trong đó đặc biệt là các định chế tài chính để giảm đi các nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp, hướng tới đầu tư chuyên nghiệp của các định chế tài chính”.

Về phạm vi kinh doanh bất động sản của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, nhiều ý kiến đồng tình với phương án 2 của Ban soạn thảo. Tức là không tách rời người Việt Nam định cư ở nước ngoài thành 2 đối tượng như phương án 1 mà quy định là người Việt Nam định cư ở nước ngoài cho thống nhất với Luật đất đai 2013 và được quy định thành một khoản riêng, nhằm kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu: Ban soạn thảo tiếp tục tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Ủy ban kinh tế và các đại biểu; đồng thời chú ý sửa đổi về phạm vi điều chỉnh nghiêm túc nghiên cứu và đưa ra phương án khả thi trên tinh thần phù hợp với các quy định của Hiến pháp sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua./.

Văn Hiếu (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.